Chồng thuộc loại người thoáng tính. Ai nấy đều bảo chồng mà có của thì người lạ cũng được nhờ. Về quê, hết cô dì, chú bác, đến anh em họ đều khen chồng rộng rãi.
Mọi người bảo vợ có phước, lấy được ông chồng vừa kiếm ra tiền lại giỏi chiều chuộng. Mấy ai hiểu, nhiều lúc vợ chỉ biết cười như mếu. Chỉ có bố mẹ biết rõ tính tình của con trai nên động viên vợ: “Tính nó từ bé đã thế, chẳng tiếc với ai cái gì bao giờ. Nó đâu biết giữ của. Con gắng sắp xếp thu chi cho hợp lý”.
Nhớ lần về quê ăn giỗ, cả họ họp nhau lại bàn chuyện xây mộ cụ tổ. Chồng là con trưởng, cháu đích tôn nên tất nhiên trách nhiệm rất lớn. Chồng kiên quyết đã xây là phải hoành tráng. Bàn tới, bàn lui, chồng hùng hồn tuyên bố sẽ chịu một nửa chi phí xây dựng. Vậy là vợ đành gác chuyện mua máy tính cho con, cắt chuyện lên đời cái xe cũ, giảm cả chi tiêu trong nhà sao cho gom đủ tiền đưa chồng. Từ lần đó trở đi, trong thôn, trong họ hễ có việc gì cần đóng góp là gọi điện cho chồng đầu tiên. Ai cũng nghĩ vợ chồng mình ở thành phố làm ăn khấm khá nên mới bạo tay như thế. Mà, ai đã nhờ chuyện gì thì chồng chẳng bao giờ từ chối. Từ chuyện hội hè, rước kiệu đầu năm, đến quỹ làm đường, quỹ khuyến học... Rồi nhà nào trong họ có đám cưới, ma chay thiếu tiền đều gọi điện nhờ chồng cả.
Hôm con chị Tư cùng thôn đỗ đại học, chồng nhất định bảo chị Tư cứ để cái Tính lên ở nhà mình cho tiện, đỡ chi phí, lại gần trường. Nhà mình bé, có thêm người lạ, sinh hoạt vợ chồng nhiều cái bất tiện, nhưng biết tính chồng, vợ không dám cản. Cái Tính ở nhà mình, chồng lại nhắc vợ đi chợ phải mua này, mua kia cho cháu nó bồi bổ lấy sức học. Ra chợ, vợ cứ phải đắn đo mãi, thế mà về làng vẫn bị mang tiếng: “Chú ấy thì thảo, chứ cô ấy tính toán ghê lắm”.
Vợ chồng mình cũng là công nhân viên bình thường, lương chồng có khá hơn vợ một chút vì ngoài lương cơ bản chồng còn được hưởng theo doanh thu. Nhưng, hễ có thêm đồng nào là chồng gọi bạn bè nhậu nhẹt, liên hoan. Vì tính tiêu hoang của chồng mà nhiều lúc mọi người nhìn vợ cứ như một người bủn xỉn. Vợ chẳng dám ăn mặc, mua cái gì cũng phải cân nhắc, so đo.
Nhiều lúc trong bữa cơm chồng than sao vợ tiết kiệm thế, vợ giải thích, chồng lại bảo: “Người ta khốn khó mới nhờ mình. Mình không giúp sao đành, lại toàn anh em cả, đi đâu mà thiệt”. Hoặc: “Bạn bè nó mời mình, mình phải mời lại thôi”…
Sao chồng không thử tính xem, nếu con ốm, con đau hay lỡ có công to việc lớn gì thì lúc đó lấy đâu ra tiền? Những lúc bố mẹ nhà chồng hay nhà vợ cần giúp đỡ thì mình xoay đâu cho kịp? Nếu chồng cứ sống theo kiểu vung tay quá trán thế này, e rằng đến một ngày chẳng còn đến bát mẻ mà ăn.
(Theo PNO)