Chị Trần Kim H. (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đưa lên Facebook tình huống con gái ấm ức nói cha mẹ không công bằng, một người bạn vô khuyến cáo chị H. nên tìm nữ chuyên gia này học kỹ năng dạy con (kèm đường link video).
Chưa kịp đăng ký khóa học, chị H. đọc trên Facebook của một người bạn khác cảnh báo rằng cô này là tay ngang, mở khóa học giá trên trời, lừa khắp từ Bắc chí Nam.
Thả mồi miễn phí
Mùa dịch, các khóa học online về làm giàu, phát triển bản thân, nghệ thuật quyến rũ đàn ông, kỹ năng giáo dục con, dạy trẻ thành tài… nở rộ. Lướt trang chủ Facebook chỉ hai, ba bài viết của bạn bè tức thì chen ngang một bài của người lạ có ba chữ “được tài trợ”.
Với các khóa học dành cho cha mẹ, các đơn vị đào tạo dùng những từ ngữ hoa mỹ: cha mẹ thông thái, con trở thành thủ lĩnh, thiên tài, xuất chúng, có tất cả phẩm chất của một công dân toàn cầu…
Ảnh minh họa |
Khóa học được dẫn dắt bởi người truyền cảm hứng, sứ giả, chuyên gia hàng đầu, kỷ lục gia thế giới với sứ mệnh cao cả…
Quá tuyệt cả về chất lượng lẫn chuyên gia nhưng khóa học lại hoàn toàn miễn phí cho 50, 300… người đăng ký đầu tiên.
Chị Kim Diệu (Bình Dương) chia sẻ: “Mấy tháng nay, tôi làm việc tại nhà, có nhiều thời gian rảnh nên thường vào các lớp dạy con. Vì miễn phí, tôi không đòi hỏi cao, cứ nghe xuôi tai là thích.
Buổi học đầu miễn phí thật nhưng cuối buổi bao giờ “các thầy” cũng giới thiệu các lớp chuyên sâu với giá hàng triệu, vài chục triệu, có khi cả trăm triệu (tùy thời lượng). Tôi cảm nhận rằng họ đang dùng chiêu lùa đám đông vào miệng phễu, “thả con tép bắt con tôm hùm”.
Ai bị “gây tê” ở buổi đầu sẽ dễ bước tiếp vào các buổi sau với học phí cắt cổ. Chỉ cần lôi kéo 10% số học viên trong buổi Zoom đầu tiên (hàng trăm người), ban tổ chức cũng hốt bạc.
Chiêu bài “chốt sale”
Không phải ai cũng tỉnh táo để chỉ học miễn phí hoặc chọn khóa giá cả phù hợp như chị Kim Diệu. Có người phải vay mượn để đóng phí vì nôn nóng thay đổi vận mệnh, cải thiện tương tác vợ chồng, con cái.
Người bán khóa học thường áp dụng chiêu bài hối thúc “chốt sale”: nhanh tay đăng ký, để lại số điện thoại, đặt cọc ngay trong tối nay sẽ được giảm 50%…
Đồng thời thấy học viên đã ùn ùn đăng ký (lắm khi là do đội ngũ của công ty cài cắm sẵn, làm mồi nhử) gây lo sợ mình sắp mất vận may, người học vội vã chuyển khoản mà chưa kịp nhấp chuột để tìm hiểu, kiểm tra kỹ càng với tinh thần phản biện.
Một thủ thuật tinh vi là các “thầy” kích hoạt tham vọng nơi người học rằng đừng chần chừ, cứ đóng tiền, học xong sẽ được gia nhập hàng ngũ coach (huấn luyện) cùng thầy lan tỏa giá trị cho cộng đồng.
Hóa ra những lợi ích chỉ ở lời quảng cáo; những danh hiệu chói lóa chỉ là tự phong hay được tung hô bởi fan cứng.
Hoặc “thầy” có học vị thật nhưng ở chuyên ngành khác chứ không phải tâm lý, giáo dục, xã hội… để có thể dẫn dắt các khóa học này. Học phí đã đóng, phụ huynh tiến thoái lưỡng nan vì không thể lấy lại tiền mà học tiếp mất thời gian, chẳng bổ ích gì.
Từng có một tiến sĩ “bỏng ngô”, một kỷ lục gia với nghi án “xào nấu” tác phẩm từ một chuyên gia chân chính vẫn mạnh miệng rao giảng cho phụ huynh trong chuyên đề xử lý thế nào khi con… nói dối? Trên fanpage cứ ra rả những triết lý cao vời như “sông sâu thì tĩnh lặng, bông lúa chín thì cúi đầu”.
Không chỉ bịp bợm, giả trá, đánh bóng tên tuổi, các chuyên gia “đá lộn sân” còn thể hiện quá nhiều hạt sạn, làm nổi, nói bừa theo cảm nhận chủ quan vì không có chuyên môn: đồng tính là bởi dinh dưỡng thiếu cân bằng, uống trà sữa quá nhiều hoặc đẻ ra đứa con tự kỷ vì cha mẹ đã gieo những hạt giống không tốt; bế tắc là do ích kỷ, muốn không trầm cảm, ung thư thì cứ đi giúp người…
Lắm khi phải giơ tay đầu hàng với các “chuyên gia hàng đầu”. “Cứ đăng ký học, không bổ bề dọc cũng bổ bề ngang” - phụ huynh lên mạng tầm sư có đơn giản như câu nói của chị Kim Diệu không?
