Ba hôm nay, mẹ chồng Chi liên tục cho cả nhà ăn cơm với một món duy nhất: Trứng luộc. Lý do là ăn nhiều thịt dễ bị gút, rồi lại tốn tiền chữa bệnh.

Sau 3 năm tìm hiểu và yêu nhau, Chi và Quân đi đến hôn nhân và về sống với bố mẹ chồng. Chi vốn dĩ có niềm tin sẽ có thể sống hòa thuận với bố mẹ chồng, vì mọi người vẫn nói Chi sống biết điều, có trước có sau, có trên có dưới. Hơn thế, bản thân Chi cũng mong muốn có cuộc sống hôn nhân hạnh hạnh phúc nên luôn cố gắng hoàn thiện bản thân, dung hòa các mối quan hệ với nhà chồng, đặc biệt quan hệ mẹ chồng – nàng dâu.

Mẹ chồng Chi là người quyết định tất cả mọi việc trong nhà. Những ngày đầu làm dâu, mẹ chồng gọi Chi ra và nói: “Nhập gia tùy tục”, mẹ sẽ “mở lớp đào tạo cấp tốc” cho con về cách đi chợ, sử dụng nước, điện, máy giặt… Thời buổi khó khăn, cái gì cũng phải tiết kiệm mới được, cứ tiêu hoang phí nếu có việc gì thì lấy tiền đâu mà lo.

Chi nghĩ bụng, mẹ chồng nói đúng, giờ có gia đình rồi, có rất nhiều việc phải lo, mình không thể tiêu không có kế hoạch như thời còn con gái được. Tiết kiệm là tốt, chỉ cần không chi li tính toán đến mức “Đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” là được rồi. Coi như vừa hưởng thụ vừa tiết kiệm lo cho tương lai. Vì thế, Chi quyết tâm “Tầm sư học đạo”, nhưng càng ngày Chi càng thấy mẹ chồng quá hà tiện.

{keywords}

Để mẹ đi chợ thì chỉ có một món (Ảnh minh họa)

Bài học đầu tiên Chi được học từ ngày về nhà chồng là bộ nguyên tắc: Nước vo gạo phải giữ lại để rửa rau, nước rửa rau giữ lại để rửa bát, nước rửa bát và nước giặt quần áo giữ lại để… dội nhà vệ sinh. Nhà có máy giặt nhưng mẹ chồng cũng không cho dùng vì tốn điện, tốn nước, hại quần áo. Mẹ chồng Chi bảo: “Giặt tay vừa tiết kiệm điện nước vừa bền quần áo, kiêm luôn cả tập thể dục cho khỏe. Tụi trẻ bây giờ cái gì cũng phụ thuộc vào máy móc, ngày xưa mẹ giặt cả đống quần áo có sao đâu”.

Là vợ chồng mới cưới nên thi thoảng hai vợ chồng mới xin phép bố mẹ chồng ra ngoài cà phê, cà pháo tí cho thay đổi không khí thì mẹ chồng lại cằn nhằn: “Tụi mày hoang phí, chỉ biết trước mắt mà không lo cho tương lai. Cà phê thì có cái gì bổ béo, lại còn ra quán, nó “chém” cho cũng phải đến 30.000 - 50.000 đồng/cốc. Sao không ở nhà pha mà uống, vừa rẻ, vừa an toàn…”

Nhưng những chuyện đó chưa thấm vào đâu. Chuyện ăn uống ở nhà Chi mới là vấn đề nan giải: Lúc mới về làm dâu, Chi đã xác định sẽ đi chợ, nấu nướng cho cả nhà nhưng mẹ chồng lại bảo con đi làm về muộn, mẹ ở nhà thì để mẹ chợ búa, cơm nước. Chi rất mừng và cũng vẫn cố gắng đi làm về sớm để giúp mẹ chồng nấu nướng.

Mỗi tháng, hai vợ chồng Chi đưa mẹ 5 triệu tiền đi chợ, còn tiền điện nước hay các chi phí linh tinh trong nhà đều do vợ chồng Chi chi trả. Số tiền này theo Chi tính toán thì cũng đủ để cho mẹ chồng lo ăn uống cho cả nhà. Vậy nhưng, các bữa cơm hầu như quay đi quay lại chỉ toàn đậu luộc, trứng luộc, trứng rán, dừa kho, thi thoảng lắm mẹ chồng cải thiện cho cả nhà bằng món canh cá, thịt gà. Còn những thực phẩm đắt đắt một chút như thịt bò chẳng hạn thì cả tháng, cả năm Chi không bao giờ thấy mẹ chồng mua.

