Ngày nay, App Store là một trong những “trung tâm thương mại” lớn nhất thế giới với 500 tỉ USD doanh thu chỉ tính riêng năm ngoái. Và Apple vẫn thu 30% doanh thu của rất nhiều ứng dụng.
Điều này đã để lại hậu quả rất lớn cho Apple. Khoản hoa hồng này đã trở thành động lực tăng trưởng chính trong vài năm gần đây cho tập đoàn vốn đã có 275 tỉ USD doanh thu thường niên. Kết quả của khoản thu này là một bài toán đau đầu cho Apple, bao gồm sự dò xét của các nhà chống độc quyền, sự giận giữ từ phía nhà phát triển ứng dụng và các đơn kiện từ phía người tiêu dùng cũng như đối tác.
Bài toán này đã trở nên hóc búa hơn rất nhiều khi tuần vừa rồi Epic Games, nhà sản xuất của Fortnite, kiện cả Apple và Google bởi các tập đoàn này đang vi phạm luật chống độc quyền khi yêu cầu các nhà sản xuất ứng dụng bỏ ra mức phí 30% lợi nhuận. Cả Apple và Google sau đó đã gỡ Fortnite khỏi của hàng của mình bởi phía Epic khuyến khích người dùng thanh toán trực tiếp từ trang của hãng nhằm tránh khoản phí trên.
“Tôi nghĩ chúng tôi đang nhận ra 30% là quá lớn,” cựu điều hành Apple App Store, Phillip Shoemaker cho biết, người đã rời Apple vào năm 2016. Các công ty thẻ tín dụng thường thu một khoản phí 3% cho mỗi giao dịch. “Khoản thu nên gần với con số này hơn,” ông nói.
Khoản phí bán hàng 30% trên App Store đang khiến Apple đau đầu |
Đây cũng là ý kiến đang trở nên phổ biến giữa cộng đồng phát triển ứng dụng, người tiêu dùng và các nhà làm luật. Apple và Google, với tổng giá trị hơn 3 nghìn tỉ USD, đang thống trị trên thị trường smartphone. Với việc trở thành phương tiện duy nhất để các nhà phát triển đưa sản phẩm của mình tới người tiêu dùng, các công ty đang tự hỏi: liệu hai “gã khổng lồ công nghệ” này có thật sự cần 1/3 lợi nhuận của họ?
“Có rất ít công ty có tới 30% tỷ suất lợi nhuận,” theo ông Andy Yen, Giám đốc điều hành dịch vụ email ProtonMail. “Cách duy nhất chúng tôi có thể hỗ trợ khoản phí này là chuyển số tiền đó sang người tiêu dùng.” ProtonMall thu ít hơn 30% cho khoản phí đăng kí trên website của mình, nhưng khi điều này được quảng cáo cho người dùng iPhone, Apple đã cấm ứng dụng này.
Tương tự như vậy, Spotify đã nâng số tiền đăng kí hàng tháng từ 10 lên 13 USD vào năm 2014 nhằm đáp ứng khoản phí của Apple. Sau đó 1 năm, Apple đã tung ra một dịch vụ nghe nhạc để cạnh tranh với phí đăng kí là 10 USD. Để duy trì được sự cạnh tranh, Spotify chọn ngừng sử dụng hệ thống thanh toán của Apple, thay vào đó sử dụng trực tiếp website của mình. Apple đã chặn thông tin thanh toán này của ứng dụng Spotify trên iPhone.
“Hoặc chúng tôi sẽ thua vì phải trả cho họ khoản phí 30% chỉ để hoạt động bình thường, đồng thời nâng giá với người tiêu dùng, hoặc chúng tôi thua vì sẽ tốn hơn rất nhiều tiền để nâng cấp người dùng từ miễn phí lên premium,” theo Giám đốc pháp lí của Spotify, ông Horacio Gutierrez nói vào tháng 6 sau khi các nhà làm luật châu Âu mở một cuộc điều tra chống độc quyền với Apple dựa trên phàn nàn từ phía Spotify.
