Mỗi lần gặp Kathy là mỗi lần cô mang đến cho bạn những điều mới mẻ. Khi là một MC quá đặc biệt chất “cinema” hài hước kiểu Mỹ hay sang trọng kiểu mẫu phụ nữ thập niên 60, hoặc nhanh nhảu hoạt náo làm thay đổi không khí nặng nề lễ lạt của một số sự kiện; cũng có khi là một người phụ nữ đơn thuần business khi “present” cho bạn những dự án của cô ấy.

NẾU TÔI ĐÁNH ĐỔI...

Tôi đã có ít nhất hai lần chứng kiến chị làm MC, và có nghĩ một điều là: chị nên tiếp tục công việc đó, để làng giải trí có thêm một MC thú vị, giữa cái thời buổi MC thì thừa mà duyên dẫn thì thiếu như hiện tại…

{keywords}

- Ồ, bạn làm tôi ngạc nhiên vì câu hỏi đầu tiên bạn không nhắc đến phim, mà lại nhắc đến một công việc khác của tôi. Tôi thấy mình chưa được như lời khen đó. Số lần dẫn chưa nhiều, cũng chưa phải thành thạo cho lắm. Trong khi đó, công việc này cũng là một lựa chọn để có thêm trải nghiệm về mặt giao tiếp, tôi tận dụng một số khả năng hoạt náo của mình để gần gũi với khán giả hơn thôi. Đam mê của tôi là phim.

Thì ai làm phim, đóng phim mà chẳng nói thế!

- Vậy sao? Tôi không rõ lắm về việc người khác nói như thế nào nhưng về phía mình, tôi là người thích làm nhiều hơn nói, và sẽ nói những cái mình làm được. Tôi nghĩ với tấm bằng tốt nghiệp ngành thương mại ở đại học Mỹ, tôi hoàn toàn có những lựa chọn khác, đúng ngành tôi học, có thể ở Mỹ, cũng có thể ở Việt Nam, mà tôi tin chắc rằng những lựa chọn đó sẽ an toàn và ổn định cho cuộc sống của tôi hơn là phim. Ví dụ, tôi kinh doanh, hay làm marketing cho một công ty hay một thương hiệu nào đó. Nhưng giờ đây, tôi chỉ nói là, tôi không thể lựa chọn gì khác ngoài phim.

…và lựa chọn đúng cái thời mà “phim Việt kiều, đạo diễn Việt kiều và diễn viên Việt kiều” lên ngôi? Đừng gán tôi theo trào lưu. Đúng hơn là tôi không quan tâm đến trào lưu bởi vì tôi trân trọng những thứ mang đến giá trị tại thời điểm hiện tại, những điều thực tế - tạm gọi thế đi.

- Phim ở ta thì ít thực tế lắm. Cái gì cũng dễ dàng đến mức dễ dãi. Không biết mọi người nhìn nhận về nghệ sĩ Việt kiều như thế nào, dễ dãi hay không, nhưng với tôi, ở góc độ một diễn viên, tôi thấy trăm điều khó. Mà cái khó nhất là sự lưng lửng, nửa chừng, nghĩa là bên này thì không có đủ chỗ, bên kia thì cũng đã quá đủ cho các vai diễn dạng như mình. Ở Mỹ thì không có nhiều phim dành cho những nhân vật là người Á Châu, còn ở Việt Nam thì cũng chưa có nhiều phim cho những nhân vật là Việt Kiều. Nên ở Mỹ hay ở chính quê hương mình, tôi đều thấy những cái khó vừa hữu hình lại vừa vô hình. Nếu tôi sống bằng ảo tưởng, thì sẽ khó lắm.

