Thời buổi khó khăn đã khiến nhiều doanh nghiệp chấp nhận mang tiếng xấu với người lao động. Quà cảm ơn nhân viên cuối năm của họ, nào là chiếu cói, thảm chùi chân, nào là tương ớt, quần đùi và thậm chí cả hương (nhang)…

Chiếu cói, thảm lau chân, ốc vít đều là “quà Tết”!

Thoạt đầu nghe thông tin thưởng Tết bằng quần đùi, tương ớt, giấy vệ sinh… không ít người ngạc nhiên, thậm chí thấy trớ trêu. Tuy nhiên thực tế tại nhiều doanh nghiệp, việc thưởng Tết đang làm khó cho cả doanh nghiệp và người lao động bởi không ít doanh nghiệp không thưởng thì không đành lòng nhưng thưởng lại khiến cho người lao động đau lòng hơn.

Là doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, với trên 40 lao động, năm nào doanh nghiệp của anh N.V.N cũng thưởng Tết cho người lao động. Nhưng năm nay, hàng sản xuất ra ứ đọng đầy kho nên anh đành thưởng Tết cho người lao động bằng hiện vật, mỗi người một đôi chiếu, một đôi thảm lau chân, một làn cói, một bộ thảm đặt ấm chén.

Chị Lê Thị Mơ, công nhân làm hàng thủ công mỹ nghệ của doanh nghiệp anh N cho biết: “Đi làm công ăn lương, giám đốc thưởng gì thì nhận nấy, không có cũng phải chịu. Tôi sẽ mang về nhà dùng dần vì chiếu, thảm ở nhà vẫn còn lành. Không dùng thì đem làm quà cho anh em họ hàng cũng được. Nhưng đúng là khó khăn, có thưởng Tết vẫn không giảm được khó”.

{keywords}

Người lao động nhận thưởng Tết bằng chiếu ở Nga Sơn, Thanh Hóa đã mang ra chợ bán

Dẫu “hẻo”, chiếu cói, thảm lau còn là món quà có thể mang đi biếu tặng lại nhưng có những món thưởng Tết, người lao động chỉ biết ngậm ngùi mang về nhà như hương (nhang), tương ớt, giấy vệ sinh, quần đùi…

Nhân viên kinh doanh một doanh nghiệp sửa chữa, bảo dưỡng ô tô tại huyện Từ Liêm, Hà Nội ngậm ngùi: “Chúng tôi bị nợ đọng lương đến nay đã gần 5 tháng. Trước đây làm ăn thuận lợi thì nhận lương, thưởng đều nhưng trong năm nay thì bắt đầu từ tháng 5 trở đi là doanh nghiệp nợ lương. Cứ 45 ngày thì được trả lương một tháng, cứ mỗi tháng chậm 15 ngày, cộng dồn lại đã bị nợ gần 5 tháng.

Mới đây, vị phó giám đốc nửa đùa, nửa thật nói: “Năm nay đói, lương còn phải nợ chưa biết lấy gì thưởng Tết hay mỗi người nhận ít ốc vít về dùng dần?”.

Chị Nguyễn Thị Bình, công nhân làm ở cơ sở sản xuất Hương V.A thổ lộ: “Lúc ông chủ đưa quà thưởng Tết tôi đã khóc. Lúc ấy không biết nước mắt ở đâu nó cứ trào ra. Khi cầm quà tôi khóc rưng rức, không thể nào kìm lòng được. Chồng tôi mất vì tai nạn giao thông cách đây 3 tháng, mọi gánh nặng gia đình, nuôi 2 con ăn học dồn hết vào tôi. Lúc lại phải cầm hương mang về tôi thấy tủi thân quá, tủi thân vì thưởng Tết chỉ là một phần, tủi nhất là phần thưởng lại đánh vào nỗi đau của tôi - mang hương về thắp cho chồng”…

Cơ sở sản xuất hương thơm V.A ở huyện Đan Phượng, Hà Nội đã thưởng Tết cho công nhân 100.000 đồng/người. Ngoài số tiền này, còn có món quà là mỗi người được thưởng… 7 loại hương, mỗi loại một bó. Anh Trần Quốc V, chủ cơ sở sản xuất hương thơm V.A cho biết: “Nghe thưởng Tết bằng hương thì nhiều người thấy sợ nhưng tôi nghĩ, dịp Tết nhà nào cũng phải thắp hương nên tôi nói với công nhân đó là quà của tôi cho mọi người. Năm nay hẻo vì làm ăn khó khăn nên thưởng Tết mỗi người chỉ được 100.000 đồng”.

