Một nhà động vật học Australia là Darrell  Kemp, qua nghiên cứu đã khẳng định rằng làm “chuyện ấy” công khai có thể nguy hiểm cho cuộc sống của cả hai kẻ đang yêu.
Những con châu chấu thường bị tấn công vào lúc đang say sưa ân ái. Ảnh: Getty Images.

Theo Pravda, Darrell  Kemp đã theo dõi quá trình loài ong vàng đi săn những con châu chấu Úc và nhận thấy những con bọ bọ ăn thịt luôn luôn tìm cách tấn công những "cặp đôi đang yêu” và trong cuộc can thiệp thô bạo ấy, con cái thường bị nguy hiểm hơn con đực.

Ai chẳng nghĩ, làm “chuyện ấy” là điều thú vị, dù đối với loài vật. Ở đa số các sinh vật, nếu chẳng có hoạt động này thì cũng không có thế hệ tương lai. Nhưng ít người nghĩ răng sex đối với chúng nhiều khi là chuyện nguy hiểm. Không phải vì chuyện bệnh tật lan truyền khi quan hệ yêu đương mà vì các loài ăn thịt tận dụng thời điểm các cặp tinh nhân đang “ân ái” để săn mồi vì kinh nghiệm dạy cho chúng thời gian đó là thuận tiện nhất.

Chú ong vàng khôn ngoan

Nhiều nhà sinh học đồng ý với nhận xét này nhưng chưa ai thống kê bao nhiêu phần trăm những “cặp say tình” (sex-maniac) đã bị kẻ thù phát hiện và bị ăn thịt giữa lúc ái ân. Chỉ gần đây, nhà côn trùng học Darrell Kemp, thuộc Trường ĐH Macquarie, Australia đánh giá nguy cơ bị chết trong khi đang sex bằng con số cụ thể. Đối tượng nghiên cứu của ông là châu chấu Úc (tên khoa học là Chortoicetes terminifera) và kẻ săn mồi là loài ong vàng địa phương (tên khoa học là Sphex cognatu).

Thực ra, những con ong trưởng thành không ăn châu chấu, cào cào, dế mèn, bọ ngựa… mà chúng chỉ ăn mật hoa. Song chúng luôn luôn tấn công các côn trùng khác để làm thức ăn cho con cái của chúng. Ong thường tiêm nọc độc vào những côn trùng nói trên, làm con mồi bị tê liệt rồi tha vào tổ đã đẻ trứng sẵn và loại “thức ăn tươi đã tiêm thuốc bảo quản” này sẽ được dùng làm thực phẩm để nuôi các ấu trùng của chúng khi nở ra.

Loài ong vàng hoạt động mạnh vào đầu mùa hạ ở Úc (tức là vào tháng chạp), khi châu chấu bắt đầu tập hợp thành bầy và bước vào những cuộc truy hoan tập thể. Ông Kemp đã chọn đúng đối tượng nghiên cứu của mình.

Quan sát kỹ và tiến hành hàng loạt thí nghiệm, nhà sinh học đã nhận thấy chỉ có khoảng 3% số châu chấu trong quần thể “cặp đôi” với nhau ở các thời điểm nhưng chúng lại là đối tượng tấn công chủ yếu của kẻ săn mồi. Trong số này, khoảng 30% kẻ đang yêu trở thành vật hy sinh... vì tình. Những con châu chấu đơn lẻ rất ít khi bị ong coi là “con mồi” để tấn công, mà theo quan sát của nhà sinh học, nhiều lắm là 1 trong 200 trường hợp.

