– “Xe cũ quá, không ai thèm
đi, nên em mới gắn đèn cấp cứu, còi hụ… giả làm xe cứu thương vào bệnh viện kiếm
khách”, một tài xế xe cứu thương dỏm phân bua.
Theo điều tra của chúng tôi, có rất nhiều xe chở khách hết “đát” được tân trang
thành xe cứu thương, len lỏi vào các bệnh viện ở TP.HCM để kiếm khách. Có xe cũ
đến nỗi, khi thanh tra giao thông yêu cầu mở cốp sau, tài xế mới thú thật cốp xe
bị mục nát không... mở được, mỗi khi chở bệnh nhân thì phải luồn băng ca qua
cửa… hông.
Lên nhầm xe giả: kinh hoàng!
Chị Nguyễn Thanh Tâm (huyện Hóc Môn – TP.HCM), người nhà của bệnh nhân từng lên
nhầm của xe cứu thương dỏm kinh hãi nhớ lại: “Lúc mẹ tôi sắp mất, gia đình muốn
chuyển cụ về nhà để con cháu gặp mặt lần cuối. Trong lúc chưa biết về bằng cách
nào thì có một bác tài xưng là chạy xe cứu thương trong bệnh viện đến, vồn vã
hỏi thăm và nói sẽ giúp đưa bà cụ về nhà thật an toàn với giá phải chăng…”.
Thấy chị băn khoăn, tài xế liền trấn an: “Xe của
bệnh viện mua đời đầu, nhìn cũ thế chứ chạy an toàn lắm, chị cứ yên tâm”.
“Ban đầu xe chạy từ từ, ra khỏi khu vực nội thành, tài xế phóng ào ào, thậm chí
vượt đèn đỏ khiến chúng tôi toát mồ hôi. Tôi lên tiếng nhắc nhở, tài xế nổi cáu:
“muốn bà cụ chết trên xe hay sao mà nói hoài”, chị Tâm kể.
Về tới nhà, chưa kịp hoàn hồn vì chuyến xe bão táp, chị Tâm lại tá hoá khi tài
xế “hét” giá 1 triệu đồng. “Lúc nhập viện, thuê xe chỉ mất 500.000 đồng, vòng về
đi nhầm xe dỏm sợ chết khiếp lại bị lấy tiền gấp đôi”, chị Tâm bức xúc.
Theo tìm hiểu của VietNamNet, xe cứu thương dỏm thường chọn các bệnh viện
lớn như Chợ Rẫy, 115, Chấn thương Chỉnh hình… để hoạt động. Nhìn bề ngoài rất
khó phân biệt đâu là xe dỏm, đâu là xe thật, bởi họ cũng gắn lô gô, đề can, dấu
thập đỏ, còi hụ…
Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ cũng dễ nhận ra, xe
dỏm biển số trắng, nhưng khung được sơn màu xanh, còi hù, dấu thập được dán
không cố định.
Toàn xe hết “đát”
Từ cuối năm 2009 đến nay, lực lượng Thanh tra gia thông (TTGT) thuộc Sở GTVT
TP.HCM liên tục có nhiều đợt ra quân chấn chỉnh tình hình này. Theo đơn vị này,
hầu hết các xe bị lập biên bản đều hết niên hạn sử dụng, xe cũ kỹ, nhìn bề ngoài
có thể thấy rõ.
Nhiều xe bên trong được trang bị bình ô xy, băng
ca… nhưng không đúng quy cách và thiếu an toàn cho bệnh nhân. Do đó, những xe
cứu thương dỏm này tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông rất cao.
Một lần đến khu vực cổng sau Bệnh viện Chợ Rẫy, phát hiện xe cứu thương mang
biển số 53L-82.. có nhiều dấu hiệu khả nghi, lực lượng thanh tra liền áp sát
kiểm tra. Lập tức, tài xế tháo đề can, dấu thập đỏ, đèn cấp cứu, còi hụ, thay
băng ca thành băng ghế và trưng bảng “xe hợp đồng” lên kính.
Hóa ra, đây là xe do một công ty tư nhân quản lý, chuyên chở khách theo hợp đồng
nhưng lại lén vào bệnh viện chở bệnh nhân. Tài xế H.V.T phân bua: “Xe cũ quá,
không ai thèm đi, người ta chỉ cách vô đây chở bệnh nhân, gắn đèn cấp cứu, còi
hụ, dán đề can là xong”.
Xe cũ đến nỗi, khi thanh tra yêu cầu mở cốp nhưng
do cốp sau bị mục nên không mở ra được. Tài xế T. giải thích, mỗi khi chở bệnh
nhân, băng ca được luồn qua... cửa hông!
Ngoài việc lợi dụng quyền ưu tiên để chạy nhanh, vượt đèn đỏ, nhiều xe dỏm còn
làm giả cả giấy điều xe của bệnh viện để qua mặt cơ quan chức năng.
Còn nhớ, năm 2008, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận được một công văn của Công an tỉnh Đắk Lắk đề nghị nhắc nhở tài xế X. lái xe cấp cứu của bệnh viện đã vi phạm luật giao thông. Công văn nói rõ do xe đang chở người cấp cứu nên cảnh sát giao thông chỉ giữ lệnh điều xe và cho xe đi tiếp.
Kiểm tra lại sự việc, tổ công xa bệnh viện tá hỏa
vì xe cấp cứu trên không phải của bệnh viện và lệnh điều xe là giả mạo, dấu đóng
trên giấy là dấu giả.
Theo Thông tư liên tịch số 02 của liên Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Y tế, Giao
thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ, quy định: Tín hiệu còi, đèn của xe ưu tiên
chỉ được sử dụng khi đi làm nhiệm vụ theo quy định (cứu thương, cứu hỏa, cứu
hộ...).
Các bộ nêu trên có trách nhiệm quản lý, kiểm tra, rà soát xử lý các vi phạm về
lắp đặt, sử dụng tín hiệu còi, đèn nếu phát hiện vi phạm (tháo gỡ thu hồi và xử
lý nghiêm khắc cá nhân, đơn vị vi phạm).
Các trường hợp vi phạm về lắp đặt, sử dụng tín hiệu còi, đèn, cờ của xe ưu tiên,
ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật, các cơ quan có thẩm quyền phải
có văn bản thông báo đến các bộ, ngành, đơn vị có xe vi phạm biết để quản lý, xử
lý.
Tuy nhiên, hiện nay, do việc quản lý, xử lý chưa quyết liệt nên xe cứu thương
dỏm vẫn lén lút hoạt động.
Nguyên Trang