- Vụ bê bối của công ty du lịch Lanta Tour mới đây của Nga đã khiến cho hơn 4000 khách hàng của công ty này mắc kẹt tại các quốc gia Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ.

Tuy nhiên, vụ bê bối như vậy do các công ty du lịch vỡ nợ gây nên không phải là hy hữu, nếu như không nói là thường xuyên. Trước những "tai nạn" như vậy, các du khách (đã - đang - sẽ) thực hiện tour du lịch đều bị tổn thất không chỉ về vật chất, mà còn cả về tinh thần.

Ông bà James và Karen Wahlgren đã bị "lừa" mất 10.000 USD cho chuyến du lịch trong mơ tới Alaska vào năm 2008. Họ không thể đòi lại được số tiền này khi công ty du lịch tuyên  bố phá sản
Vỡ mộng

Marry Ann Buss và em gái của bà đã mơ tưởng về một chuyến đi kỳ vĩ mà họ mơ ước suốt hơn 50 năm qua. Đó là một cuộc khám phá tới mảnh đất của những chú gấu túi và chuột túi kéo dài hai tuần ở Australia.

"Đó là một giấc mơ" - Buss nói. "Và đáng ra, nó đã trở thành sự thật" - bà nói thêm.

Năm 2008, hai chị em bà Buss mỗi người trả 6.000 USD cho hãng du lịch Carol' Tours. Công ty này hứa hẹn sẽ biến giấc mơ của hai bà lão trở thành hiện thực và hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Nhưng, điều đó đã không bao giờ xảy ra

Thay vào đó, hai chị em bà Buss và Soldner đã cùng nhập hội với nhóm người "suýt" trở thành du khách ở bang Wisconsin (Mỹ). Họ cho biết: công ty Carol' Tours đã "xù tiền" của họ rồi biến mất.

Trong khi đó, ông bà James và Karen Wahlgren ở Slinger (Mỹ) cho biết họ đã bị mất không 10.000 USD sau khi đặt một chuyến du lịch "chỉ có một lần duy nhất trong đời" - bao gồm cả phí đi du thuyền đến Alaska.

Hai cụ già về hưu cũng đặt chung chuyến du lịch với bà Buss và cùng bị hủy tour. Nhưng sau đó thì hai cụ cho rằng, công ty du lịch đã cố ý giả mạo chuyến du hành tới Alaka.

"Chúng tôi không còn tin ai nữa" - Karen nói. "Và không còn hy vọng gì tới được Alaska nữa".

Công ty du lịch này đã đóng cửa từ tháng 1/2008 và sau đó nộp hồ sơ phá sản 8 tháng sau đó trong tòa án liên bang ở Milwaukee, sau hơn 20 năm kinh doanh tour du lịch.

Khối nợ khổng lồ của công ty du lịch này tương đương 543.000 USD, trong đó hơn 200.000 USD là tiền của khách hàng ở West Bend, Kenosha, Hartford, Menomonee Falls và ở nhiều nơi khác nữa.

Giấc mơ không thành, nhưng chị em bà Buss cũng không thể thu hồi toàn bộ số tiền đặt cọc của mình trị giá 6.000 USD. Cũng lúc đó, bà Buss phát hiện ra là công ty này đã không mua bảo hiểm cho chuyến đi như đã hứa hẹn. "Đó đúng là cái bẫy" - bà Buss nói.

Mắc kẹt

Những trường hợp đó không phải là tệ hại nhất khi hành khách bị công ty du lịch bỏ rơi. Bởi tình huống xấu nhất xảy ra là khi các hành khách đang sung sướng cầm hộ chiếu trên tay mới phát hiện ra là tấm vé của mình chưa từng tồn tại, hoặc chi phí đặt phòng chưa được trả, hoặc các phí phụ trội...

Cũng trong năm 2008, một hãng du lịch ở Tampa (bang Florida, Mỹ) cũng đệ đơn phá sản. Họ được cho là đã bị mất hơn 8 triệu USD.

Hậu quả là hàng loạt khách hàng của hãng này đã nổi cơn lôi đình ở sân bay khi phát hiện ra rằng chuyến đi của họ chưa từng được đặt. Họ đã trút cơn giận của mình vào email và điện thoại vào công ty này, nhưng không thể liên lạc được.

Rốt cuộc, chỉ có một số trong các khách hàng được hoàn trả lại chi phí, trong khi những người khác vẫn phải chờ dài cổ tiền đền bù.

Năm ngoái, Murray Atherton (Canada) đã đến thăm Haida Gwaii. Sau đó anh tới Smithers và nhận được tin xấu. "Công ty du lịch mà tôi thuê đã phá sản và chuyến đi của chúng tôi chưa được thanh toán" - Murray kể lại những gì mà anh nghe được.

Ba ngày sau đó, Murray phải tự thanh toán tiền phòng khách sạn. Khi về nhà, anh cố gắng thu hồi tiền thông qua bảo hiểm du lịch từ thẻ tín dụng của mình. Nhưng nỗ lực không thành công.

"Tôi nhận được thư và họ nói rằng họ không chi trả phí đi lại nội thành" - Murray nói.

Giải cứu niềm tin

Trong khi đó, bạn của Murray lại nhận được tiền bồi thường thông qua Bảo hiểm du lịch B.C do các hãng du lịch được cấp phép chi trả.

Manjit Bains ở Trung tâm Bảo vệ người tiêu dùng cho biết: "Hãy luôn nhớ kiểm tra bản in của hợp đồng. Hãy nhìn vào phần chính sách bồi thường và hủy chuyến".

Khi đặt tour du lịch online và có biểu tượng nói rằng website này được cấp phép từ cơ quan Bảo vệ Người tiêu dùng. Murray sau đó đã điền vào các mẫu văn  bản và cầu nguyện.

"Tôi đã nhận lại toàn bộ hóa đơn và gửi nó tới Victoria và chỉ trong bốn tuần, tôi nhận lại hết số tiền. Thật kỳ lạ là nó quá dễ dàng".

Còn với những công ty du lịch "tử tế", ngay cả khi bị phá sản vì hoạt động kém hiệu quả, khách hàng vẫn được bồi thường mọi phí tổn và hoàn tiền đã đặt cọc.

Năm 2009, hãng Conquest Vactions (Toronto, Canada) đã quyết định đóng cửa vì kinh doanh thua lỗ. Nhưng thay vì đem khách bỏ chợ, họ đã có những hành động trách nhiệm.

Theo đó, các khách hàng đã đặt chuyến và thanh toán qua tiền mặt hoặc séc đều được bồi thường khi làm việc với hãng. Còn những hành khách nào đặt trực tiếp với Conquest Vacations sẽ do hãng liên hệ lại, và sau đó chuyển lại cho công ty này số phiếu đặt và được hoàn tiền.

  • Lê Thu (tổng hợp)