Không cần cửa hàng, không cần thuê nhân viên, có thể làm tranh thủ trong giờ làm chính, đây là những lý do hấp dẫn khiến ngày càng nhiều chị em công sở "xắn tay" vào công cuộc bán hàng online để "tăng gia sản xuất"


Nhập cuộc kinh doanh trong khi vẫn là "gái cơ quan"

Thanh Thúy (25 tuổi - Cầu Giấy) vốn là nhân viên lễ tân của một công ty may mặc lớn. Công việc của cô khá đơn giản chỉ là trả lời điện thoại, tiếp đón khách đến công ty nên khá nhàn nhã và thừa nhiều thời gian. Thời gian rảnh lướt nét, thấy các gian hàng online ngày càng nhiều, người bán kẻ mua tấp nập. Vốn là người sắc sảo, cô cũng nghĩ ngay đến nghề tay trái để tăng thêm thu nhập.

Nhận thấy chị em tuy tiếc tiền mua quần áo cho bản thân nhưng lại hiếm khi suy nghĩ, cò kè khi mua quần áo cho con, Thúy quyết định đầu tư vào quần áo trẻ em. Vốn có kinh nghiệm sử dụng internet và tham gia diễn đàn, Thúy bắt đầu lập hàng loạt các topic bán hàng trên các diễn đàn cho trẻ em và facebook. Tính tình xởi lởi, lại cho đổi hàng sau khi mua 24 giờ nên chỉ một thời gian ngắn sau, Thúy đã có nhiều khách quen, gian hàng nhỏ của cô ngày một phát đạt.

Hàng bán càng chạy, Thúy ngày càng bị cuốn vào công việc hấp dẫn này. Vốn mắc kẹt 8 tiếng ở văn phòng, cô nhanh trí thuê ngay một chú xe ôm gần nhà chỉ chuyên đi ship hàng. Tuy nhiên, Thúy vẫn phải lo việc điều phối, trả lời khách trên topic, trả lời khách qua điện thoại, là xác nhận đơn hàng, gọi nhờ người nhà gói hàng mang cho xe ôm ship, rồi cả khi xe ôm đến mà không gặp khách, cô cũng phải liên hệ sắp xếp. Thúy bắt đầu thấy xoay như chong chóng khi vừa phải làm việc cơ quan vừa tiếp hàng chục điện thoại mỗi ngày.

Về phần cơ quan, thời buổi kinh tế khó khăn nên chẳng những không ai soi xét gì việc làm thêm của Thúy mà các đồng nghiệp cũng hết sức ủng hộ cô. Tuy nhiên về lâu dài, chẳng ai chấp nhận được việc Thúy dùng điện thoại của công ty để gọi điện riêng, rồi lơ đãng trong công việc. Chẳng phải đợi lâu để mọi việc đến tai sếp. Hai tiếng họp khiển trách khiến Thúy như thêm phần phờ phạc, lẽ ra cô sắp được tăng lương do thâm niên nhưng nay bị cảnh cáo toàn công ty và hạ lương.

"Tiền mất tật mang"

Minh Hiền (27 tuổi - Láng Hạ) thì khác, thấy đứa em họ là sinh viên rủ rỉ "Sang Quảng Châu đánh hàng về bán lãi lắm, mỗi đợt hàng em đi, ít cũng lãi khoảng 40% vốn bỏ ra. Mình bán hàng online vẫn đi làm được, chứ làm công ăn lương như chị bao giờ cho giàu". Nhận thấy mình là người cũng có gout ăn mặc, Hiền quyết định đầu tư thử 30 triệu theo Linh sang Trung Quốc nhập thử quần áo thời trang nữ.

Lần đầu tiên sang xứ bạn, Hiền mới thấy đời không màu hồng như cô tưởng, để tiết kiệm tối đa chi phí, hai ngày đánh hàng là hai ngày cô lê la khắp các chợ, đi bộ từ sáng sớm đến xẩm tối để nhặt hàng.

Không hiếm người sang tận Quảng Châu để đánh hàng.

