- Không còn sử dụng những cụm từ có tính “ban ơn”, quyền con người trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã đề cập trực diện, mặc nhiên như phải có.

Đó là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Như Phát, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật (NN&PL) khi đề cập chung những quy định trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

So với cấu trúc Hiến pháp 1992, dự thảo sửa đổi đã đặt chương về quyền con người vào một trong những vị trí quan trọng bậc nhất theo hướng khắc định mạnh mẽ quyền con người.

PGS.TS Phát cho rằng, điểm tích cực lớn mà ông nhận thấy, đó là dự thảo đã khắc phục tư duy “ban ơn” thể hiện trong việc sử dụng ngôn ngữ pháp lý liên quan quyền con người.

Hiến pháp trước kia hay sử dụng các cụm từ “Nhà nước đảm bảo”, “Nhà nước bảo hộ”, “Nhà nước tạo điều kiện”… Ông cho rằng, việc sử dụng ngôn từ như vậy tạo cảm giác “nhà nước ban ơn” cho công dân, chứ không phải mặc nhiên được hưởng các quyền này.

PGS.TS Nguyễn Như Phát (phải)

Thay vào đó, dự thảo Hiến pháp sửa đổi bắt đầu bằng các cụm từ “Công dân có quyền”, “Mọi người có quyền”…

Trong khi đó, PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương, một đồng nghiệp của ông Phát lại mang cảm nhận cơ chế bảo đảm, bảo vệ quyền con người của Nhà nước như dự thảo Hiến pháp sửa đổi quy định vẫn mang tính “bị động”, thậm chí “đối phó”, “cảnh giác”.

Theo bà, Hiến pháp phải ghi rõ cam kết của các cơ quan nhà nước, công chức, nhân viên nhà nước về bảo đảm, bảo vệ quyền con người.

“Trách nhiệm bảo đảm, bảo vệ quyền con người trước hết thuộc về nhà nước và cần được cụ thể hóa cho từng cơ quan nhà nước trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp” - bà Hương nhấn mạnh.

Xung quanh quyền con người và quyền công dân, theo PGS.TS Phát, dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã có sự tiến bộ khi phân biệt rõ ràng, rành mạch hai quyền này, không lẫn lộn, đồng nhất như nêu trong các bản Hiến pháp trước.

GS Chu Hảo, Giám đốc nhà xuất bản Tri thức, bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên, kể cả với giới học thuật nước nhà, chúng ta nhận thức một cách rõ ràng, phân biệt giữa quyền con người và quyền công dân”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, trưởng ban biên tập Hiến pháp 1992, không đồng tình với ý kiến trên. Theo ông Lộc, không thể tách bạch quyền con người và quyền công dân.

“Vì công dân có những quyền đó là bởi họ là con người, nếu không phải là con người thì không trở thành công dân được”.

Lo quyền treo

Một số điều liên quan quyền con người, quyền công dân trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp có những quan điểm đánh giá khác nhau, thậm chí trong chừng mực bị đánh giá thể hiện còn “dè dặt”.

Theo PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, Viện NN&PL, quan điểm tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người chưa được thể hiện một cách rõ ràng, nhất quán trong toàn bộ nội dung bản dự thảo.

Ảnh: Mỹ Hòa

Bà Phạm Thị Lan, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), chỉ ra rằng các quyền tham gia của con người, công dân trong chương 2 mới chủ yếu nói đến quyền tham gia các hoạt động văn hóa. Trong khi, quyền tham gia trong các công ước quốc tế rất rộng, trong đó bao gồm tham gia trong đời sống chính trị, tức là người dân phải có quyền tham gia vào mọi mặt, mọi quyết định ảnh hưởng đến họ..

Dẫn ra điều 26 về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp, biểu tình… PGS.TS Nguyễn Minh Phương, Viện Khoa học tổ chức nhà nước - Bộ Nội vụ, lo lắng có nguy cơ các quyền này trở thành “quyền treo” khi đi kèm điều kiện “theo quy định của pháp luật”.

Bởi, hiện nay, vẫn còn thiếu các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể. Như liên quan biểu tình vẫn chưa có luật biểu tình cụ thể trong khi một số văn bản quy phạm pháp luật khác có phần hạn chế công dân thực hiện quyền này.

“Nhà nước muốn quản lý các hoạt động thực thi quyền của công dân thì phải ban hành luật, chứ không phải ngược lại, công dân muốn thực hiện quyền hiến định của mình thì phải đợi nhà nước ban hành luật” - bà Phương thúc giục.

Trong khi đó, PGS.TS Phát nêu quan điểm cho rằng, liên quan việc đảm bảo quyền, nghĩa vụ công dân như hiến định, Hiến pháp phải có “hiệu lực trực tiếp”.

Mỹ Hòa