Trên sàn của một tòa nhà 6 tầng, các điệp vụ làm việc cho Đại tá Muammar Gaddafi ngồi trong một phòng mở, lần theo các email và tin nhắn nhờ sự giúp đỡ của công nghệ mà Libya mua từ phương Tây.

TIN BÀI LIÊN QUAN:


Một trong vô số các file từ trung tâm giám sát Internet của Libya. (Ảnh: WSJ)

 
Căn phòng này, mới đây bị bỏ lại, đầy những poster và sách hướng dẫn bằng tiếng Anh, có đóng dấu Amesys, một đơn vị thuộc tập đoàn công nghệ Pháp Bull SA, hãng đã lắp đặt trung tâm giám sát này. Một cảnh báo ở cửa mang logo Amesys. "Hãy giúp giữ kín chuyện làm ăn bí mật của chúng ta. Không bàn về thông tin mật bên ngoài trụ sở". 

Căn phòng, được phóng viên Tạp chí Phố Wall phát hiện hôm 29/8, cho thấy một bằng chứng mới rõ ràng về sự hợp tác của các công ty nước ngoài trong thời gian người Libya nằm dưới sự cầm quyền 42 năm của Gaddafi. Các hồ sơ giám sát ở đây bao gồm cả các email hồi tháng 3, sau khi phong trào nổi dậy ở Libya bắt đầu. 

Một hồ sơ, được ghi ngày 26/3, gồm một đoạn chat Yahoo giữa một nam giới và một phụ nữ trẻ. Anh này thỉnh thoảng tán tỉnh, nói rằng tâm hồn cô gái là dành cho anh ta, nhưng cũng bày tỏ lo ngại rằng sự phản đối của mình đối với Gaddafi đã biến anh ta thành một mục tiêu. 

"Anh đang bị truy nã", người đàn ông nói. "Lực lượng Gaddafi... đang liệt kê ra một loạt các tên".

Người này còn nói rằng anh sẽ đi trốn và sẽ gọi cho cô từ một số điện thoại mới - và yêu cầu cô giữ kín kế hoạch của mình. "Đừng quên em", người phụ nữ dặn dò.

Kiểu theo dõi này đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Libya khi các phong trào Mùa Xuân của người Ảrập nổ ra trong vài tháng qua. Hồi đầu năm nay, các quan chức Libya đã tổ chức hội đàm với Amesys và một số công ty khác, trong đó có Narus của Boeing Co., nhà sản xuất các sản phẩm giám sát lưu thông Internet công nghệ cao, khi họ muốn có thêm các khả năng sàng lọc Internet tinh vi cho chương trình giám sát hiện thời của Liya, theo các nguồn tin thạo vấn đề này.

Các công cụ tân tiến

Libya đã tìm kiếm những công cụ tân tiến để giám sát dịch vụ hội thoại qua Internet Skype, kiểm duyệt các video trên YouTube và ngăn không cho người dân giấu kín các hoạt động online của họ bằng cách sử dụng các máy chủ "proxy", theo các tài liệu mà Tạp chí Phố Wall xem được và những người thạo vấn đề này. Cuộc chiến Libya đã làm trì hoãn các cuộc hội đàm đó. 

"Narus không bình luận về các dự án kinh doanh tiềm ẩn của công ty", một phát ngôn viên của Narus khẳng định trong một thông báo. "Không có hợp đồng bán hay triển khai công nghệ nào của Narus ở Libya".

Một quan chức của Bull từ chối bình luận. 

Việc bán công nghệ dùng cho việc ngăn chặn các phương tiện liên lạc nhìn chung là có thể được phép theo luật, mặc dù các nhà sản xuất ở một số nước, trong đó có Mỹ, phải có được một sự chấp thuận đặc biệt mới có thể xuất khẩu các thiết bị ngăn chặn công nghệ cao. 

