Thịt bò Brazil giờ đang được bày trên bàn của Iran. Một bênh viện do Iran xây dựng điều trị bệnh nhân gần thủ đô Bolivia. Các nhà máy do Iran cấp vốn đặt ở vùng ven của Venezuela.

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad. Ảnh: RIA 
Iran đã tiến hành hàng trăm các thỏa thuận với các quốc gia Mỹ Latinh và hứa hẹn cấp cho họ hàng tỉ USD.

Các thỏa thuận khác sẽ được công bố trong tuần này khi Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad công du tới Venezuela và dừng chân ở Nicaragua, Ecuado và Cuba.

Trước chuyến đi, kế hoạch này của Tổng thống Iran đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của dư luận toàn cầu khi các căng thẳng giữa châu Âu và Iran gia tăng xung quanh chương trình hạt nhân của quốc gia này.

“Khi chính quyền này [Iran] cảm thấy sức ép ngày càng tăng, họ sẽ liều lĩnh để có thêm bạn và vung vẩy khắp nơi tại những nơi họ quan tâm để tìm kiếm thêm bạn bè” – người phát ngôn Victoria Nuland của Bộ Ngoại giao Mỹ bình luận.

Nhưng các nhà phân tích cho rằng chuyến công du của ông Ahmadinejad là biện pháp mới nhất trong một nỗ lực bền bỉ và có tính toán để duy trì sự hỗ trợ trong khu vực này.

Khi Iran cố gắng cải thiện hình ảnh của mình, xoay xở với các lệnh trừng phạt ngày một nặng nề, làm nguôi ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ và củng cố vị thế vững chắc hơn tại sân sau của Mỹ, các mối quan hệ với các quốc gia Mỹ Latinh càng trở nên quan trọng hơn.

Đài truyền hình của Iran đã mô tả sự hợp tác với các quốc gia Mỹ Latinh là một trong “các ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Cộng hòa Hồi giáo Iran”.

Với chuyến công du này, ông Larry Birns – giám đốc của Hội đồng Quan hệ Bán cầu tại Washington – cho rằng “Iran có một động thái ngoại giao vô cùng năng động”.

Vai trò của Ahmadinejad

Các chuyên gia nhận định Iran đã xây dựng các mối quan hệ với các quốc gia Mỹ Latinh trong nhiều thập kỷ.

Cuba là một trong số các quốc gia đầu tiên công nhận chính quyền Iran sau cách mạng năm 1979. Chủ tịch Fidel Castro đã có chuyến thăm chính thức tới Iran vào năm 2001.

Nhưng các nỗ lực để thiết lập các thỏa thuận kinh doanh mới và củng cố các nỗ lực ngoại giao đã được tăng cường kể từ khi ông Ahmadinejad đắc cử Tổng thống vào năm 2005.

“Ông ấy [Ahmadinejad] làm chủ các mối quan hệ quan trọng của Iran trên khắp đất Mỹ Latinh… Bản thân ông Ahmadinejad đóng một vai trò rất quan trọng, trực tiếp trong quá trình đó” – Steven Heydemann, cố vấn cấp cao về các sáng kiến Trung Đông của Viện Hòa bình của Hoa Kỳ, người chuyên nghiên cứu về các đồng minh của Iran – nhận định.

Và dĩ nhiên không phải tự nhiên mà Venezuela lại là điểm dừng chân đầu tiên của ông Ahmadinejad trong chuyến thăm tới Mỹ Latinh.

Bên cạnh hàng loạt thỏa thuận với chính phủ Venezuela, Tổng thống Hugo Chavez còn giúp Iran thiết lập quan hệ với các thành viên trong liên minh Bolivarian ở châu Mỹ - một khối các quốc gia trong khu vực do ông Chavez sáng lập.

“Các quốc gia Mỹ Latinh đang nói với thế giới rằng họ có chủ quyền và độc lập. Họ không lệ thuộc vào các sai khiến trong chính sách quốc tế của Hoa Kỳ” – Nicmer Evans, một giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Trung ương Venezuela tại Caracas, bình luận.

Ông Evans cũng nói thêm, trong bối cảnh Mỹ và châu Âu muốn áp đặt lệnh trừng phạt nặng nề hơn, Iran sẽ cần phải tiếp cận bên ngoài nhiều hơn.