{keywords}

Chị nhắc đến đây tôi mới nhớ, là “lý lịch diễn xuất” của chị ở Mỹ, nhất là từng có mặt trong một số phim của các hãng lớn thuộc Hollywood, biết bao diễn viên của Việt Nam thèm muốn lắm đấy. Ví dụ, 2 giây, đủ để chạy xẹt qua màn hình của một bộ phim Trung Quốc thôi mà diễn viên bên này đã về họp báo khoe ầm các kiểu. Nếu chị chịu “khoe” một chút, biết đâu sẽ bớt khó, bớt “lưng lửng” ở Việt Nam hơn?

- Khoe ư? Thực tế thì tôi không có gì để khoe cả. Những vai diễn hoặc những bộ phim tôi đóng, nó nhỏ như một hạt cát giữa biển điện ảnh Mỹ. Mặc dù, tôi cũng đã casting nhiều với mong muốn có cơ hội được diễn một vài vai lớn. Ở Mỹ, nếu bạn nhận được một vai lớn, bạn có thể sống khỏe một thời gian, vì mỗi lần phim chiếu, bạn lại được trả tiền thêm phần trăm doanh thu. Có những thời điểm tôi đi casting mải miết 12 giờ mỗi ngày, hết quảng cáo lại đến phim trường, trên xe lúc nào cũng máng đủ loại quần áo khác nhau chỉ để thay cho kịp giờ casting.

Tìm nhiều cơ hội để có vai, nhưng lại từng từ chối lời mời khá hấp dẫn của một vị đạo diễn Mỹ như chị có lần tâm sự. Dù lời mời có phần khiếm nhã là… đến khách sạn thử vai, nhưng chị đừng nói, lý do để từ chối là vì… đạo đức đấy nhé?

- Nếu nhận lời mời, thì đó là vai diễn đầu đời. Vai diễn mà tôi đã rất kỳ vọng để gửi hết những tâm tư của một cô bé trưởng thành trên đất Mỹ. Nhưng, tôi không muốn viết lên sự nghiệp của mình ở điểm khởi đầu bằng một màu u tối. 18 tuổi tôi đã sống tự lập. Tôi hiểu được rằng, cơ hội do chính khả năng của mình mang lại sẽ bền vững hơn là do sự đánh đổi. Mặc dù, sau này khi học đại học, tôi cũng chưa dám nghĩ rằng mình sẽ chọn điện ảnh làm sự nghiệp đâu. Tôi sợ sự bấp bênh và nhất là khi mình chưa biết rõ tương lai sẽ như thế nào. Điều này không giống như thời gian sau này khi tôi bén duyên trên một số phim của các đạo diễn Việt Nam ở Mỹ.

Ừ, nếu tôi đánh đổi, có thể tôi cũng chỉ xuất hiện được một bộ phim ấy, và nếu phim dở và tôi diễn dở, cũng coi như tôi đã nhấn chìm mình xuống, rồi ước mơ sẽ bị tắt lịm. Tôi chọn cách học thêm diễn xuất mỗi tuần, đi thử vai thật nhiều để lấy kinh nghiệm, để rồi nếu có cơ hội, thì phải làm cho đàng hoàng. Tôi làm thêm đủ việc, nào là pha chế, chạy bàn để có tiền mưu sinh cho cuộc sống và vẫn tiếp tục tìm cơ hội trong những ngày tháng trước đó.

{keywords} 

Nói lại chuyện khoe, khi nhiều người từ Mỹ về khoe giàu sang nọ kia, thì chị lại không ngại ngần nói về việc mình từng đi chạy bàn và làm pha chế. Thật thà là điều đáng quý, nhưng sự thật thà bây giờ có vẻ hơi cô đơn và bất thường giữa showbiz mà nhà nhà khoe, người người khoe đấy, chị ạ…