Libya là một trong vài nước ở Bắc Phi và Trung Đông sử dụng các công nghệ tinh vi mua từ nước ngoài để trấn áp những người bất đồng chính kiến. Các hãng công nghệ từ Mỹ, Canada, châu Âu, Trung Quốc và một số nơi khác, vì lợi nhuận, đã giúp các thể chế khóa website, ngăn chặn email và nghe lén các cuộc hội thoại. 

Trung tâm giám sát Internet ở Tripoli là một thành phần quan trọng trong bộ máy giám sát rộng lớn do đại tá Gaddafi dựng lên để theo dõi các kẻ thù của ông. Amesys năm 2009 đã trang bị cho trung tâm công nghệ "duyệt sâu gói tin", một trong những kỹ thuật xâm nhập hiệu quả nhất để theo dõi các hoạt động online của người dân, các nguồn tin thạo vấn đề cho hay. 
 
Công ty viễn thông Trung Quốc ZTE Corp. cũng cung cấp công nghệ cho chương trình giám sát của Libya, theo các nguồn thạo tin. Amesys và ZTE đã có các hợp đồng với nhiều chi nhánh khác nhau của cơ quan an ninh Libya. Phát ngôn viên của ZTE từ chối bình luận. 

VASTech SA Pty Ltd, một hãng nhỏ ở Nam Phi, cung cấp cho chế độ Gaddafi các công cụ để thâm nhập và ghi lại mọi cuộc gọi quốc tế vào và ra Libya, theo các email mà Tạp chí Phố Wall được chứng kiến và các nguồn thạo tin. VASTech từ chối thảo luận về hoạt động của công ty ở Libya do các thỏa thuận về bảo mật.


Một phòng thuộc trung tâm giám sát Internet của Libya. (Ảnh: WSJ)

 
Khách hàng đầy ham muốn

Libya tiếp tục cuộc mua sắm các thiết bị giám sát sau khi cộng đồng quốc tế dỡ bỏ các lệnh cấm vận về thương mại để đổi lấy việc đại tá Gaddafi giao nộp các nghi phạm vụ đánh bom chuyến bay Pan Am số hiệu 103 năm 1988 và ngừng chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đối với các nhà chế tạo mọi thứ trên toàn cầu, từ công nghệ theo dõi tới các máy bay chở khách và các thiết bị dầu lửa, thì việc chấm dứt lệnh cấm vận thương mại đã biến chính quyền của ông Gaddafi từ một nhà nước cùng khổ sang một khách hàng đầy ham muốn. 

Trung tâm do thám của Tripoli tiết lộ một số bí mật về cách thức chính quyền Gaddafi kiểm duyệt công chúng. Phòng theo dõi, mà những người thạo tình hình nói rằng được Amesys trang bị hệ thống Eagle vào cuối năm 2009, cho thấy cách thức chính quyền trở nên cẩn trọng hơn trước các mối nguy hiểm do sự tuyên truyền qua Internet gây ra, mặc dù nước này chỉ có khoảng 100.000 thuê bao Internet trong tổng dân số 6,6 triệu người. 

Hệ thống Eagle cho phép các điệp vụ quan sát sự lưu thông của mạng lưới và nhòm ngó các email của mọi người trong số nhiều thứ khác. Trong phòng, một poster bằng tiếng Anh ghi: "Trong khi nhiều hệ thống chặn Internet thực hiện công việc sàng lọc cơ bản trên các địa chỉ IP và chỉ trích rút được các liên lạc đó từ dòng chảy toàn cầu (chặn hợp pháp), hệ thống chặn Eagle phân tích và lưu trữ mọi sự liên lạc từ một đường được giám sát (Chặn quy mô lớn)".  

Trên trang web của mình, Amesys nói hệ thống "chặn chiến lược trên toàn quốc" của công ty này có thể phát hiện email từ Hotmail, Yahoo và Gmail, xem các hội thoại chat qua tin nhắn MSN và AIM. Công ty này cho hay, các nhà điều tra có thể "yêu cầu toàn bộ cơ sở dữ liệu" từ giao thông Internet bằng cách gõ từ khóa, địa chỉ email hoặc tên của các file đính kèm. 