“Chuyến thăm của ông Ahmadinejad tới Venezuela và các quốc gia khác nhằm củng cố về phần Iran rằng họ không bị cô lập” – Evans nói.

Ở một cấp độ thực tế hơn, các nhà phân tích lại cho rằng dường như Iran đang tìm kiếm các phương án cho vấn đề tài chính.

“Rõ ràng là các lệnh trừng phạt đang tác động tới Iran, và tôi cho rằng những gì mà họ thực sự tìm kiếm ở Mỹ Latinh đó là đưa ra các hướng để giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt, đặc biệt là với việc thiết lập các thể chế tài chính cho phép họ lưu thông tiền tệ” – Doug Farah, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế, phân tích.

Mỹ lo ngại?

Còn với Iran, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra câu trả lời là “không”.

“Chúng tôi hoàn toàn muốn các quốc gia trên thế giới hiểu rằng giờ không phải là lúc để củng cố các mối quan hệ với Iran, kể cả là quan hệ kinh tế hay an ninh” – Nuland, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói.

Mỹ và các quốc gia châu Á đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran. Tháng trước, Tổng thống Barack Obama đã “nặng tay” hơn khi ký vào luật trừng phạt nhằm vào ngân hàng trung ương của Iran.

“Iran và các đồng minh Bolivarian (gồm Venezuela, Bolivia, Nicaragua và Ecuador) tại Mỹ Latinh đang tham gia một cách có hệ thống vào một mô hình tài chính, tăng cường các hoạt động kinh doanh không đơn thuần chỉ về mặt kinh tế, và có thể được tận dụng cho việc vận chuyển hoặc sản xuất (vũ khí hủy diệt hàng loạt) và giúp vũ khí của Iran né tránh các lệnh trừng phạt quốc tế lên chương trình hạt nhân của họ” – Farah viết trong một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tháng 5/2011.

Các nhà phân tích cho biết: thực tế quan hệ giữa Iran và các đồng minh Mỹ Latinh rất khó đoán, bởi vì dù cho con số dự án được nêu ra rất nhiều, nhưng thông tin cụ thể lại không được công bố.

“Phân nửa số dự án này tiêu tan. Đơn giản là chúng bị lãng quên. Các dự án này không được thực thi” – Larry Birns nói.

Heydemann cho rằng một số thỏa thuận này chỉ là để “qua mắt” người khác.

“Thường thì có nhiều thứ không tiến hành với quy mô của hoạt động như bạn vẫn biết. Nhưng đó là trường hợp mà chúng ta thường thấy khi quan hệ thương mại tăng trưởng thực chất… Đó không phải là trò lừa gạt” – ông nói.

Với rất nhiều câu hỏi không có câu trả lời, các quan chức Mỹ sẽ đành mắt nhắm mắt mở trong chuyến công du này của ông Ahmadinejad – Johnson thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định.

“Đây không phải là một mối đe dọa hiện hữu đối với Hoa Kỳ” – Johnson nói về chuyến công du này. “Nhưng họ (Mỹ) lại đang quan sát các hoạt động của Iran (tại Mỹ Latinh) để biết xem họ có thể phát triển thành cái gì, chứ không nhất thiết vì bây giờ họ là ai. Còn có rất nhiều điều mà chúng tôi không biết về họ”.

  • Lê Thu (theo CNN)
Anh điều tàu chiến tới Trung Đông "đe" Iran?
Động thái này của Anh diễn ra sau khi các chỉ trích nhằm vào lời đe dọa của Iran đóng cửa Eo biển Hormuz.
 
Iran liên tiếp tập trận
Iran vừa khởi động một cuộc diễn tập quân sự gần biên giới với Afghanistan, vài ngày sau cuộc tập trận trên biển ở Vùng Vịnh vốn làm căng thẳng với phương Tây gia tăng và đẩy giá dầu lên cao
 
Iran đe dọa Mỹ
Iran hôm 3/1 đe dọa sẽ hành động nếu hải quân Mỹ đưa tàu khu trục trở lại Vịnh Ba tư. Đây là tuyên bố cứng rắn nhất của Tehran trong vài tuần qua
 
Clip Iran phóng tên lửa đất đối hạm
Hôm 2/1, Iran cho biết, đã bắn thử thành công một tên lửa hành trình đất đối hạm Ghader do chính nước này chế tạo, trong ngày cuối của cuộc tập trận hải quân gần eo biển Hormuz.