- Tại sao mọi người cứ nghĩ việc pha chế và chạy bàn là “bèo” nhỉ? Ở Mỹ đa số diễn viên, muốn có thu nhập ổn thì phải làm thôi, vì đơn giản là, Angelina Jolie hay Brad Pitt… chỉ là con số nhỏ, được thế giới biết đến, còn lại hàng ngàn diễn viên mỗi ngày vẫn mưu sinh bằng những công việc phổ thông khác nhau. Đa số diễn viên ở Mỹ, xuất hiện trên nhiều phim, nhưng thời gian còn lại họ vẫn phải làm những công việc khác. Những gì ta thấy trên các bộ phim lớn chỉ là một phần quá nhỏ so với số lượng diễn viên ở đất Mỹ thôi. Số còn lại vẫn thầm lặng sống, làm nhiều việc để sống bên cạnh tìm cơ hội trên phim ảnh. Tôi đâu khác họ, thậm chí trong sự nghiệp diễn xuất còn bình thường hơn nhiều, nên làm tất cả những công việc cho mình thu nhập một cách lương thiện, có tiền trang trải cho cuộc sống và có thể có thời gian để theo đuổi đam mê của mình.

Tôi vẫn giữ quan điểm, thật thà quá không phải là điều tốt!

- Tôi chưa thể đúc kết được chân lý nào cho cuộc sống của mình ngoài việc tự nhủ mình: cứ làm đi, khó khăn nào cũng có thể qua được. Chỉ biết rằng, nếu tôi sống khác mình thì tôi sẽ thấy khó chịu lắm. Vì chẳng ai bắt tôi phải sống khác và tôi cũng không đổ lỗi cho hoàn cảnh là vì như thế này hay vì như thế kia. Tôi hiếm khi thấy nói dối làm cho cuộc sống của người ta đẹp lên một cách đúng nghĩa. Cứ sống thật tự nhiên thì bản thân điều đó cũng đã mang đến cho tôi sự dễ chịu lắm rồi. Tôi không phải là người có nhiều nhu cầu lắm trong cuộc sống của mình.

TÔI TỪNG NẢN, NHƯNG KHÔNG BỎ CUỘC

Chị có mê tiền không?

- Không. Mặc dù tôi thích có một số tiền kha khá, đủ để lo cho cuộc sống của tôi cũng như trợ giúp phần nào cho ba mẹ, và số tiền đó phải là từ sức lao động của mình. Ba mẹ tôi đã nghỉ hưu, kinh tế gia đình ở Mỹ cũng tạm gọi là ổn. Nhưng tôi vẫn chọn cách tự kiếm tiền để không lệ thuộc bất cứ ai, dù đó là cha mẹ hay người thân của mình. Tuyệt đối, tôi càng không thích dùng tiền của người khác. Nếu mê tiền, tôi đã chọn nghề khác chứ không chọn phim, không chấp nhận sự “lưng lửng” cả ở Mỹ lẫn ở Việt Nam trong suốt một quãng đời làm phim. Nếu có mê, thì tôi chỉ mê nghề, mê phim thôi. Đó là đam mê lớn nhất mà tôi biết, tôi đang đối mặt và vượt qua nhiều ngày khó khăn để chinh phục nó.

{keywords}


Xong kịch bản, thì tôi lại vào với việc diễn xuất. Trước đó, tôi và các cộng sự phải gặp không biết bao nhiêu đối tác để thuyết phục đầu tư. Tôi nhớ là phải mất đến mấy cái ổ cứng để lưu những bản “presentations”, đi đến hết nơi này sang nơi nọ và cuối cùng thì các đối tác cũng đã ủng hộ. Và điều vui mừng như anh thấy là khi phim chiếu, phản ứng của khán giả khá tích cực, là động lực lớn để tôi vững tin hơn với lựa chọn của mình.

Tôi được biết điều này qua một người bạn chị: rằng Kathy thuê một phòng trọ khá chật chội, chi xài khá tiết kiệm, không làm thêm việc khác, chỉ để đầu tư thời gian cho kịch bản vừa rồi trong nhiều năm. Có đánh đổi cho đam mê quá không, vì lúc đó chị đâu dám chắc mình thắng cuộc? Trong khi, cuộc sống vốn ngắn ngủi mà!