Quả nhiên, nhờ có gout thẩm mỹ tốt lại có mẫu xinh chụp ảnh nên shop thời trang trên facebook của cô rất hút khách. Hiền mừng ra mặt, lẩm nhẩm ông bà nói cấm có sai “Phi thương bất phú”.

Để tránh các đồng nghiệp nhòm ngó, Hiền đã phải dùng số điện thoại và tài khoản facebook riêng để giao dịch buôn bán, tuy nhiên việc khách khứa tấp nập nhắn tin, gọi điện hỏi mua hàng chỉ có giấu được một vài ngày chứ làm sao giấu được mãi.

Mấy "tổ buôn" trong văn phòng bắt đầu mát mẻ về việc Hiền sao nhãng công việc, hay "cô Hiền làm tay phải, tay trái thế kia chắc tiền tiêu không hết". Quả thật, do tập trung hàng họ, công việc của Hiền có phần đi xuống thật nên cô đã tính đến nước nghỉ luôn việc công sở vốn lương 3 cọc 3 đồng để ở nhà đầu tư cái shop vừa bán hàng online, vừa bán trực tiếp luôn.

Nghĩ là làm, Hiền quyết tâm "chơi" quả lớn, cô gom góp vốn và vay thêm gia đình rồi mang gần 200 triệu đi đánh hàng. Tuy nhiên, đời không như là mơ. Trong quá trình vận chuyển về Việt Nam, hàng của cô bị hải quan bắt lại tại biên giới. Vốn là hàng trốn thuế, Hiền mất bỗng dưng trắng tay. Tuy nhiên cũng còn may là cô chưa bị truy tố trước pháp luật vì tội buôn hàng trốn thuế.

"Đứt gánh giữa đường", Hiền quay lại công việc cũng chẳng yên bởi những lời mát mẻ của những "bà chị tốt bụng" cùng văn phòng. Cô lặng lẽ tìm nộp hồ sơ nơi khác để chuyển việc.

Đánh đổi thời gian và sức khỏe

Mai Phương (30 tuổi - Mai Động) vốn là một người rất khéo tay và làm bánh rất ngon. Một vài lần làm bánh mừng sinh nhật đồng nghiệp, bánh của Phương được các đồng nghiệp khen ngon nức nở và mỗi dịp sinh nhật con hay có khách, họ đều nhờ Phương làm giúp. Tiếng thơm bay xa, biết Phương làm bánh ngon, bạn bè, chị em thi nhau động viên cô nhận đặt bánh online cho vui và có thêm thu nhập.

Mới đầu Phương chỉ làm thử một ít với mục đích giao lưu là chính, nhưng không ngờ là những món ăn của cô nhanh chóng được lòng chị em trên mạng, các comment khen tới tấp. Người người nọ rỉ tai người kia, mỗi ngày trrung binh Phương nhận được 2 - 3 đơn hàng.

Mới đầu Phương hăng hái lắm, cô không ngại thức đến 2-3 giờ sáng để làm xong mẻ bánh cho khách. Tuy nhiên cộng việc văn phòng cũng bận rộn, lại phải chăm sóc chồng con, một tuần thức đến đến 3 – 4 ngày khiến sức khỏe cô yếu dần. Chồng Phương vốn là người nền tính, nhưng sau "sự kiện" Phương bị ngất khi cố làm mẻ cupcake 50 chiếc cho khách, anh đã ra "nghị quyết" “nếu muốn làm bánh thì nghỉ việc mở tiệm, không thì nghỉ làm bánh đi làm, còn nếu muốn làm cả 2 thì li dị”.

Đến nước này thì Phương đành phải lựa chọn trở về với quỹ đạo cũ của gia đình bởi “kiếm thêm được vài đồng mà gia đình rối tung như thế này thì cũng chẳng ham hố làm gì”.

Kết: Dù công việc công sở có thể nhàn hạ, tuy nhiên, để đầu tư làm hai việc song song chưa bao giờ là đơn giản. Bán hàng online tuy có thể giảm bớt được nhiều khâu quản lý nhưng để sinh lời từ việc kinh doanh, bạn chắc chắn sẽ phải đầu tư nhiều thời gian và công sức, thậm chí đánh đổi bằng chính việc "tay phải" của mình.

(Theo Afamily)