Văn hóa truyền thống thể hiện nét đẹp tâm hồn của cả một dân tộc, bởi vậy, mọi sự sáng tạo đều phải bắt nguồn từ tình yêu, từ sự tri ân với lịch sử, với dân tộc, nếu không, sẽ chỉ biến mọi giá trị truyền thống trở thành... "thảm họa".

Mặc bikini quảng bá nghệ thuật truyền thống

Để quảng bá văn hóa truyền thống mà cụ thể là môn nghệ thuật kinh kịch, ban tổ chức Miss Bikini Quốc tế Trung Quốc đã yêu cầu các người đẹp mặc bikini biểu diễn kinh kịch. Phần lớn công chúng cho rằng việc làm này ảnh hưởng đến sự thiêng liêng của môn nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa Trung Quốc. Kinh kịch là một thể loại nghệ thuật truyền thống lâu đời, hình thành từ cách đây hàng trăm năm, đã được UNESCO xếp vào danh sách di sản văn hoá phi vật thể của thế giới. Trong khi đó, bikini thuộc văn hóa phương Tây. Làm thế nào để Đông Tây kết hợp một cách hài hòa là vấn đề đang gây nhức nhối đối với những nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật ở Trung Quốc.

Kimono cách tân trở thành thảm họa

Emiri Miyasaka, người đại diện cho Nhật Bản tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2009 ở Bahamas, đã khiến người dân Nhật nổi giận khi lựa chọn bộ trang phục kimono cách tân bằng da đen ngắn tới mức có thể nhìn thấy cả... quần hồng bên trong. Miyasaki xuất hiện lần đầu với bộ đồ gây tranh cãi này trên một sàn diễn thời trang ở Tokyo. Bộ trang phục bị đánh giá là thô thiển, thiếu đứng đắn và không xứng đáng cho hoa hậu nước Nhật mặc đi thi. Phần trên của bộ trang phục đúng là một chiếc kimono truyền thống với dải dây lưng obi truyền thống, nhưng phần dưới lại khiến người ta liên tưởng đến... diễn viên phim cấp 3. Ngoài ra, bộ kimono này được may bằng da đen, trái ngược với chất liệu truyền thống bằng vải của kimono.

Trang phục “yêu thiên nhiên”

Bộ trang phục với chủ đề... con cú mà người đẹp đại diện Fiji khoác lên mình trong cuộc thi Hoa hậu thế giới năm nay tổ chức ở Mongolia đã làm bùng lên một cuộc tranh cãi dữ dội ở Fiji, thậm chí nhiều người dân còn cảm thấy bị mất mặt vì hình tượng con cú không có một mối liên hệ sâu sắc nào với nền văn hóa của họ. Chính những nhà thiết kế thời trang trong nước cũng cảm thấy sốc vì bộ trang phục kỳ cục và buồn cười đó lại có thể được coi là trang phục truyền thống của dân tộc Fiji.

Trạng phục “truyền thống cứu hộ”

Đại diện của Úc đi thi Hoa hậu Hoàn vũ 2007, cô Kimberley Busteed đã có một bộ trang phục “dân tộc” khá bất ngờ với bộ đồ bơi liền thân, gần như bộ đồng phục của đội cứu hộ bờ biển Úc, người ta không nhận thấy nhiều tính “dân tộc”, “truyền thống” trong đó.

Truyền thống của dân tộc nào?

Đại diện Peru tham gia cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2009, cô Karen Schawarz tưởng như đã hoàn thành tròn trịa phần thi trang phục truyền thống của mình thì người dân ở đất nước láng giềng Bolivia bắt đầu “dậy sóng”. Chiếc mũ đội đầu của cô vốn được lấy cảm hứng từ nghi lễ tôn giáo “La Diablada” hay còn gọi là “điệu nhảy của quỷ”, ngay khi cô bước lên sân khấu với bộ trang phục truyền thống của Peru, Bộ trưởng Văn hóa của Bolivia khi đó đã lên tiếng về vấn đề này. Ông cho rằng điệu nhảy của quỷ vốn là một truyền thống tín ngưỡng của người Bolivia, không phải của người Peru và việc người đẹp Peru đội một chiếc mũ “đi mượn” của Bolivia quả là một sự sao chép văn hóa hơi quá đà. Ngay sau đó, để chứng tỏ nghi lễ này thuộc về nước mình, nhà lãnh đạo Peru đã cho đội văn nghệ biểu diễn điệu nhảy của quỷ ngay trước tòa nghị viện Peru.

Và người đẹp Việt với phong trào "cắt xẻ quá đà"

Sau khi công bố trang phục dân tộc mà người đẹp Hoàng My sẽ mặc đi thi Hoa hậu Hoàn vũ 2011, bộ trang phục đã bị đánh giá là quá tham chi tiết, trong khi đó, nhiều họa tiết lại không đồng bộ và một số đường cắt xẻ quá táo bạo, không đúng với cách ăn mặc kín đáo của phụ nữ Việt. Bộ trang phục này được cho là đẹp mắt, tôn dáng và vẻ nữ tính của người phụ nữ nhưng còn chưa thực sự ăn nhập với nét đẹp truyền thống Á Đông.



Bộ trang phục truyền thống mà người đẹp Lê Huỳnh Thúy Ngân mặc đi dự thi Nữ hoàng Du lịch Quốc tế 2011 với chủ đề Lửa thiêng cao nguyên cũng bị cho là không đậm chất truyền thống với đường cắt xẻ ở phần ngực áo mang phong cách phương Tây rõ nét. Ngoài ra, tổng thể trang phục bị đánh giá là quá nặng nề, cầu kỳ, phức tạp dẫn đến khó hiểu và nhiễu thông tin.

Bên cạnh đó, nhiều sao Việt đang biến áo dài thành... "thảm họa" thời trang, Mai Khôi là một ví dụ.



NTK Minh Hạnh từng nói với đại ý rằng, trang phục truyền thống ẩn chứa đằng sau nó là tinh hoa, là tâm hồn của cả một dân tộc, của cả lịch sử ngàn năm văn hiến, bởi vậy nếu có sáng tạo cũng phải sáng tạo từ cái tâm, từ tình yêu đích thực dành cho văn hóa, cho cội nguồn dân tộc. Nếu chỉ là một "cái tôi" bản ngã muốn "nổi loạn", xin đừng "nổi loạn" với trang phục truyền thống!

Theo Dân trí