- Thì vì nó ngắn ngủi, nên hãy dành cho nó những món quà đẹp nhất. Nó giống như cách mà ta yêu một người, sâu sắc và trọn vẹn sẽ hạnh phúc hơn việc chạy theo những mối tình chớp nhoáng và hời hợt. Hỏi tôi có nản không vì có những thời điểm đối mặt với khó khăn, trong những ngày tháng qua, thì tôi trả lời là: có nản. Có lúc tôi suy nghĩ, nếu khó quá nữa, mình có thể về Mỹ để sống và làm việc tiếp tục như tôi đã sống bao năm tháng trước đây. Nhưng tính tôi lạ lắm, đã quyết làm gì là làm cho bằng được. Tuyệt đối không làm hời hợt, không làm ẩu. Dù có mất nhiều thời gian, dù có khó khăn, cũng phải vượt qua mà làm. Và, không muốn phiền đến người khác.

Kể cả với người yêu - cũng quyết không nhờ vả - dù khó khăn?

-  Đúng. Yêu là chuyện của con tim, nhưng tự trọng là chuyện của lối sống. Động viên và hỗ trợ nhau về mặt tinh thần trong cuộc sống là quý lắm rồi, đừng để tiền bạc xen vào. Mỗi người trong cuộc sống có một vai trò riêng, được quy định bởi công việc, lối sống và thậm chí là văn hóa nữa. Tôi thấy dù đàn ông hay phụ nữ cũng đều phải lao động, đều phải kiếm tiền và đều phải công bằng sòng phẳng trong cuộc sống của nhau.

Chà, điều này sẽ đụng chạm kha khá đến việc kiếm tiền bằng sự xinh đẹp của không ít cô gái showbiz đây!

- Tôi không nói đến người khác, mà chỉ nói những trải nghiệm bản thân tôi. Văn hóa Mỹ là công bằng với đồng tiền, lối sống Mỹ là sòng phẳng còn công việc thì chắc chắn ai cũng phải làm rồi, dù showbiz thì ở đâu cũng có vấn đề này hay vấn đề nọ. Mỗi người phụ nữ có một lựa chọn. Đơn giản là tôi không chọn thế, cũng có thể vì tôi chưa nằm trong danh sách những người đẹp. Tôi hơi ngây ngô, cũng không lộng lẫy như các hoa hậu mà giản dị, bình thường. Tôi mê công việc, có thể đóng cửa viết kịch bản cả tuần thay vì nhận lời đi chơi với một ai đó, nên có thể đàn ông cũng ít chọn những người như tôi.

Nói vậy, chứ chị cũng đã có một người đàn ông chọn mình, cùng lúc với bộ phim mới trình làng đấy thôi?

- May mắn là anh ấy cũng là dân trong nghề, nên hoàn toàn hiểu và thông cảm, và quan trọng nhất là đồng hành với tôi trong suốt quãng thời gian khó khăn nhất, và cùng vì một mục tiêu chung là dự án hoàn thành.

CỨ YÊU, VÀ CỨ LÀM PHIM

Và giờ đạt “mục tiêu dự án hoàn thành” rồi, thì sao nữa tiếp theo, với tình yêu?

- Thì lại đến những dự án khác. Anh lại về Mỹ, tiếp tục lo công việc của anh bên đó. Tôi cũng sẽ lại đồng hành cùng anh. Đôi lúc tôi tự hỏi, nếu tôi gặp người đàn ông làm khác nghề mà bắt tôi hoặc chọn nghề hoặc chọn người ta, tôi không biết phải làm thế nào nữa. Và đó cũng là lý do để quá lâu tôi mới tìm được người đàn ông cho mình như hiện nay. Tình cảm của chúng tôi ngày càng sâu đậm hơn, nhưng mỗi người vẫn giữ những nguyên tắc sống. Chúng tôi có được nhiều tiếng nói chung, mà tiếng nói chung lớn nhất đó là đam mê với điện ảnh, bên cạnh sự tôn trọng nhau, quan tâm, và hiểu nhau trong cuộc sống.