{keywords}

Tôi nấu thì nhà phải có nhiều món thế này (Ảnh minh họa)

Sợ giá cả tăng, với số tiền hai vợ chồng đưa mẹ không đủ đi chợ mới ăn uống đạm bạc, Chi bàn bạc với chồng đưa thêm cho mẹ 2 triệu để mẹ đi chợ thoải mái hơn. Bố mẹ chồng Chi cũng có lương hưu, các anh chị cũng thi thoảng hay biếu bố mẹ chồng Chi đồ ăn hay tiền. Hoàn cảnh gia đình chồng Chi không phải là khó khăn gì thế nhưng không hiểu sao mẹ chồng Chi lại hà tiện đến thế.

Có đợt, ba ngày liền, mẹ chồng Chi liên tục cho cả nhà ăn trứng luộc. Mẹ chồng chia suất, mỗi người chỉ được một quả. Đến bữa thứ ba, bố chồng Chi nói: Bà nấu thức ăn ít thế sao đủ ăn cơm, tụi nó còn trẻ thì ăn uống phải có chất dinh dưỡng chứ? Mẹ chồng Chi nói lại: “Ông thích ăn thịt nhiều cho bị gút à? Báu bổ gì mấy cái loại thịt công nghiệp đấy”.

Cuối tuần, mẹ chồng Chi quyết định “cải thiện” bữa ăn cho cả nhà. Sáng sớm, mẹ chồng gọi Chi chở đi chợ, đi một vòng từ đầu chợ đến cuối chợ, mẹ chồng Chi mới mua được con cá ưng ý. Chi mừng thầm vì trưa này cả nhà sẽ được bữa cơm “tươm tất”. Sau khi về nhà, hai mẹ con vào bếp, mẹ chồng Chi bảo, trưa nay chỉ nấu đầu cá với dưa thôi, phần còn lại thì để hôm sau ăn. Sợ mẹ phật lòng nên Chi không dám nói gì. Và trưa hôm đó, cả nhà lại ăn trưa bằng đúng một món: Đầu cá nấu dưa!

Có hôm, cả nhà đi vắng, Chi ở nhà một mình thấy trong tủ lạnh có hoa quả nên đem ra ăn. Tối về, mẹ chồng hỏi: Hoa quả mẹ cất trong tủ con ăn phải không? Chi bảo vâng, vậy là mẹ chồng tuyên bố: Suất hoa quả tối nay của con ăn rồi nhé, tí mọi người ăn thì không có phần của con đâu…

Biết mẹ chồng tiết kiệm nên thi thoảng, gặp món gì lạ, ngon, Chi mua về để cả nhà cùng ăn thì mẹ chồng lại hỏi: “Con mua bao nhiêu tiền? Chắc lại mua đắt chứ gì? Không biết có ra gì không, có đảm bảo vệ sinh không? Đồ ăn ở nhà đầy sao phải mua thêm cho tốn tiền, lãng phí. Lần sau đừng có mua linh tinh thế, thừa tiền thì đưa đây mẹ giữ hộ…”. Vài lần như thế, Chi không dám mua đồ ăn gì về nữa.

Đấy là chưa kể quần áo mặc ở nhà, có những cái rách vá đi vá lại, mẹ chồng Chi vẫn không bỏ, mặc đến khi nào rách không vá được nữa mới chịu bỏ đi. Chén bát cũng vậy, cái nào cũng sứt mẻ mấy góc mẹ chồng Chi vẫn không bỏ. Có lần thấy chén bát cũ quá, Chi mua mấy bộ mới về thì mẹ chồng đem cho vào tủ cất đi và cằn nhằn: “Bát nhà mình vẫn còn mới, con mua về thì cũng còn lâu mới dùng đến. Cứ để trong đó, lúc nào chỗ chén bát ngoài này vỡ thì mới được đem ra”. Thú thực, những lúc nhà có khách tới ăn cơm, Chi thấy rất ngại vì chén bát cái thì sứt mẻ, cái nứt, cái thì xuống màu...

Chuyện mẹ chồng Chi ăn tiêu hà tiện cả chồng và bố chồng Chi đều biết, cũng đã nhiều lần góp ý với mẹ chồng nhưng không phải ngày một ngày hai mà thay đổi được ngay. Anh Quân, chồng Chi đành an ủi vợ: Anh sẽ cố gắng từ từ nói chuyện để mẹ thay đổi, em chịu khó thêm một thời gian nữa. Chi vừa thở dài vừa nghĩ: Hai người đàn ông quan trọng nhất với mẹ chồng còn phải chờ, huống chi là mình!?

(Theo Khampha.vn)