Đây cũng là những mục tiêu đã và đang được KBNN Phú Lương nỗ lực thực hiện trong thời gian qua.
Công chức Kho bạc Nhà nước Phú Lương ứng dụng công nghệ thông tin xử lý nghiệp vụ. |
Đến trụ sở KBNN Phú Lương trong giờ hành chính một ngày giữa tuần, chúng tôi thấy khu vực giao dịch hầu như không có khách hàng. Trong không gian khá yên tĩnh, các giao dịch viên chăm chú thao tác trên máy tính và thỉnh thoảng tranh thủ trao đổi nghiệp vụ cùng nhau.
Thấy chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, Giám đốc KBNN Phú Lương Dương Thị Tuyết giải thích: Trước đây khi đến kho bạc, các chị sẽ thấy cảnh khách hàng ngồi chờ đến lượt giao dịch tại quầy, nhưng nay thì khác, chúng tôi đang đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt và không giao dịch trực tiếp.
Thanh toán không dùng tiền mặt và không giao dịch trực tiếp chính là bước đầu để hình thành kho bạc điện tử, hướng đến kho bạc số. Đây cũng chính là xu thế tất yếu của xã hội phát triển. Do đó, ngay từ những năm 2019-2020, KBNN Phú Lương đã tích cực tuyên truyền để các đơn vị giao dịch hiểu về những tiện ích của phương thức giao dịch không dùng tiền mặt.
Kết quả là năm 2019 thu trực tiếp tại KBNN chỉ còn 3,3%, chi trực tiếp còn 25,5%; năm 2020, thu trực tiếp còn 2,1%, chi trực tiếp còn 23,3%.
Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, hướng tới lợi ích cho người dân, khách hàng, từ năm 2021, KBNN Phú Lương đã dừng giao dịch tiền mặt của các tổ chức, cá nhân trực tiếp tại trụ sở KBNN.
Theo đó, các hoạt động thu ngân sách nhà nước, thu phạt vi phạm hành chính được thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, qua tài khoản của người nộp thuế nộp phạt tại các ngân hàng thương mại hoặc nộp tiền mặt trực tiếp tại điểm giao dịch của ngân hàng thương mại theo thỏa thuận phối hợp thu giữa cơ quan Thuế - KBNN và ngân hàng thương mại.
Tất cả các trường hợp rút tiền mặt hay có nhu cầu nộp tiền mặt vào tài khoản mở tại KBNN thì đến các điểm giao dịch của Agribabank Chi nhánh huyện Phú Lương (nơi KBNN mở tài khoản thanh toán) để thực hiện.
Ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh thu qua KBNN, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, từ năm 2023, KBNN huyện Phú Lương đã triển khai chương trình ứng dụng thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, dịch vụ viễn thông cho các đơn vị sử dụng ngân sách, góp phần giảm thời gian và chi phí liên quan đến hoạt động giao dịch thanh toán của các đơn vị.
Đặc biệt, để thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt và quyết định của UBND tỉnh về phương thức chi trả, mức chi phí chi trả chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh, đầu năm 2024, KBNN Phú Lương đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Lương triển khai thanh toán, chi trả chính sách trợ giúp xã hội qua tài khoản của đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn.
Để thực hiện công tác này, KBNN Phú Lương đã tích cực phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, UBND các xã, thị trấn; ngân hàng thương mại và các đơn vị liên quan hướng dẫn, động viên các đối tượng hưởng chính sách mở tài khoản và giao dịch không dùng tiền mặt.
Ngay từ tháng 1/2024 đã mở 3.631 tài khoản, tương ứng 3.631 đối tượng và thực hiện thanh toán, chi trả 100% chính sách trợ giúp xã hội qua tài khoản của đối tượng với số tiền là 2,2 tỷ đồng/tháng, lũy kế đến tháng 4-2024 là 8,8 tỷ đồng.
Để đạt được những kết quả bước đầu trong hiện thực hóa kho bạc số với mục tiêu “3 không” là cả một quá trình triển khai, thực hiện không hề đơn giản, dễ dàng đối với bất cứ một đơn vị kho bạc nào.
Đồng chí Giám đốc KBNN Phú Lương cho biết thêm: Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, song khi bắt tay vào thực hiện, chúng tôi đã khá lúng túng.
Tuy nhiên, với sự đồng thuận, quyết tâm cao của đội ngũ công chức, người lao động trong đơn vị, với phương châm khó ở đâu, gỡ ở đó; sự chỉ đạo của các cấp, ngành, đến nay, KBNN Phú Lương đã cơ bản thực hiện “3 không”.
Hiện, chỉ còn một số đơn vị quốc phòng và một số người dân chưa thanh toán không dùng tiền mặt. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục bám sát mục tiêu, nhiệm vụ được giao để tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và tiến độ.
Đặc biệt là tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ của công chức nhằm tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa KBNN, tiến tới kho bạc số trong tương lai gần.
Theo Xuân Anh (Báo Thái Nguyên)