Hiện chưa rõ có bao nhiêu người làm việc cho đơn vị giám sát này và nó đã hoạt động trong bao lâu. 

Trong phòng lưu trữ ở tầng hầm, các hồ sơ về hoạt động mạng của người Libya xếp thành chồng trên các kệ từ mặt đất lên tới trần nhà. Từ các kệ, Tạp chí phố Wall đã xem hàng chục file giám sát, trong đó có hồ sơ dành cho hai nhà hoạt động chống Gaddafi - một ở Libya và một ở Anh - nổi tiếng vì các trang web đối lập của họ. Các nhà hoạt động tình báo Libya giám sát các cuộc thảo luận email giữa hai người đàn ông liên quan tới những chủ đề mà họ dự định thảo luận trên website của mình. 

Trong một email, đề ngày 16/9/2010, hai người này tranh luận về việc có nên tin hay không vào các khả năng cải cách của con trai ông Gaddafi, Seif al-Islam, người vào thời điểm đó được cho là sẽ lên kế nhiệm cha mình. Một người cảnh báo người kia rằng Gaddafi con là sự bất an. "Tôi biết ông hy vọng Seif sẽ là một giải pháp tốt", người này viết. "Nhưng... anh ta không phải là một giải pháp thích hợp. Tôi cảnh báo ông như vậy". 

Các hoạt động giám sát máy vi tính chỉ chiếm tầng trệt của trung tâm tình báo. Nằm sâu trong thiết kế như mê cung là một trung tâm giam giữ không hề có cửa sổ, với các bức tường được lát đá granite xám xịt và mùi nấm mốc.  

Bị mắc trong cái bẫy web giám sát của Libya là nhà nghiên cứu Heba Morayef của Tổ chức Giám sát Nhân quyền. Các file giám sát ít nhất 2 nhà hoạt động đối lập ở Libya, trong đó có các email do bà viết, và các thông điệp của họ gửi cho bà. 

Trong một email đề ngày 12/8/2010, một nhà hoạt động Libya cầu khẩn Morayef giúp ông và các đồng nghiệp chống lại một vụ kiện tòa án chống lại họ. "Luật pháp bênh vực chúng tôi trong vụ này, nhưng chúng tôi rất sợ", ông viết. "Chúng tôi cần ai đó giúp đỡ". Email đi vào các chi tiết về nguyên đơn - một thành viên cấp cao trong nhóm chính trị bảo vệ chế độ Gaddafi. 

Bà Morayef, ở Cairo hôm 29/8, nói rằng bà liên lạc lần cuối với nhà hoạt động ở Benghazi ngày 16/2. Bà nói rằng bà tin ông đã đi trốn khi cuộc nội chiến nổ ra một tuần sau đó. 

Một file khác, đề ngày 6/1/2011, giám sát 2 người, một tên là Ramadan, khi họ cố chia sẻ một video chống Gaddafi và tải nó lên mạng. Một thông điệp viết: Dear Ramadan: Salam: đây là một sự thử nghiệm xem có thể gửi các video qua email được không. Nếu được thì cho biết anh nghĩ gì nhé". 

"Gieo rắc sợ hãi"

Ngang qua thành phố từ trung tâm giám sát Internet tại trạm chuyển mạch điện thoại quốc tế của Libya, nơi các cuộc gọi điện thoại ra và vào đất nước này, một nhóm riêng biệt các điệp vụ an ninh của đại tá Gaddafi được bố trí một phòng có các thiết bị VASTech, những người thạo tin cho hay. Ở đó, họ thu được khoảng 30-40 triệu phút các cuộc hội thoại bằng điện thoại di động và viễn thông mỗi tháng, lưu giữ chúng nhiều năm.

