HTML clipboard

- 7h sáng chủ nhật, đang say nồng với giấc ngủ dài ngày chủ nhật, cả nhà anh Bình bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại lanh lảnh: “Anh ơi, em ở trung tâm môi giới bất động sản, có dự án hay lắm, em muốn giới thiệu với anh”… Và anh Bình không thể bình tĩnh thêm được nữa…

Môi giới nhà đất kiểu “khủng bố”

Theo tiết lộ của một “cò” đất chính hiệu, có thâm niên 8 năm làm cò, thì chưa bao giờ, việc môi giới bất động sản lại trở nên khó khăn như thời gian này.

Thị trường nhà đất nở rộ, các chung cư đua nhau giảm giá, người mua có thể đến tận phòng kinh doanh của các nhà thầu để mua nhà với giá gốc, nhưng đâu đâu cũng thấy người dân than thở chữ “lạm phát”, và “cò đất” gặp khó khăn hơn bao giờ hết.  

Đủ mọi chiêu được “cò” tung ra vào thời điểm này: gửi email đến tất cả các địa chỉ mà mình biết hoặc tình cờ có; đăng quảng cáo ở hàng chục trang một lúc với những lời mời chào “cơ hội đầu tư siêu lời”, “nhà siêu rẻ”; … Thậm chí, “cò” đất không ngần ngại tung “độc chiêu”: mua nhà ở trung tâm tặng… chảo chống dính, nồi cơm điện.

Kinh tế khủng hoảng, việc bán đất trở nên khó khăn hơn bao giờ hết (Ảnh: Thu Lý)
 

Chị Minh Anh, nhân viên IT của một công ty tại đường Âu Cơ cho biết, thời gian này, chị cùng các đồng nghiệp làm về kĩ thuật mạng phải khốn khổ vì nhân viên ở các bộ phận khác liên tục than phiền bởi thư rác, thư quảng cáo bất động sản ngày nào cũng được gửi tới tấp đến vài chục cái.

Khủng bố hơn, “cò” đất còn gửi cả thư tay, thư giới thiệu dự án kèm hồ sơ dự án đến những cá nhân hay địa chỉ có thể có kèm số điện thoại của mình. Cá biệt còn có trường hợp, do đọc quảng cáo trên mạng không kĩ, cò này còn gửi nhầm cho cả cò kia.

Chị Hoàng Chung, giáo viên một trường tiểu học ở Hà Nội kể lại câu chuyện mà chị vô tình vướng vào “cò đất”. Số là trong lớp chị dạy, có 1 phụ huynh học sinh làm nghề môi giới bất động sản.

Trong buổi họp phụ huynh, khi kết thúc cuộc họp, cô giáo hỏi các vị phụ huynh còn ý kiến gì không. Bất ngờ, vị phụ huynh làm nhà đất đứng vội vàng lên và nói 10 phút giới thiệu dự án bất động sản và chào mời mọi người mua hàng.

Mua nhà rồi bắt … mua tiếp

7h sáng chủ nhật, đang say nồng với giấc ngủ dài ngày chủ nhật, cả nhà anh Bình bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại lanh lảnh.

“Anh ơi, em ở trung tâm môi giới bất động sản, có dự án hay lắm, em muốn giới thiệu với anh”… Và anh Bình không thể bình tĩnh thêm được nữa: “Hàng ngày, tôi đã có cảm giác mình bị khủng bố vì các dự án bất động sản ở tận đâu đâu rồi, giờ về nhà, muốn ngủ yên với vợ con mà cũng không yên với anh chị sao?”.

Ai dè, sau khi anh Bình quát to lên như vậy, “cò” đất vẫn bình tĩnh đáp lại: “Anh ơi, vì dự án này quá tốt nên em nghĩ anh không thể bỏ qua được, chứ dự án vớ vẩn thì em cũng không làm phiền anh vào ngày nghỉ đâu”.

Không dừng lại ở việc tiếp thị các dự án bất động sản ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, “cò đất” còn tung chiêu ép khách “mua nhà rồi bắt … mua tiếp”.

Anh Việt Hà, nhân viên một công ty trên phố Láng Hạ kể chuyện. Anh đặt 1 căn chung cư ở Ciputra cách đây gần chục năm, khi dự án còn mới bắt đầu có. Thế nhưng, đến tận giờ này anh vẫn thấy có người ra rả gọi điện thuyết phục anh mua một căn hộ ở khu chung cư đó.

Mặc cho anh ra sức giải thích rằng, anh đã có nhà ở chính chỗ đó rồi, không có nhu cầu đầu tư thêm nữa nhưng “cò” vẫn một mực không tin, cho rằng anh nói dối và gửi liên tiếp email, tin nhắn và cả thư quảng cáo đến nhà của anh.

Nhiều “cò” đất khi thấy khách từ chối với lí do “thiếu tiền”, “không xoay được vì tình hình tài chính đang khó khăn” còn tung thêm chiêu “vay nóng”. Bằng hình thức “thế chấp chính căn nhà mà khách hàng mua”, cò đất còn sẵn sàng đầu tư giúp khách hàng thêm cả tỷ đồng với lãi suất “cắt cổ” để mua được nhà.

Thời gian gần đây, thị trường nhà đất cả nước đóng băng, không ít trung tâm môi giới đóng cửa vì quá ít khách hàng tìm đến. Cũng không ít "cò" dở khóc dở cười vì trông chờ vào việc giá đất tăng nên “găm” đất chờ thời. Đây cũng là mùa cho “cò” đất tung nhiều độc chiêu khiến khách hàng khóc dở mếu dở.

  • Thu Lý