Ngay cả người tiêu dùng cũng đã lên tiếng về vấn đề này. Một số lượng lớn các đơn kiện tố cáo Apple phá vỡ các quy tắc chống độc quyền nhằm duy trì số tiền hoa hồng của mình, từ đó tăng giá với người dùng iPhone. Tòa án tối cao vào năm ngoái đã tuyên bố các đơn kiện được thông qua.
Vào thứ Sáu, Facebook cũng chen vào khi phàn nàn về khoản phí 30% thu từ dịch vụ live-event mới của mình, nơi các chuyên gia có thể bán các buổi trò chuyện, dạy nấu ăn hay thể dục trên ứng dụng Facebook. Facebook nói muốn tự tiến hành thanh toán cho dịch vụ của mình, từ đó có thể chuyển toàn bộ lợi nhuận cho các bên kinh doanh nhỏ lẻ đang tham gia dịch vụ này, nhưng Apple từ chối.
Apple đã đưa ra luận điểm của riêng mình để phản biện. “Hơn một thập kỉ qua kể từ khi App Store ra mắt, chúng tôi chưa từng một lần nâng khoản phí hoa hồng hay thêm vào bất cứ khoản phụ phí nào khác,” ông Tim Cook, Giám đốc điều hành của Apple chia sẻ với các nhà làm luật. “App Store đã phát triển theo thời gian, và mỗi thay đổi đều nhằm đem đến dịch vụ tốt hơn cho khách hàng và cơ hội làm ăn cho các nhà phát triển ứng dụng.”
So với Apple, khoản phí Google đặt ra thấp hơn rất nhiều. Hệ điều hành Android cho phép người dùng tải về ứng dụng từ bên ngoài, giúp các nhà phát triển như Epic có nhiều cách khác để tiếp cận người tiêu dùng. Đồng thời, khoản lợi nhuận khổng lồ từ quảng cáo giúp số tiền thu về từ cửa hàng ứng dụng chỉ chiếm một phần nhỏ trên tổng doanh thu của hãng.
Trước buổi điều trần của giám đốc Apple với Quốc hội, Apple đã mở một nghiên cứu nhằm chứng minh khoản phí của mình hoàn toàn nằm trong ranh giới cùng với rất nhiều nền tảng tương tự khác, bao gồm cửa hàng ứng dụng của Google, Microsoft và Samsung, cùng với các cửa hàng game từ Nintendo, Playstation của Sony và Xbox của Microsoft.
Nền tảng stream Twitch của Amazon thu về 50% theo nghiên cứu của Apple. So sánh với đó là 6 đến 17% từ phía Amazon, Walmart và Ebay. Có một điều không được nhắc đến trong nghiên cứu: khoản cắt 30% của Apple.
Có một số phỏng đoán tại sao Apple chọn con số 30%. Trước đó Apple đã thu một khoản phí tương tự dựa trên doanh số âm nhạc trên phần mềm iTunes. Khi bắt đầu ban hành luật cho App Store, con số 30% trở thành một điều hiển nhiên. “Tất nhiên, đây sẽ là con số chúng tôi sẽ dùng, không một ai thắc mắc cả,” ông Shoemaker cho biết.
Với Apple, lợi nhuận vẫn luôn là vấn đề ưu tiên. Vào 2011, các nhà điều hành của Apple đã bàn bạc về khoản phí thu về từ các kênh giải trí như Hulu hay NBA trên nền tảng Apple TV của mình. Thông tin này dựa trên một email nội bộ được cung cấp trong quá trình các nhà làm luật điều tra Apple.
Jai Chulani, một nhà điều hành của Apple, nói trong một email với đồng nghiệp mối lo của mình bởi khoản phí 30% cho năm đầu đăng kí “chẳng khác nào đặt tiền lên bàn.”
Eddy Cue, một trong các nhà điều hành cấp cao của Apple, trả lời với một ý tưởng “tối ưu” hơn: “Với khoản phí định kì, chúng ta nên thu 40%.”
Tuấn Vũ (theo NYT)
Đại chiến Epic Games chống Apple, Google
Epic Games, công ty đứng sau tựa game Fortnite nổi tiếng, đã đâm đơn kiện hai ông lớn Apple và Google vì hành vi độc quyền trên chợ ứng dụng.