Không ít người thì méo mặt khi nghe sếp công bố thưởng Tết bằng viên gạch men lát nền như tại Công ty vật liệu xây dựng N.D (trụ sở tại đường Lương Ngọc Quyến, TP Thái Nguyên). Theo đó, mỗi người được thưởng 200 viên gạch men lát nền, tương đương với hơn 2 triệu đồng. Nhận thưởng Tết bằng gạch, không ít người méo mặt vì nhà không cần dùng đến, mang bán chẳng có người mua, mà không nhận thì tiếc của.

Phổ biến chuyện thưởng “bằng hiện vật”

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, thưởng Tết bằng hiện vật thay vì tiền mặt đang được xem là một hiện tượng khá phổ biến trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay.

Theo ông Tống Văn Lai, Phó Vụ trưởng Vụ Lao động Tiền lương (Bộ LĐ,TB&XH), tiền thưởng thì không có quy định cụ thể là trả bằng tiền mặt hay hiện vật. Vì vậy, trong năm làm ăn khó khăn doanh nghiệp thưởng bằng hiện vật cũng không thể can thiệp được.

Trong điều kiện hiện nay, người lao động cũng nên thông cảm chia sẻ với doanh nghiệp, còn với doanh nghiệp thưởng bằng thành phẩm nhưng biết cách động viên, khích lệ tinh thần người lao động cũng là một việc rất quý.

Còn ông Lưu Đức Khải, Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cũng cho rằng: “Thời buổi kinh tế khó khăn, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được doanh nghiệp buộc phải thưởng bằng hiện vật là chuyện cực chẳng đã. Với cách giải quyết này doanh nghiệp cũng có nhiều cái hay, vừa bớt được một khoản tiền, vừa có cơ hội quảng bá thương hiệu của công ty”.

TS Vũ Đình Ánh (chuyên gia kinh tế) cũng đồng tình với cách giải quyết chuyện thưởng Tết bằng hiện vật của doanh nghiệp. TS Vũ Đình Ánh bày tỏ: “Thưởng Tết bằng hiện vật không có gì đáng cười cả. Kinh doanh ai cũng muốn có lãi, thưởng Tết chu đáo cho người lao động nhưng “lực bất tòng tâm”. Hàng sản xuất ra không bán được buộc doanh nghiệp phải thưởng bằng hiện vật, thành phẩm, đó cũng là chuyện rất bình thường”.

Thưởng Tết không đơn giản là chuyện đưa cho người lao động bao nhiêu tiền, mà còn thể hiện sức khỏe của nền kinh tế, nhất là doanh nghiệp.

Việc thưởng Tết cũng thể hiện sự gắn bó giữa người lao động với doanh nghiệp, tạo động lực để họ tiếp tục làm việc hơn trong năm tiếp theo. Đáng buồn, nhiều doanh nghiệp đã “né” thưởng Tết bằng cách sa thải người lao động ngay trước Tết.

Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, sự chia sẻ, cảm thông giữa người lao động và doanh nghiệp là điều hết sức cần thiết. Các ông chủ cũng cần công khai những khó khăn, thuận lợi để nhận được sự chia sẻ từ người lao động.

Trong lúc khó khăn, thưởng Tết có thể chỉ là sự quan tâm, chia sẻ, là những lời chúc tốt đẹp, mong muốn chân thành chứ không hẳn là món quà giá trị.

Theo GiadinhNet