- “Bị cáo là công an nhân dân, trước tiên bị cáo phải là người chấp pháp, tuân theo pháp luật thì người dân mới noi theo. Bị cáo đã vi phạm luật giao thông còn tấn công CSGT đang làm nhiệm vụ, bị cáo có nghĩ đến hình ảnh của một công an nhân dân không?”..., câu hỏi của vị công tố làm nguyên trung úy Cảnh sát cơ động cúi gằm.
Phiên tòa xét xử cựu cảnh sát cơ động Trần Đại Phúc về tội “chống người thi hành công vụ” khép lại với bản án 7 tháng tù. Một cơn nóng giận thiếu kiềm chế phải trả giá bằng 7 tháng tù.
Với cựu CSCĐ Trần Đại Phúc, hình phạt không chỉ có thế mà là cả tương lai, sự nghiệp phía trước.
Phạm luật còn tấn công cảnh sát
Đoạn video clip quay cảnh một thanh niên mặc quần jean, áo thun xanh tấn công CSGT từng gây xôn xao trên khắp các diễn đàn, trang mạng internet hồi cuối tháng 7, đầu tháng 8/2011.
Phát hiện sự việc trên, cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, xác định rõ danh tính “hai nhân vật chính” trong đoạn clip trên.
Sự thật thật khó ngờ, CSGT đang làm nhiệm vụ được xác định là chiến sỹ Văn Thành Luân – thuộc Đội CSGT Hàng Xanh (CA TP.HCM), còn nam thanh niên ngang nhiên tấn công CSGT lại chính là một cảnh sát cơ động là trung úy Trần Đại Phúc.
Phiên tòa khép lại với bản
án 7 tháng tù cho cựu cảnh sát cơ động. Gương mặt buồn rầu tra tay vào còng số
8, bị cáo Trần Đại Phúc bước đi trước ánh mắt đau đớn của những người thân.
Vụ việc được xác định: trưa 28/7/2011, thực hiện phân công của Đội CSGT Hàng Xanh, thượng sỹ Văn Thành Luân cùng đồng đội tiến hành tuần tra kiểm soát, điều tiết giao thông.
Trong lúc đang đứng làm nhiệm vụ giữa lòng đường thì phát hiện Phúc điều khiển mô tô Suzuki Sport, không đội mũ bảo hiểm nên anh Luân từ phía sau bước đến, không thổi còi mà dùng gậy nhựa điều khiển giao thông gõ một cái vào vai trái của Phúc nhằm ra hiệu dừng xe kiểm tra.
“Sao mày đánh tao, mày biết luật không, sao mày không đứng trước xe tao?’’, CSCĐ Trần Đại Phúc quay lại hỏi đồng thời đá chống nghiêng dựng xe, bước xuống dùng tay đấm vào mặt CSGT.
Bị Phúc đánh, anh Luân dùng gậy giao thông đánh lại, Phúc bị rơi mắt kính, chạy qua xe nước sâm gần đó chụp lấy xô nước đánh Luân nhưng bị người bán nước sâm dằn lại, Phúc chạy đến trụ điện kế bên nhặt ở lề đường một thanh sắt đánh liên tiếp vào đầu, người của anh Luân. Anh Luân né tránh và có dùng gậy giao thông đánh trả 2 cái.
Khi bị dồn vào nhà dân, thấy sự việc căng thẳng, anh Luân kêu Phúc bình tĩnh, nói lời xin lỗi và không tiếp tục xử lý nữa, để cho Phúc đi, không báo công an địa phương. Nhận được tin báo từ quần chúng, cơ quan chức năng đã vào cuộc.
Những khoảng lặng
“Bị cáo thấy rằng bị cáo không đội nón bảo hiểm là có vi phạm luật giao thông không?” – “Có”. “Vậy khi vi phạm thì CSGT có quyền kiểm tra, xử lý không?” – “Có”. “Thế tại sao bị cáo lại tấn công CSGT khi họ đang làm nhiệm vụ?” – “Dạ bị cáo bị anh Luân dùng gậy giao thông đánh mạnh, chửi và thúc cùi trỏ vào mặt, bị cáo đã bỏ chạy còn bị anh Luân đuổi theo đánh nên bị cáo mới nhặt cây sắt để tự vệ chứ không tấn công ạ”.
Trước lời khai trên, chủ tọa phải mất khá nhiều thời gian để công bố lời khai của 6 nhân chứng chứng kiến vụ việc. Trong đó, 5/6 người khẳng định chính bị cáo Phúc đã nẹt pô, tấn công CSGT trước, chỉ có một nhân chứng khai theo hướng ngược lại có lợi cho bị cáo.
Tuy nhiên, lời khai đó lại có nhiều mâu thuẫn và đó là nhân chứng do gia đình bị cáo Phúc cung cấp nên có thể không đảm bảo tính khách quan, không có cơ sở chấp nhận.
Phiên tòa trở nên căng thẳng khi vị đại diện Viện kiểm sát chất vấn bị cáo: “Bị cáo là công an nhân dân, trước tiên bị cáo phải là người chấp pháp, tuân theo pháp luật thì người dân mới noi theo. Bị cáo đã vi phạm luật giao thông còn tấn công CSGT đang làm nhiệm vụ, bị cáo có nghĩ đến hình ảnh của một công an nhân dân không? Hôm nay, đứng trước tòa, bị cáo hãy thành khẩn, hãy trả lời đúng diễn biến sự việc, đúng với lương tâm bị cáo”...Câu nói của Viện kiểm sát làm Phúc cúi gằm im lặng.
Trước thái độ của bị cáo, vị Hội thẩm nhân dân “nhấn” thêm: “Bị cáo từng có 11 năm phục vụ trong ngành công an, là một trung đội trưởng, dưới bị cáo còn mấy chục con người, bị cáo phải làm gương để người khác noi theo, đằng này bị cáo đã vi phạm luật giao thông còn tấn công CSGT. Hành động của bị cáo thể hiện sự nghênh ngang, coi thường pháp luật hay bị cáo nghĩ rằng mình là CSCĐ nên bị cáo có quyền vi phạm, có quyền hành động thiếu chuẩn mực?”…những khoảng lặng trôi qua, không có câu trả lời.
“Qua sự việc này bị cáo có suy nghĩ gì không?” – “Bị cáo thấy hối tiếc về sự việc đã xảy ra”, cựu CSCĐ ấp úng. Không hối tiếc sao được khi chỉ vì phút thiếu kiềm chế, thái độ không đúng chuẩn mực mà bản thân mất đi cả tương lai, sự nghiệp. Sau vụ việc, Phúc đã bị tước quân tịch buộc ra khỏi ngành, khai trừ Đảng và giờ đây là đối diện một bản án tù.
Được nói lời nói sau cùng, Phúc trình bày hoàn cảnh khó khăn của gia đình khi con nhỏ mới lên hai, cha là một công an về hưu đã già, bản thân là lao động chính trong gia đình nên tha thiết xin tòa giảm nhẹ hình phạt.
Phiên tòa khép lại với bản án 7 tháng tù cho cựu cảnh sát cơ động. Gương mặt buồn rầu tra tay vào còng số 8, bị cáo Trần Đại Phúc bước đi trước ánh mắt đau đớn của những người thân.
M.Phượng