Trong khi cả châu Âu vật lộn để thoát khỏi suy thoái, Iceland dự đoán sẽ tăng trưởng kinh tế 2,8% trong năm nay và sẽ là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất châu Âu.

Khi cuộc khủng hoảng tài chính 2008 lan tỏa khắp hành tinh, Iceland cũng bị cuốn vào vòng xoáy. Nhưng thay vì tái cơ cấu toàn bộ tổ chức tài chính, các ngân hàng của Iceland đơn giản là sụp đổ. Thị trường chứng khoán gần như đóng băng, đặt nền kinh tế vào tình trạng “chết lâm sàng” trước khi có thể tiếp tục rơi tự do hơn nữa.

Vậy nhưng, nếu người Mỹ có “Phong trào chiếm lĩnh phố Wall”, thì Iceland trải qua cuộc Cách mạng Kitchenware trong hòa bình mà vẫn làm nên lịch sử.

Ảnh: wordpress

Ngày 26/1/2009, Thủ tướng Geir Haarde lấy lý do sức khỏe đã từ nhiệm. Ngày 1/2, một liên minh chính trị mới được thành lập và nắm quyền lãnh đạo. Jóhanna Sigurðardóttir trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Iceland. Sau cuộc bầu cử tháng 4/2009, bà thành lập chính phủ thứ hai với 42% nữ bộ trưởng. Cuộc khủng hoảng cũng dẫn tới việc phụ nữ nắm giữ ba ngân hàng lớn nhất của Iceland, hai trong số đó hiện vẫn đương nhiệm.

Nhưng khi đã có một chính phủ mới, thì người Iceland hiểu rằng, vấn đề không nằm ở người có quyền lực, mà ở chính cấu trúc quyền lực. Một diễn đàn Quốc gia bắt đầu từ 14/11/2009 chuẩn bị cho một đại hội Hiến pháp năm 2011. Hàng nghìn người được mời tham dự, đại diện cho mọi thành phần dân số tuổi từ 18-88.

Ngày 27/11/2010, người dân trực tiếp tham gia cuộc bỏ phiếu chọn ban soạn thảo hiến pháp mới gồm 25 người. Yêu cầu đối với mỗi thành viên trong ban là đã trưởng thành và có sự ủng hộ của 30 người. Ban soạn thảo làm việc theo nguyên tắc đồng thuận và công khai. Sau khi đạt được đồng thuận thông qua trưng cầu dân ý, hiến pháp mới sẽ có hiệu lực nếu tiếp tục được quốc hội hai nhiệm kỳ liên tiếp phê chuẩn. Người nhận được nhiều phiếu nhất là Thorvaldur Gylfason, một giáo sư kinh tế. Ban soạn thảo có cả nông dân, nhà báo, bác sĩ...

Có rất nhiều thay đổi trong dự thảo hiến pháp mới như: thêm cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm; cho phép 15% cử tri được đệ trình dự luật ra quốc hội hoặc kêu gọi trưng cầu dân ý với các dự luật đề xuất...

Iceland còn tổ chức cuộc trưng cầu dân ý để dân được trực tiếp tham gia vào việc xác định định hướng nền kinh tế của đất nước. Quốc hội thông qua đạo luật trả nợ 3,5 tỉ euro cho Anh và Hà Lan trong 15 năm với lãi suất 5,5 %, tất cả sẽ được tính vào tiền thuế hàng tháng của người dân Iceland nhưng Tổng thống Iceland đã từ chối phê duyệt kế hoạch này. Thay vào đó, tổng thống tuyên bố một cuộc trưng cầu để phổ biến vấn đề đến với người dân.

Cuộc trưng cầu diễn ra và quyết định từ chối kế hoạch trả nợ được thông qua tại quốc hội với 93% số phiếu. Chính phủ Iceland còn tổ chức cuộc điều tra những thành viên chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng. Nhiều giám đốc điều hành cấp cao và ông chủ nhà băng bị bắt giữ.

Thay vì vội vã cắt giảm chi tiêu - biện pháp gây ra làn sóng biểu tình mạnh mẽ khắp châu Âu, nhất là tại Hy Lạp và Tây Ban Nha, thì Iceland trì hoãn kế hoạch thắt chặt. Thậm chí chính phủ nước này còn tăng phúc lợi xã hội cho những người nghèo nhất.

Iceland đã có 4 năm chìm vào cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng dưới sự dẫn dắt của một nữ thủ tướng và nội các mới, quốc gia Bắc Âu đã dần hồi sinh một cách đáng ngạc nhiên. Nước này đã trả được sớm nhiều khoản nợ quốc tế, tỉ lệ thất nghiệp dao động ở mức 6% và đang giảm dần…

Phần 2: Để ngân hàng phá sản, bắt chủ nhà băng

Thái An tổng hợp