Chị Nguyễn Thu Hà (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết lâu nay chị có thói quen đưa hình ảnh vui nhộn của con (ảnh ở lớp học, ảnh con ăn vạ trong bữa cơm...) lên mạng xã hội mục đích để người thân, ông bà ở quê thấy sự hài hước, đáng yêu của con.
“Trước đây tôi đăng rất nhiều tuy nhiên, hôm vừa rồi chồng tôi lại phản đối và yêu cầu xóa hết hình ảnh cũng như thông tin về trường học, địa chỉ nhà, nơi con hay đến...
Tôi không đồng ý vì nghĩ đơn giản đăng lên mạng xã hội là một cách để lưu giữ lại kỷ niệm, hơn nữa họ hàng, người thân không thường xuyên gặp nhau nhờ vậy có thể xích lại gần hơn.
Thế nhưng, cuối cùng, dưới áp lực của chồng tôi đành phải khóa các bài viết cũng như hình ảnh của con và để chế độ chỉ người thân trong gia đình mới có thể xem. Chồng tôi phân tích việc làm trên là vô tình đưa con vào nguy cơ như bị bắt cóc, bị đe dọa và quan trọng là vi phạm quyền riêng tư của con”, chị Thu Hà kể.
Hiện nay, dưới thời đại công nghệ 4.0, chúng ta không khó để bắt gặp những dòng cập nhật, những bức ảnh trên trang cá nhân chia sẻ về con từ phụ huynh. Từ kỷ niệm ngày con vào lớp một, ngày sinh nhật cho đến các hoạt động ở trường của con đều được phụ huynh đưa lên mạng.
Đa số họ đều nghĩ như chị Thu Hà, muốn lưu giữ một dấu mốc, một kỉ niệm đẹp về con. Thế nhưng, nguy hiểm hơn, nhiều cha mẹ lại chia sẻ hình ảnh con một cách quá đà, đăng tải gần như tất cả mọi thông tin không lường trước các hệ lụy. Ngoài nguy cơ bị bắt cóc, trẻ còn có thể là nạn nhân của các hành vi xâm hại, đe dọa...
Theo Thạc sĩ Lê Thị Loan - nguyên Phó khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục), để bảo vệ an toàn cho trẻ trên không gian mạng, chính bố mẹ phải suy nghĩ trước khi đăng tải hình ảnh, video và cân nhắc hình ảnh đó sẽ ảnh hưởng đến con thế nào.
“Hiện nay, pháp luật về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đã tương đối đầy đủ, tuy nhiên không phải phụ huynh nào cũng biết. Vì vậy, ở một số trường hợp, không ai khác chính phụ huynh làm lộ thông tin cá nhân của con. Từ thông tin đó, kẻ xấu có thể tiếp cận trẻ để dọa nạt, khống chế, thực hiện hành vi lừa đảo”, Thạc sĩ Lê Thị Loan cho hay.
Nữ thạc sĩ cũng dẫn chứng nhiều vụ việc báo động thời gian vừa qua. Cụ thể, cách đây không lâu, nhiều phụ huynh đã bị lừa đảo số tiền lớn với chiêu thức con phải cấp cứu ở bệnh viện.
Theo đó, hàng trăm phụ huynh bị các đối tượng tội phạm giả danh là giáo viên gọi điện thông báo học sinh bị tai nạn nguy kịch, cần phẫu thuật.
Từ đó, đối tượng đề nghị chuyển tiền gấp vào tài khoản cá nhân người gọi để đóng viện phí. Không ít người vì quá lo lắng cho an nguy của con đã trở thành nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo này.
Theo các chuyên gia, một trong những giải pháp để chống lộ dữ liệu về trẻ em là từ ý thức của cha mẹ. Đặc biệt, trong thế giới số, với sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội, các bậc phụ huynh nên thận trọng và tiết chế khi đăng tải thông tin, hình ảnh của con lên mạng xã hội.
Điều 32 Bộ luật Dân sự quy định cá nhân (kể cả trẻ em) có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó. Còn theo Luật Trẻ em, một trong những hành vi bị cấm là công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân mà không được sự đồng ý của trẻ từ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ trẻ. |