Ông Kemp cũng tìm hiểu trong một “cặp tình nhân” đang ân ái bị tấn công, thì ai là kẻ dễ gặp nguy hiểm hơn. Theo ông, 9 trong 10 trường hợp là châu chấu cái, chỉ 1 là châu chấu đực. Có 2 nguyên nhân, một là chính các chàng bị chết sau khi giao hoan vì sự phàm ăn và tàn bạo của các nàng và hai là, dù các chàng chưa bị người tình nhấm nháp, thì ong bao giờ  cũng  “thích’ các nàng hơn vì các nàng luôn luôn to con hơn, mỡ màng hơn và do vậy “đáng ăn thịt hơn”.

Từ côn trùng suy ra người

Trong phần kết luận, ông Kemp cho rằng hiện tượng bị tấn công khi đang làm “chuyện ấy” không chỉ xảy ra ở côn trùng mà có ở nhiều loài vật. Có thể thời xa xưa, hiện tượng này xảy ra cả với loài người. Chính vì thể loài người mới hình thành thói quen “giao ban” ở nơi kín đáo, được bảo vệ tốt.

Từ lâu người ta đã biết rằng tất cả các loài khỉ, kể cả họ hàng gần gũi nhất của loài người là khỉ gorila không hề “ngượng ngùng” khi làm chuyện “yêu đương” trước mặt đồng loại trong bầy đàn. Đối với chúng sex là việc công khai.

Chẳng những thế, khỉ cái còn quan sát xem khỉ đực nào giỏi giang trong chuyện ấy để xán đến ve vãn, chờ đến lượt mình khi con khỉ đực này vừa được “giải phóng”. Trong thế giới động vật duy chỉ có con người là việc “làm tình” luôn thực hiện ở nơi kín đáo, tại một địa điểm “chỉ có hai người” . Vì sao ở loài người lại xuất hiện tập tính này?

Một số nhà nhân chủng học cho rằng việc tìm kiếm một nơi kín đáo, an toàn để “yêu nhau” ở loài người thủa sơ khai xuất phát từ hiện tượng “sex có thể nguy hiểm đến tính mạng” giống như chuyện nhà sinh học Darrell Kemp vừa đề cập. Con người làm như vậy không phải để tránh sự chú ý của đồng loại mà của những loài thú ăn thịt lớn. Nếu như những con khỉ gorila (tinh tinh), sống trong rừng có thể ngừng một cuộc “giao ban” rất nhanh (ở chúng “chuyện ấy” nhiều khi kéo dài không đến 1 phút) để trèo ngay lên cây cao trốn tránh, thì sống trên mặt đất, đối với tổ tiên của chúng ta, điều này không đơn giản. Nếu làm “chuyện ấy” lâu, có thể thu hút sự chú ý của sư tử, linh cẩu, hổ răng kiếm hoặc các thú ăn thịt khác và như vậy, sẽ vô cùng nguy hiểm đến tính mạng.

Вằng kinh nghiệm thực tế, dần dần tổ tiên của chúng ta biết cách tìm những nơi kín đáo, những loài mãnh thú khó phát hiện để tiến hành việc “truyền giống”. Từ đó hình thành dẫn đến “phong tục” là: chẳng những không làm “chuyện ấy” một cách công khai, mà còn che giấu cả bộ phận sinh dục của mình, “thủ phạm” của sự kích thích để đi tới “chuyện ấy”. 

Các nhà nhân chủng học cho rằng, đó là lý do ra đời của quần áo, dù hình thức ban đầu chỉ là lá lẩu, dây nhợ, vỏ cây, sau mới là da thú. Cuối cùng, sex ở con người nguyên thủy Homo sapiens trở thành “chuyện riêng tư” luôn luôn chỉ tiến hành trong hang động để tránh các loài thú dữ.

Về vấn đề này, phát hiện của các nhà sinh học (khi chứng minh rằng sex là chuyện nguy hiểm đến tính mạng) phù hợp với cách giải thích của các nhà nhân chủng học về thói quen mặc quần áo và chỉ làm “chuyện ấy” ở nơi kín đáo (khác với loài vật tiến hành công khai trước mắt đồng loại) trong lịch sử phát triển của loài người.

Bảo Châu