NSND Phùng Há sinh năm 1911, mất năm 2009, hưởng thọ 98 tuổi. Trong cuộc đời gần trăm năm, bà đã đi tiên phong, dành hơn 80 năm xây dựng nền nghệ thuật cải lương Việt Nam.

Ngoài công lớn mở đường cho bộ môn cải lương, Phùng Há còn cả đời làm từ thiện, đóng góp cho xã hội, truyền tinh thần nhân đạo đến nhiều thế hệ văn nghệ sĩ.

Người sống cho đời

Bà Thủy (tên thật Nguyễn Thị Bích Qua, sinh năm 1962) là cháu, gọi NSND Phùng Há là bà ngoại Bảy (bà ngoại bà là chị ruột Phùng Há - PV).

Chia sẻ với VietNamNet, bà Thủy sống với Phùng Há từ năm 5 tuổi đến khi NSND qua đời. Theo bà, khó thể kể hết những hoạt động từ thiện, vì cộng đồng của ngoại Bảy Phùng Há.

Hai công trình để đời của Phùng Há là Chùa Nghệ sĩ (quận Gò Vấp, TP.HCM) và Khu dưỡng lão nghệ sĩ (Quận 8, TP.HCM).

vip temp file image repair 1707840205033.jpg
NSND Phùng Há.

Năm 1957, bà dành nhiều ngày theo chủ Trường đua ngựa Phú Thọ xin 1 ngày doanh thu. Nhờ vậy, bà có số tiền vài trăm đồng, mua từ ông Trương Vĩnh Tống (con út của học giả Trương Vĩnh Ký) miếng đất rộng 6.080m2 thành lập nghĩa trang nghệ sĩ.

Rất nhiều nghệ sĩ, công nhân sân khấu chung tay với thợ khuân gạch, đẩy xe cát xây dựng nơi này. Phùng Há từng nói đi nói lại Chùa Nghệ sĩ là công sức của tất cả nghệ sĩ và công nhân sân khấu chứ không phải riêng cá nhân nào.

Sau năm 1975, Nhà nước thành lập Ban Ái hữu trực thuộc Hội Sân khấu TP.HCM, Phùng Há làm cố vấn. Với mong mỏi xây khu dưỡng lão dành cho những nghệ sĩ già yếu, bệnh tật và neo đơn, bà và các thành viên trong Ban viết đơn gửi UBND TP.HCM xin sử dụng miếng đất rộng 4.000m2 ở Quận 8.

Nhờ sự kiên trì không mệt mỏi của tập thể, ngày 7/3/1998, Khu dưỡng lão nghệ sĩ được khánh thành tại đường Âu Dương Lân (Quận 8, TP.HCM), đến nay còn nguyên ý nghĩa. Phùng Há và Ban Ái hữu lại vận động khắp nơi để hoàn thiện nội thất, ngoại cảnh cho nơi này.

Quãng thời gian hoạt động tại Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế, Phùng Há cùng các nghệ sĩ còn cùng nhau xây Nhà thờ Tổ sân khấu (số 133 Cô Bắc); xây dãy nhà trong hẻm đường Nguyễn Trãi cho nghệ sĩ, công nhân sân khấu khó khăn, đông con...

Sau khi hoàn thành khu dưỡng lão và nghĩa trang cho nghệ sĩ, Phùng Há từng ao ước xây một 'ký nhi viện' - nơi nhận nuôi dưỡng, giáo dục con em của nghệ sĩ nghèo hoặc mồ côi - nhưng rốt cuộc không thực hiện được.

Trong hoạt động vì cộng đồng, Phùng Há và ông bầu Xuân từng thành lập ban trợ giúp người nghèo, gặp khó khăn, các nạn nhân của thiên tai bão lụt.

Họ cùng các nghệ sĩ đi đến các vùng sâu vùng xa vừa gửi lương thực, thuốc men vừa biểu diễn văn nghệ động viên tinh thần người dân. Trong thời gian hoạt động, ban đã tổ chức khoảng 40 chuyến đi khắp đất nước. 

