"Nếu không có biện pháp quản lý tốt, chúng ta sẽ đứng trước nguy cơ mất mát dần đi các di sản quý giá trong hệ sinh thái chúng ta đang sống", ông Nguyễn Viết Cách – Giám đốc Vườn quốc gia Xuân Thủy, đồng thời là Thư ký Khu DTSQ thế giới nói.

Sáng 14/7 tại Bảo tàng Dân tộc học đã diễn ra Hội nghị Tập huấn về ASEAN và UNESCO dưới sự chủ trì của Bộ Thông tin và Truyền thông. Hội nghị đã nêu ra nhiều vấn về việc bảo tồn các khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới tại Việt nam trong tương lai, trong đó có Khu DTSQ Sông Hồng.

Khu DTSQ sông Hồng có tổng diện tích là 137.261 ha được phân bố và trải dài trong 3 tỉnh: Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình. Nó có giá trị cao về bảo tồn đa dạng sinh học, cũng như góp phần mang lại cơ hội to lớn đối với việc phát triển kinh tế, VH - XH của nhiều địa phương. Do đó, để đáp ứng được nhu cầu quản lý Khu DTSQ liên tỉnh này, một Ban quản lý đã được thành lập gồm các lãnh đạo chú chốt của các địa phương nằm trong Khu DTSQ liên tỉnh này.

Tuy nhiên, việc cùng thống nhất đồng quản lý cũng có nghĩa là công tác quản lý phải tuân thủ thực hiện các thỏa thuận đã ký kết cũng như Công ước quốc tế mà chính phủ đăng ký tham gia. Do nắm giữ điều kiện tự nhiên và con người một cách riêng biệt nên việc quản lý các khu vực này cần có sự điều phối các hoạt động với sự tham gia của cả cán bộ và nhân dân các tỉnh một cách chặt chẽ.

{keywords}

Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng (Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình)

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Cách – Giám đốc Vườn quốc gia Xuân Thủy, đồng thời là Thư ký Khu DTSQ thế giới của Việt Nam cho biết: "Những khó khăn trong công tác bảo tồn và phát triển các khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam đều đang là những khó khăn chung của các cấp, các ngành. Trước tiên là về mặt quản lý, quản lý phải nỗ lực rất nhiều, phải tạo ra được tiếng nói chung trong lãnh đạo cũng như tổ chức thực hiện. Thêm nữa là áp lực của nhiều người dân đang sống dựa vào nguồn tài nguyên hiện nay, họ cũng luôn phải kiếm sống hàng ngày bằng các tài nguyên mà tự nhiên mang lại cho bao thế hệ qua. Nếu không có biện pháp quản lý tốt, chúng ta sẽ đứng trước nguy cơ mất mát dần đi các di sản quý giá trong hệ sinh thái chúng ta đang sống".

Cùng với các khó khăn trong công tác quản lý, các vấn đề về tự nhiên như: Môi trường, biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học … Khu DTSQ sông Hồng cũng đang liên tục gây ảnh hưởng cho hệ sinh thái cho khu vực này nhiều năm qua. Điều này cần đặt ra nhiều vấn đề cho các cấp lãnh đạo, cơ quan có thẩm quyền sẽ làm thế nào, để có thể vừa duy trì và bảo tồn được các Khu DTSQ thế giới ở Việt Nam, lại vừa đáp ứng được yêu cầu cũng như đảm bảo được những ký kết với quốc tế (UNESCO) đối với các Khu DTSQ thế giới tại Việt Nam.

"Ở Việt Nam phân chia thành rất nhiều cấp, ngành khác nhau… thậm chí còn được quy định bởi các văn bản pháp quy về trách nhiệm đối với các khu bảo tồn và duy trì các giá trị về di sản, nhân văn. Nhưng mỗi ngành mỗi cấp đều thực hiện theo định hướng riêng biệt của ngành mình nên việc phối hợp với nhau rất yếu. Khi thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, xây dựng các Khu DTSQ hay các danh hiệu quốc tế thì theo tôi, tất cả các bên liên quan cần ngồi lại với nhau để cùng đi đến thống nhất về hành động, cùng đưa ra chiến lược, đồng thời liên kết với nhau trong quá trình thực hiện để đi đến mục tiêu chung như đã cam kết với cộng đồng quốc tế để thực hiện việc đó.

Chúng ta đã ký cam kết với quốc tế thì việc đầu tiên chúng ta phải tìm mọi giải pháp để thực hiện tốt. Tuy nhiên, muốn làm được thì sẽ có rất nhiều việc phải làm. Từ việc ban hành các văn bản quản lý về mặt pháp luật, cho đến việc tổ chức thực hiện thực tiễn và đặc biệt là huy động tất cả nguồn lực cả về vật chất và nhân văn để đi đến mục tiêu rất cao cả và bền vững đó là sự hài hòa thống nhất giữa con người và thiên nhiên", ông Nguyễn Viết Cách nói.

Việc bảo vệ tài nguyên di sản không phải chỉ phục vụ cho lợi ích trước mắt của cộng đồng mà còn tạo điều kiện cho việc gìn giữ những di sản quý báu đó cho hậu thế có trách nhiệm hơn cho những thế hệ sau này, đó là những danh hiệu quốc tế đang khuyến khích và yêu cầu chúng ta phải thực hiện được. Với việc tiệp cận với khoa học quản lý hiện đại như hiện nay, nếu thực hiện được những điều đó Việt Nam sẽ đạt được rất nhiều mục tiêu lớn hơn nữa, không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ rừng, thu nguồn lợi từ thủy sản hay an ninh biên giới … mà còn có thể tạo nên sự phát triển bền vững của hệ sinh thái với sự tham gia của rất nhiều bên các bên có liên quan, để cùng hướng tới mục tiêu chung và cao cả của con người đó là: chân, thiện, mỹ.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới đất ngập nước liên tỉnh ven biển đồng bằng châu thổ sông Hồng (Gọi tắt là Khu DTSQ Sông Hồng) được UNESCO công nhận là khu DTSQ thế giới thứ 3 của Việt Nam, đồng thời cũng là Khu DTSQ đầu tiên của Việt Nam thực hiện cơ chế quản lý liên tỉnh gồm các vùng ngập nước ven biển gồm 3 tỉnh: Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình. Nhưng cho đến nay, công tác bảo tồn DTSQ tại khu vực ba tỉnh vẫn tồn tại nhiều khó khăn cần phải giải quyết.

Tình Lê