Kính gửi chị Hạnh Dung! Em có nỗi lòng mà không biết nói cùng ai.
Chồng em là nhân viên kinh doanh, không biết sao dạo này anh đi công tác hoài, em một mình ở nhà chăm hai đứa con sáu tuổi và hai tuổi, hết đứa này bệnh đến đứa khác bệnh. Em mệt mỏi quá, bản tính chồng em lại không trung thực nên em vừa nghi ngờ, vừa chán nản. Lúc ở nhà, đi nhậu với đồng nghiệp thì anh bảo đi với đối tác, lúc đi với đối tác nữ thì bảo đi với nam… Em mấy lần phát hiện anh nói dối nên không còn tin anh nữa. Đợt này, lúc đi anh bảo đi bốn ngày, giờ điện thoại về bảo là đi mười ngày vì công việc phát sinh. Anh điện thoại về thông báo vậy, em giận quá bảo thôi từ nay đừng gọi mẹ con em nữa, thì sau đó anh cũng không gọi luôn.
Em thử tìm mở email của anh, thì thấy anh viết cho sếp anh (chị này 46 tuổi) là anh sẽ đi thêm các tỉnh miền trung, vì sợ về thì uổng vé máy bay, còn viết “đi thêm năm ngày nữa nhớ sếp lắm!”. Em tưởng mình sắp phát điên lên chị ạ. Sao không nghĩ tới nỗi vất vả của mẹ con em ở nhà, mà chỉ nghĩ tới cái vé máy bay của công ty? Sao không nhớ mẹ con em, mà lại nhớ sếp? Có phải anh đã ngoại tình? Mai mốt anh về em không biết nói năng cư xử làm sao đây, chẳng biết cái nào thật, cái nào là giả dối…
Bùi Thị Thu (TP.HCM)
Em Thu thân mến,
Em đã biết tính chồng em hay nói dối, vậy mà giờ em đang tin và đau khổ dằn vặt vì một lời nói cũng rất có thể chỉ là nói dối mà thôi. Em có thấy mình tự mâu thuẫn không? Khi chồng em nói phải đi công tác thêm mấy ngày nữa thì em nghi ngờ, mở email, em đã thấy thông tin có việc chồng em đi thêm mấy ngày nữa thật, nhưng em vẫn không tin. Vậy mà mấy chữ “nhớ sếp lắm” thì em tin ngay, và “sắp phát điên lên”! Có thể em đang mệt mỏi bực dọc vì chăm con, vì vắng chồng, vì nghi ngờ đủ thứ chuyện, nên mới dễ dàng trút nỗi nghi ngờ của mình vào chỗ đầu tiên phù hợp mà em tìm thấy. Cần bình tĩnh lại một chút để xem xét vấn đề, em ạ.
Việc mình lục lọi email cá nhân của chồng là không đúng đâu. Vì vậy nên cho dù có đọc thấy gì trong đó, thì cũng không được dùng thông tin đó mà hạch hỏi chồng khi chồng về. Nếu là Hạnh Dung, Hạnh Dung sẽ nghĩ thôi thì đàn ông tán tỉnh đầu môi chót lưỡi, bỏ qua đi. Có thể vì đang muốn thuyết minh cho cái vụ đi dài ngày, nên mới vẽ ra cái chuyện tiết kiệm cho công ty, chuyện nhớ sếp, cũng là cách để lấy lòng thôi. Cũng không hay ho gì cái cách này, nhưng hình như một số lớn đàn ông vẫn dùng nó chứ chẳng phải riêng gì chồng em đâu. Sau này, có thể tìm dịp nào đó để bày tỏ rằng mình không thích cách làm, cách nói như vậy, anh ấy sẽ tự hiểu.
Quan trọng hơn là việc chồng em hay nói dối vợ về những cuộc bên ngoài. Cần trao đổi thẳng thắn về việc này. Vợ chồng phải có trách nhiệm với nhau trong từng lời nói, niềm tin trong gia đình là nền tảng để xây dựng hạnh phúc chung. Không thể trò chuyện với nhau theo kiểu đối phó cho qua chuyện, rồi về lâu về dài thì người nọ nghi ngờ tất cả những gì người kia nói. Em phải rõ ràng, dứt khoát. Có thể, những lời nói dối lúc ban đầu cũng là do quen miệng, không để ý, chứ chưa phải là đã có ý thức che giấu một sự thật nào đó trầm trọng.
Em cần nói cho chồng biết lòng tin trong em đã sứt mẻ như thế nào. Mặt khác, cũng có thể cần xem lại cách mình hỏi han, quan tâm chia sẻ, đừng truy bức quá, đừng khiến người ta phải lấy tấm bình phong dối trá ra đối phó với mình. Em không nên giận dỗi, trách móc để rồi tự buồn khổ, dằn vặt mình, hãy tìm cách để giúp chồng, giúp mình củng cố lại lòng tin với nhau.
(Theo Hạnh Dung/Phunuonline)