Như chị nói, thời điểm bắt tay cho dự án, có nhiều ngày chị đóng cửa viết lách, rồi lao vào một khối công việc tiếp theo, nào kêu gọi tài trợ, nào diễn xuất. Thế thì thời gian để yêu là lúc nào nhỉ?

- Không nhiều lắm. Thời gian yêu của chúng tôi được tính bằng sự động viên nhau, cùng cố gắng cho phim. Có những ngày chúng tôi quyết không nhắc đến phim trong một giờ để tận hưởng không gian riêng bên ngoài công việc mà cả hai đều gặp không ít mệt mỏi, nhưng rồi không thể, được vài câu lại quay lại với phim ngay. Dù anh có nhiều dự án ở Mỹ nhưng anh vẫn dành nhiều thời gian để ủng hộ dự án này của chúng tôi, trong vai trò là nhà sản xuất phim. Dường như công việc bao phủ lên tình cảm của chúng tôi để rồi những người khác không hề biết là chúng tôi yêu nhau cho đến khi bộ phim hoàn thành.

Đến yêu mà cũng bị bao phủ bởi công việc. Chị không thấy mình quá khổ?

- Thì biết làm sao bây giờ? Chúng tôi cũng muốn lắm những kỳ nghỉ dài, những khoảnh khắc lãng mạn, những phút tận hưởng tình cảm, thay vì có những lúc phải cãi nhau vì công việc. Nhưng suy cho cùng chẳng có tình cảm nào có thể kéo dài nếu không có sự thấu hiểu trong đó. Thì hãy cứ làm hết mình đi trong những điều bạn có thể, nếu như ở những việc bạn làm không giết đi tình cảm của bạn.

Không giết, nhưng sống hoài như vậy thì cực lắm…

- Tôi không lý tưởng hóa điều gì cả. Hãy cứ hồn nhiên đi, hãy cứ tự nhiên đi thì cuộc sống cũng sẽ trôi đi một cách tự nhiên. Vấn đề là chúng tôi đủ văn minh để biết tách bạch giữa công việc và tình cảm, nên như tôi đã nói, dù có cãi nhau trong công việc thì cả hai đều biết đó chỉ là công việc thôi, còn tình cảm thì vẫn là tình cảm. Trong công việc, không nên để tình cảm xen vào, vì đã làm thì phải làm nghiêm túc. Còn trong tình cảm cũng không nên để công việc lấn sâu vào, vì sau công việc vẫn là một mối quan hệ và cuộc sống riêng.

Hai người đã đi du lịch sau khi dự án hoàn thành rồi chứ?

- Chỉ mỗi tôi thôi, anh phải về Mỹ với công việc. Sẵn tiện có ba mẹ và em gái tôi qua thăm, tôi kết hợp một chuyến du lịch để thư giãn một chút.

Thế có công bằng với người ta không? Chắc là không (cười), nhưng lúc này phải như vậy đã. Tôi sẽ bù lại bằng cách hỗ trợ anh hết mình trong những dự án sau.

Sao chị cứ nói về công việc suốt vậy. Nhiều quá, sẽ không sống bình thường được đâu!

- Có thể không được bình thường như mọi người, và ngay cả bản thân tôi cũng không thể nói là đúng hay không, nhưng hãy tin là tình cảm nó cũng có những lý lẽ riêng của nó. Với người này như thế có thể chưa hợp lý nhưng có thể với tôi thì có sự hợp lý riêng. Yêu thì cứ yêu. Làm phim thì cứ làm phim. Và hãy nhìn cuộc sống một cách tích cực, thì sẽ nhẹ nhàng thôi!

(Theo Fame.vn)