- 8 năm xảy ra vụ án, có gần 7 năm bị cáo Lê Bá Mai bị biệt giam, từng đối diện với 2 lần bị tuyên tử hình, 1 lần được tuyên không phạm tội, từng được trả tự do…Ngần ấy thời gian, với những “cung bậc” khác nhau trong quá trình tố tụng, có những khoảng lặng, những cảm xúc nhói lòng.

Hai gia đình một nỗi đau

Hơn một năm trước khi Lê Bá Mai được trả tự do, phiên tòa hôm ấy vỡ òa trong nước mắt. Hai đứa em gái của Mai chỉ biết ngồi tại chỗ mà khóc. Bà Lê Thị Khoa và ông Lê Bá Triệu (cha mẹ ruột của Mai) ôm chầm lấy con, khóc rưng rức, bởi khi ấy họ nghĩ gia tộc Lê Bá không phải rơi vào cảnh tuyệt tự và Lê Bá Mai đã thực sự trở về từ cõi chết. Nhưng hôm nay, những cảm xúc ấy bị chôn giấu chặt!


Cha mẹ của Lê Bá Mai vẫn không biết số phận đứa con trai duy nhất của họ sẽ đi về đâu.

Chiều 19/6, ông Triệu đứng tần ngần, như không tin vào tai mình khi vị chủ tọa tuyên hủy bản án sơ thẩm. Mai vẫn đứng giữa lằn ranh sống - chết, chưa biết số phận mình sẽ được định đoạt ra sao? Bà Khoa chạy theo níu con, bà sợ rằng khi cảnh sát áp giải đi rồi, bà sẽ mất Mai vĩnh viễn.

Ông Triệu buồn bã, than trời: “Ông trời sao nỡ đối xử với gia đình tôi như vậy?”. 

Bà Khoa chia sẻ, ngần ấy năm trời gia đình bà không có một giấc ngủ yên, chợp mắt lại sợ gặp ác mộng… Khoản nợ nần bao nhiêu năm ra Bắc, vào Nam thăm nom, lo vụ án con, khiến cả nhà điêu đứng.

Túng thiếu, vay mượn khắp nơi, nhưng ông bà không dám bán nhà trả nợ, vì vợ chồng bà vẫn hi vọng còn chỗ để Mai quay về, khi 2 ông bà qua đời có chỗ để Mai thờ cúng. Bây giờ tất cả là hi vọng? Bà như hết nước mắt để khóc rồi…

Nhìn vào gia cảnh Lê Bá Mai, nhiều người có sự cảm thông, chia sẻ… nhưng nhìn vào gia đình của bị hại (nạn nhân Thị Út) càng thấy nhói lòng hơn.


Gia đình ông Điểu Cẩn dáng vẽ lam lũ, khổ cực. Đã 8 năm mất con nhưng chưa hết bi kịch…

Những lần trước ông Điểu Cẩn (cha ruột của Thị Út - là người dân tộc S’Tiêng) ra tòa phải có một người phiên dịch, vì ông sống ở nơi heo hút, không rành tiếng Việt, chẳng am hiểu pháp luật, nhưng tại phiên tòa hôm nay ông đã cố gắng tự trả lời những câu hỏi của HĐXX. Nhìn vợ chồng ông quần áo úa màu, dép còn dính đất đỏ… đi dự tòa, khiến nhiều người cảm thấy xót thương.

Ông Cẩn tâm sự, chuẩn bị lần giỗ thứ 8 của con gái, nhưng từ đó đến nay gia đình ông vẫn chưa có nổi số tiền để làm mâm cơm cúng đàng hoàng cho con. Đến nay kẻ sát hại con gái ông vẫn còn là một dấu hỏi lớn?

Cái ngày Thị Út - con gái ông bị sát hại, là ngày Út cùng đứa cháu của Út (tức nhân chứng Thị Hằng) đi mót củ đậu để về bán, dành dùm tiền đi học. Mỗi lần nghe HĐXX nhắc lại các tình tiết dã man, vợ chồng ông cứ cúi gầm mặt. Khi được HĐXX hỏi ý kiến gia đình, ông đáp gọn lỏn “Pháp luật xử sao thì biết vậy”.

Qua bao phiên xử, hình ảnh quen thuộc là ông Điểu Cẩn rời tòa trước, vợ ông thất thể bước theo sau. Ánh mắt, gương mặt lam lũ, cơ cực và…buồn đến khó tả !

Bi kịch thân phận một con người

Cho đến nay việc Lê Bá Mai có phạm tội hiếp dâm - giết người hay không vẫn phải chờ sự phán quyết của các cơ quan tố tụng? Nhưng, những gì mà Mai phải gánh chịu trong suốt tám năm trời qua quả là một bi kịch cuộc đời.


