Đây là dự kiến về cơ cấu tổ chức bộ máy Chính phủ khóa 13 được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày trước Quốc hội sáng nay (1/8). Theo đó, số lượng thành viên Chính phủ khóa mới gồm 27 thành viên: Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và 22 Thủ trưởng các bộ và cơ quan ngang bộ.
Các Phó Thủ tướng sẽ phụ trách 4 lĩnh vực: khối kinh tế tổng hợp và chính sách phát triển nông thôn; khối kinh tế ngành và phát triển sản xuất; khoa học - giáo dục và văn hóa - xã hội; khối nội chính kiêm phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng.
Trước mắt Thủ tướng sẽ phụ trách công tác ngoại giao.
|
Ảnh: Lê Anh Dũng |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Quốc hội phê chuẩn cơ cấu tổ chức gồm 18 Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Giao thông - Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Thông tin - Truyền thông, Lao động - Thương binh - Xã hội, Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Khoa học - Công nghệ, Giáo dục - Đào tạo, Y tế.
4 cơ quan ngang bộ gồm: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ.
Ngoài ra, còn có 8 cơ quan thuộc Chính phủ nhưng không làm chức năng quản lý nhà nước.
Chính phủ
khóa 11 (2002-2007) có 3 Phó thủ tướng, 26 bộ, 11 cơ quan thuộc
chính phủ. |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, sắp tới, Chính phủ sẽ khẩn trương điều chỉnh chức năng nhiệm vụ, cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ.
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH Phan Trung Lý khẳng định tán thành phương án cơ cấu Chính phủ mà Thủ tướng trình. Ngoài sự thay đổi về số Phó Thủ tướng, trước mắt cơ cấu tổ chức của các bộ vẫn giữ nguyên như hiện nay. Bởi sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét việc sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng như các luật tổ chức Chính phủ liên quan.
Mọi thay đổi sẽ được xem xét sau khi tổng kết đánh giá toàn diện hoạt động cũng như chờ sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 cuối khóa này.
Khắc phục chồng chéo
Đánh giá về hiệu quả hoạt động của bộ máy Chính phủ khóa 12, Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng, việc hình thành các cục, tổng cục đã tạo ra nhiều tầng nấc quản lý. Do vậy, hiệu lực quản lý của nhà nước vẫn chưa cao.
Trước mắt, khóa 13 vẫn giữ cơ cấu tổ chức như cũ, nhưng theo ông Phan Trung Lý, phải phân công chức năng, nhiệm vụ rõ ràng để tránh trùng lặp trong công việc giữa các thành viên Chính phủ, giữa các Phó Thủ tướng và các bộ trưởng.
Chính phủ khóa mới nên tiến hành rà soát hoạt động các cục, tổng cục để xem xét nếu cơ quan nào không đáp ứng được yêu cầu công việc thì sẽ phải tiến hành tổ chức, sắp xếp lại.
Về những hạn chế trong hoạt động của bộ máy nhiệm kỳ vừa qua, ngay trong tờ trình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thừa nhận, "đến nay giữa các bộ, ngành vẫn còn một số trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ. Do đó, quản lý hành chính chưa thực sự thông suốt từ trên xuống. Hoạt động của bộ máy so với yêu cầu, nhiệm vụ vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập".
Sự bất ổn thể hiện rõ nhất ở các lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản, năng lượng, môi trường.
Thủ tướng khẳng định, thời gian sắp tới, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước cũng như trách nhiệm giải trình của các cơ quan Chính phủ trước Quốc hội và nhân dân.
Theo người đứng đầu chính phủ, bộ máy Chính phủ khóa 13 sẽ phải tiếp tục đổi mới để quản lý thống nhất, thông suốt từ trên xuống. Đồng thời, "đề cao trách nhiệm tập thể Chính phủ và từng thành viên Chính phủ. Cụ thể hóa trách nhiệm từng thành viên, phân công công việc rõ ràng giữa các bộ, ngành để khắc phục sự chồng lấn trong công việc".
Lê Nhung