"Đời thường, bà ngoại Bảy đem phần lớn tài sản làm từ thiện. Bà vừa lĩnh lương liền đưa hết tôi mua cho cô này 10kg gạo, chú kia vài kg", bà Thủy kể.

Ngoài ra, Phùng Há nổi tiếng với lòng bác ái. Cả đời bà nuôi dạy rất nhiều đứa trẻ gồm con chung, con riêng, con nuôi đến 7 đứa cháu (trong đó có bà Thủy). Thậm chí, NSND còn nuôi con gái của chồng cũ - Bạch công tử Phước George và vợ sau là nghệ sĩ Ngọc Sương. 

W-tony9554-1.jpg
Mộ phần khang trang của NSND Phùng Há.

Khoản tiền 700 triệu trong ngân hàng hàng chục năm trời

Theo bà Thủy, vì sống cho đời mà Phùng Há tiếng tăm lẫy lừng lại không có nhiều tài sản, có những giai đoạn phải ở nhờ nhà người khác.

Sau năm 1975, Phùng Há vì cần tiền mà bán căn nhà kỷ niệm của con gái, ở nhờ nhà người bạn thân cùng xóm. Mấy năm sau, người bạn này xuất ngoại bán lại căn nhà cho bà. 

Mấy năm sau, vì áp lực kinh tế, nghệ sĩ tiếp tục bán căn nhà này, dọn vào Chùa Nghệ sĩ sống. Người quen nói bà nhiều bệnh tật không nên sống ở nơi không khí và nguồn nước độc hại, trong khi số tiền bán nhà đủ mua 1 căn nhà nhỏ. 

Dù vậy, Phùng Há quyết tâm dọn vào đây để sống cạnh các đồng nghiệp một thời. Từ căn phòng 4m2, bà xin ban quản trị chùa phá dỡ, bỏ ra 18 lượng vàng xây một căn nhà nhỏ. 

Bà Thủy chia sẻ, căn nhà này là tài sản duy nhất bà ngoại Bảy để lại cho mình và 2 con gái có nơi sinh sống đến nay.

Ngoài ra, sau khi trích một phần tiền bán căn nhà ở đường Trần Hưng Đạo xây nhà trong Chùa Nghệ sĩ, phần còn lại khoảng 700 triệu đồng được gửi ngân hàng hàng chục năm đến nay.

W-20240201-121157-1.jpg
Nhà tư liệu về cố NSND Phùng Há trong Chùa Nghệ sĩ.

Bà Thủy cười buồn, Hội đồng gia tộc ngày xưa có ông bầu Xuân, NSƯT Nam Hùng, đạo diễn Huỳnh Nga... nay chỉ còn mình và nghệ sĩ Tô Kim Hồng (vợ Nam Hùng - con nuôi Phùng Há).

Mỗi năm, hai người lĩnh tiền lãi lo hương khói, sửa sang mộ hoặc giữ gìn nhà tư liệu của Phùng Há. "Mục tiêu của chúng tôi là gìn giữ, không làm sứt mẻ đồng nào của bà ngoại Bảy", bà nói.

Dù vậy, Tô Kim Hồng và bà Thủy đều đã lớn tuổi, bệnh tật ít nhiều nên định mời thêm ông Giỏi - em ruột cố NSƯT Nam Hùng tham gia quản lý. Bà mong khi mất, các con sẽ thay mình coi sóc khoản tiền này của bà cố.

Bà Thủy nói chưa bao giờ ngại khi nhận là cháu NSND Phùng Há. Bà thấy 'vinh dự không kể hết khi là cháu của một nghệ sĩ lừng lẫy, bác ái'.

Có người nói 'bà ngoại xây chùa mà giờ cháu chỉ là người làm công quả', bà nghe chỉ cười, đáp: "Bà tôi dạy con hay cháu đều rất kỹ nên không đứa nào lớn lên sinh lòng tham hay đố kỵ ai. Ngoài ra, ngoại xây Chùa Nghệ sĩ bằng tiền xin từ thiện chứ có phải tiền của bà đâu. Bạn buồn rầu hay để ý cái không phải của mình là hết sức bậy bạ".