Tỉnh táo và đừng bỏ qua một cú nhấp chuột…
Hiện có “thầy/cô” đã hét giá một giờ coach lên đến 5 triệu đồng, toàn bộ liệu trình “chữa lành” ngót trăm triệu vì theo cô cần đến 20 giờ coach để “phát triển bản thân”, một khóa dạy con “bảo hành trọn đời” “thầy” hét giá cũng cả trăm triệu.
Trực tiếp chứng kiến mà tôi không tin được vào mắt, vào tai mình. Những người tổn thương tâm lý, rắc rối trong mối quan hệ vốn đã bế tắc lắm rồi. Dịch bệnh khiến hầu hết các gia đình càng thêm khó khăn. Và nguy hiểm nhất không phải chỉ là người học mất tiền mà là mất niềm tin ở họ và ở mọi người với lĩnh vực “tâm lý, giáo dục” kiểu này.
Người chân chính, đạo đức không bao giờ vượt qua lĩnh vực chuyên môn của mình, tôn trọng đạo đức nghề nghiệp, luôn lấy phí đúng công sức, giá trị bản thân tạo ra và phù hợp với điều kiện của người học.
Tôi nhận thấy các “chuyên gia” bán khóa học online giá trên trời trong lĩnh vực giáo dục, tâm lý là dân kinh tế, có theo một vài khóa ngắn hạn với các “chuyên gia” nước ngoài hoặc “hớt váng”, lụm lặt mỗi nơi một ít.
Có trường hợp vợ đi học các khóa “chữa lành” về cho rằng chồng u mê, mình mới là người được khai sáng, không thống nhất cách dạy con, cách tổ chức cuộc sống, cộng với thiệt hại về tài chính quá nhiều mà không có sự thống nhất giữa vợ chồng, dễ tan vỡ gia đình.
Vì sao dân tay ngang lại “đắt hàng” hơn người có chuyên môn thực thụ? Bởi khi kinh doanh, họ giỏi về đội nhóm, có bộ máy marketing khổng lồ, quảng bá rầm rộ trên mạng. Có cả chiết khấu phần trăm cho học viên lôi kéo được người thân vào học.
Họ lợi dụng niềm tin và tâm lý người học ham được giàu có, ham dạy con dễ dàng, con ngoan ngoãn vâng lời và thành tài, xuất chúng hoặc vợ chồng sớm ổn, tránh bi kịch chồng/vợ ngoại tình, ly thân ly hôn… Người học đang quá lo sợ, quá mong cầu, đây là nguyên nhân của sự tồn tại các khóa học loại này.
Các “chuyên gia” đội lốt, chỉ gom vài ý cơ bản trong sách nhưng có cách nói khá hoạt ngôn, hấp dẫn, lên dây cót tinh thần cộng với tâm lý đám đông lôi kéo người học.
Người nghe sẽ bùi tai, dễ bị chiêu dụ, không còn tỉnh táo, thiếu cẩn trọng chọn lựa hoặc lỡ đặt cọc. Có thân chủ chia sẻ với tôi trong vô vọng: “Thôi thì xem như em đóng tiền ngu vậy”.
Thực ra các khóa ấy không hoàn toàn vô ích nhưng giá trị so với số tiền bỏ ra có đáng không? Nếu là nơi đào tạo tốt thì có chương trình bài bản, quy mô, đi từng bước để người nghe học - hiểu - hành thấm dần từng kiến thức cần thiết ứng dụng phù hợp vào cuộc sống của họ. Giáo dục không có chuyện “ăn xổi”.
Những cách trị cho con hết bướng, hết khóc… có thể chỉ là chiêu thức tạm thời mà thôi, không giải quyết được vấn đề vốn cần kiến thức chuyên sâu về tâm lý trẻ, có trường hợp cần trị liệu tâm lý chuyên sâu chứ không thể giải quyết bằng vài bí quyết, vài lời khuyên chung chung cho mọi cha mẹ.
Mỗi đứa trẻ có sự khác nhau về điều kiện hoàn cảnh gia đình, khác nhau về giai đoạn người mẹ mang thai, sinh nở, văn hóa gia đình, cách nuôi dạy… đôi khi người cần sửa, cần thay đổi là cha mẹ. Cần sửa phần gốc mà chúng ta bỏ đống tiền để mua phần ngọn có đáng không?
Phụ huynh hãy tìm hiểu kỹ, tránh bị dụ vào mê cung. Một vài cú nhấp chuột chúng ta cũng có thể biết “thầy/cô” “minh sư” đó thực chất là người như thế nào, có được đào tạo về chuyên môn họ đang giảng dạy, đã làm được những việc gì, bước vào lĩnh vực này bao lâu, có làm thường xuyên không, có ảnh hưởng gì đối với những người đã học…
Đừng chỉ tin vào bằng cấp họ quảng cáo, dù là bằng chính thống hay bằng theo kiểu tiến sĩ danh dự, kỷ lục gia nhiều khi cũng chỉ là cái áo khoác hào nhoáng.
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy/ Theo Phụ nữ TPHCM