Vòng lẩn quẩn của quy trình tố tụng đang đánh bạc với số phận của Lê Bá Mai

Ngày ấy 22 tuổi đời, Mai bị bắt giam và xác định chính là hung thủ đã hãm hiếp, sát hại dã man Thị Út. Nay Mai đã 30 tuổi. 8 năm trôi qua dài đẵng đẵng, nhưng lằn ranh giữa sự sống - cái chết vẫn treo lơ lửng trên đầu.

Lê Bá Mai từng tâm sự với người viết cách đây hơn một năm (tức thời điểm được trả tự do tháng 5/2011) rằng “Bị biệt giam, em bị bạn tù khuyên là nhận tội đại đi, chỉ ở vài năm là về nên em gật đầu nhận. Sau này mới biết nhận tội như thế sẽ bị tử hình, là phải chết.

Em muốn kêu oan nhưng vì ít học, quê mùa, không am hiểu pháp luật thì làm sao để cho người ta hiểu mình? Em như muốn điên lên….”. Còn bây giờ thì Mai đã hiểu về quy trình tố tụng, cứng cỏi hơn rất nhiều.

Cha Mai kể, ngày ấy ở quê nghèo đói dù không muốn xa con nhưng vợ chồng ông không thể cản được ý định của Mai vào miền Nam kiếm sống. Làm thuê bị người ta quịt công, Mai cũng chỉ biết im lặng, lang thang tìm việc mới, rồi cuối cùng tình cờ tìm được việc ở trang trại của ông Dương Bá Tuân; không bao lâu sau thì xảy ra bi kịch…


Có những lúc Lê Bá Mai nở nụ cười khó hiểu

Có lần Mai kể: “Bị biệt giam, mỗi buổi sáng em đều run sợ. Nghe tiếng động là em co ro người lại, sợ họ mang em đi bắn”.

Ông Tuân cho biết, kể từ sau khi được trả tự do, Mai có dấu hiệu mang nhiều bệnh trong cơ thể, gia đình đang cố gắng chữa trị nhưng nay lại bị tạm giam trở lại, không biết Mai sẽ ra sao?.

Ông Lê Bá Triệu tâm sự: ngày Mai được trả tự do, gia đình ông chưa hẳn vui mừng, dự tính kiếm mối chắp vá cho con kiếm tấm vợ, sinh con đẻ cái, vì ông vẫn còn sợ diễn biến xấu, khi thân phận pháp lý của Mai vẫn còn… treo và vì dòng tộc Lê Bá có mỗi mình Mai.

Trong một lần đến thăm em gái đang làm công nhân ở Bình Dương, Mai quen biết, có cảm tình với một nữ công nhân tại đây. Nhưng niềm vui mới được nhen nhóm chợt vụt tắt, bây giờ có cạy miệng, Mai cũng không nói nửa lời về mối quan hệ đó - theo ông Triệu nghĩ, có lẽ do Mai mặc cảm với thân phận của mình.

Nói về dự tính cuộc đời trong lần được trả tự do hơn một năm trước, Mai mở lòng: “Em sẽ tiếp tục ở lại trang trại của bác Tuân để làm việc cho bác ấy. Làm gì thì làm, có lẽ cuộc đời này em sẽ gắn bó bên bác Tuân, khổ bao nhiêu em cũng chịu vì bác ấy là ân nhân, như là người tái sinh ra em”.

Nay, việc tưởng chừng đơn giản nhưng với Lê Bá Mai giờ vẫn chỉ là…mơ ước.

Sau 8 năm, với những quy trình tố tụng lẩn quẩn, “kỳ án vườn mít” càng rối rắm và thân phận của bị cáo Lê Bá Mai vẫn còn là điều mà dư luận đang quan tâm.

Gửi đơn xin giám đốc thẩm vụ án

Sau phiên tòa chiều 19/6, luật sư Trịnh Thanh cho biết, sẽ nghiên cứu lại hồ sơ, sau đó gửi đơn xin giám đốc thẩm lại vụ án.

Theo ông Thanh, bản án phúc thẩm lần này chưa thật sự thuyết phục, không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án. Cụ thể là bản án không lý giải được vì sao nhân chứng Thị Hằng thay đổi lời khai lúc đầu: khai là một người thanh niên chưa xác định, sau đó chuyển sang khai đó là Lê Bá Mai. Ngoài ra những lời nhận tội của Lê Bá Mai đến nay vẫn không phù hợp với các nhân chứng, vật chứng có trong hồ sơ…

• Đàm Đệ