Andre Scholtz, giám đốc phụ trách bán hàng và tiếp thị của VASTech, từ chối bình luận về việc lắp đặt thiết bị ở Libya, viện dẫn các hợp đồng bảo mật. Hãng này chỉ bán "cho các chính phủ được Liên Hợp Quốc công nhận trên bình diện quốc tế và không chịu cấm vận quốc tế", ông Scholtz khẳng định trong một thông báo. "Các quy định có liên quan của Liên Hợp Quốc, Mỹ và EU đều được tuân thủ". 

Các chi tiết chính xác về sự lắp đặt của VASTech ở Libya là không rõ ràng. VASTech tuyên bố công nghệ chặn của họ được sử dụng để chống tội phạm như khủng bố và buôn lậu vũ khí. 

Một bản mô tả sản phẩm giám sát nhãn hiệu Zebra của công ty - được chuẩn bị cho một cuộc triển lãm thương mại - nói rằng sản phẩm "thu được và lưu trữ các khối lượng giao thông mạng rất lớn" và cung cấp các thiết bị lọc mà các điệp vụ có thể sử dụng để "tiếp cận mọi liên lạc cụ thể cần quan tâm từ hàng núi dữ liệu". Zebra cũng đề cao "sự phân tích nối kết", bản mô tả cho biết, một dụng cụ giúp các điệp viên xác định các mối quan hệ giữa các cá nhân dựa trên cơ sở phân tích các mẫu gọi của họ. 

Các khả năng như vậy giúp Libya gieo rắc sự sợ hãi khi nước này chứng kiến cuộc chiến dân sự nổ ra hồi đầu năm nay. Những người biểu tình phản đối Gaddafi trên dường phố bị theo dõi hoặc bị bắt bởi lực lượng an ninh vì có sự thừa nhận chung rằng chế độ này nghe lén điện thoại. Phần lớn làn sóng bất ổn giai đoạn dầu được tổ chức qua Skype, công cụ mà các nhà hoạt động cho là an toàn hơn chat Internet. Nhưng ngay cả như vậy thì họ vẫn rất sợ. 

"Chúng tôi có thể biến mất nếu không cẩn thận", một sinh viên 22 tuổi, người giúp tổ chức một số cuộc biểu tình lớn nhất gần Tripoli nói trong một cuộc trò chuyện qua Skype với một phóng viên nước ngoài trước khi chạy sang Ai Cập. Sau đó, vào ngày 1/3, hai trong số các bạn của anh bị bắt 4 giờ đồng hồ sau khi gọi cho một phóng viên nước ngoài từ điện thoại di động ở Tripoli. Hiện chưa rõ bộ phận an ninh nào bắt giữ họ hoặc liệu họ có phải ngồi tù hay không. 

Làn sóng nổi dậy càng khiến cho chính phủ tăng cường các nỗ lực đạt được công nghệ do thám hiệu quả hơn. Vào ngày 15/2 năm nay, khi các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra ở Benghazi, quan chức viễn thông Libya Bashir Ejlabu đã tổ chức một cuộc gặp ở Barcelona với các quan chức từ Narus, một công ty thuộc Boeing chuyên chế tạo các sản phẩm giám sát Internet, theo một người nắm rõ cuộc họp này. "Việc có một hệ thống toàn diện đi vào hoạt động là rất khẩn cấp", người này nói. 

Trong cuộc gặp, Eljabu nói với các quan chức Narus rằng ông sẽ làm nhanh visa để họ tới Libya vào ngày hôm sau, nguồn tin trên cho biết thêm. Phía Narus đã từ chối tới Tripoli, sợ ảnh hưởng tới uy tín của công ty.
 
Nhưng quá muộn cho chế độ Gaddafi. Một tuần sau đó, quân nổi dậy Libya đã chiếm được Benghazi, thành phố lớn thứ 2 ở nước này, và thủ đô Tripoli rúng động trước các cuộc biểu tình phản đối chính phủ. Hồi đầu tháng 3, đại tá Gaddafi chặn toàn bộ Internet của Libya. Nước này tiếp tục ngoại tuyến cho đến tận tuần trước, khi quân nổi dậy giành quyền kiểm soát Tripoli. 

Thanh Hảo (Theo WSJ)