- "Không thể nào quản lý trại giam lại đặt camera giám sát, hay bắt phạm nhân thực hiện các biện pháp dưới sự giám sát của quản lý trại giam".

Mới đây, Bộ Công an công bố dự thảo thông tư quy định về việc phạm nhân gặp thân nhân, trong đó có quy định phạm nhân nữ được gặp chồng tại phòng riêng và phải sử dụng biện pháp tránh thai và có giấy cam kết không mang thai để bảo đảm thời gian chấp hành án phạt tù. 

VietNamNet trao đổ với một số thẩm phán, luật sư.

Khó thực hiện

Thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó chánh tòa hình sự, TAND TP Hà Nội cho biết: Quan điểm chung của Đảng và Nhà nước là ngày càng hội nhập sâu với thế giới. Thời gian gần đây, Việt Nam đã tham gia Công ước về quyền con người. Một số đạo luật của Việt Nam được điều chỉnh để đảm bảo hơn nữa về quyền con người, điển hình là Bộ luật Tố tụng hình sự.

{keywords}

Thẩm phán Trương Việt Toàn (giữa)

Dự thảo mới của Bộ Công an có nêu: Đối với nữ phạm nhân được gặp chồng trong 24 tiếng cũng không nằm ngoài các quy định của luật pháp nhằm đảm bảo hơn các quyền khác của con người. Tuy nhiên, mỗi quy định đưa ra còn phải phù hợp với tình hình kinh tế xã hội và phải có lộ trình nhất định.

Đi kèm theo thông tư, phải đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhà tạm giam, tạm giữ.

Theo thẩm phán Trương Việt Toàn, dự thảo còn nêu quy định nữ phạm nhân được gặp chồng nhưng không được có thai. Điều này rất khó thực hiện, bởi khi vợ chồng được gặp nhau, việc quan hệ sẽ dễ dẫn đến khả năng có thai. Cho nên đã quy định không được có thai thì phải kèm theo các biện pháp y tế như uống thuốc tránh thai.

Nhưng trên thực tế, ngay cả khi đã uống thuốc tránh thai thì khả năng mang thai vẫn có thể xảy ra. Thế nên, trước khi đưa ra thông tư, cần đi sâu tìm hiểu các biện pháp cho phù hợp. Thông tư mang tính tiến bộ nhưng quá trình thực hiện cần có lộ trình để không vấp phải những khó khăn, bất cập. 

Luật sư Trần Đình Triển cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ dự thảo thông tư này.

Theo ông, đối với mỗi phạm nhân, sau khi bản án có hiệu lực, họ phải đi cải tạo và bị hạn chế quyền công dân, trong đó có hạn chế quyền sinh đẻ của phụ nữ nên dự thảo đưa ra việc cấm nữ phạm nhân có thai là không sai, không trái pháp luật. 

{keywords}

Luật sư Trần Đình Triển

Tuy nhiên, theo ông Triển, để áp dụng các biện pháp buộc nữ phạm nhân khi gặp chồng không được mang thai là không thể thực hiện được. 

Không thể nào quản lý trại giam lại đặt camera giám sát hay bắt phạm nhân thực hiện các biện pháp dưới sự giám sát của quản lý trại giam. Do đó, việc ngăn cấm không trái luật, nhưng để áp dụng được trên thực tế là khó khăn. 

Và trong trường hợp, nữ phạm nhân gặp chồng rồi mang thai thì lại liên quan đến quyền trẻ em. Khi nữ phạm nhân có thai, họ có quyền sinh con. Rồi khi ra đời, đứa bé được quyền hưởng đầy đủ quyền công dân.

Cần cân nhắc 

Luật sư Chu Thị Trang Vân, Đoàn luật sư Hà Nội băn khoăn: "Hiện nay xu hướng nữ phạm tội bị hình phạt tù có tăng lên nhiều hay không mà cơ quan quản lý đề xuất quy định này đối với phụ nữ?".

Theo bà, cơ quan soạn thảo cũng cần cân nhắc một số các vấn đề như: Hệ quả và cơ chế đối với việc nữ phạm nhân "cố ý" hoặc "vô ý" mang thai?; Điều kiện cơ sở vật chất khi các trại giam áp dụng hình thức này (nhất là về y tế); Có sự khảo sát hay nghiên cứu nào từ phía cơ quan soạn thảo xác định đây là hình thức khuyến khích cải tạo tốt của các phạm nhân nữ so với các hình thức khác?...

{keywords}

Luật sư Chu Thị Trang Vân

Từ phương diện lập pháp, một quy định mới điều chỉnh vấn đề có tính chất xã hội cần được đánh giá tác động xã hội nếu quy định đó được áp dụng trong cuộc sống. 

Hình phạt tù là hình phạt tước tự do có thời hạn hoặc không thời hạn đối với người phạm tội do họ đã thực hiện một tội phạm mà BLHS quy định, đó là hậu quả pháp lý bất lợi mà họ phải gánh chịu. Sự hạn chế một số quyền đối với phạm nhân chính là biểu hiện của những hậu quả pháp lý bất lợi đó. 

Tuy nhiên, giữa phạm nhân nữ và nam có những khác biệt nên việc hạn chế quyền có thể kéo theo những cơ hội "triệt tiêu" một số quyền như quyền làm mẹ của phụ nữ vì tuổi mang thai của phụ nữ có giới hạn.

T.Nhung