- Trao đổi với báo chí tại buổi họp báo "hậu" thi tốt nghiệp THPT năm 2011 diễn ra chiều tối 4/6, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, không bỏ thi tốt nghiệp THPT. Phương án cải tiến thi cử, Bộ vẫn đang tính. Còn năm nay, tỷ lệ tốt nghiệp THPT nếu có giảm Bộ cũng không có sức ép gì...
TIN BÀI KHÁC
Tỷ lệ tốt nghiệp cả nước sẽ cao
- Thưa Thứ trưởng, đề thi năm nay được dư luận đánh giá là dễ. Có khi nào không còn thi tốt nghiệp lần hai nên có sự "tháo khoán"?
Đề thi không lấy chuyện dễ hay
khó làm chuẩn mà đề thi lấy theo yêu cầu chuẩn kiến thức kỹ năng phù hợp với mục
tiêu tiêu giáo dục. Đề thi năm nay được thí sinh và giáo viên nhận xét vừa sức
với học sinh, có độ phân hóa cao.
Theo phản ánh thì với đề thi các
môn năm nay nhìn chung với sức học trung bình có thể đạt 5,6,7 điểm, còn thí
sinh học lực khá, giỏi có thể đạt 8,9,10 điểm.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: "Tỷ lệ tốt nghiệp cả nước năm nay sẽ cao"
Với đề thi như vậy, vừa sức học trò cùng là vừa chuẩn: chuẩn kiến thức kỹ năng, chuẩn mục tiêu giáo dục.
Năm nay đề thi có tăng phần thông hiểu kiến thức của học sinh và được dư luận đánh giá cao.
- Với những nhận xét như Thứ trưởng vừa nêu ra đồng nghĩa với việc tỷ lệ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ cao? Thứ trưởng có thể dự đoán tỷ lệ học sinh tốt nghiệp của cả nước khoảng bao nhiêu %?
Dự đoán thì không dám nhưng qua phản ánh kết quả bài làm của thí sinh thì chắc chắn tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm nay sẽ cao. Cá nhân tôi cũng muốn tỷ lệ tốt nghiệp cao nhưng tỷ lệ cao đó phải đi đôi với chất lượng thật thì "chất lượng thật" đã cố gắng trong mấy năm nay. Đặc biệt trong năm học này có nhiều chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
- Có ý kiến cho rằng, việc ra đề nằm trong "tầm tay " của Bộ GD-ĐT nên dễ tính toán để ra đề học sinh trung bình có thể đậu tốt nghiệp chứ không quá nặng về kiểm tra kiến thức dạy và học như mục tiêu đề ra?
Chúng tôi làm đề không dựa vào trình độ học sinh mà dựa vào mục tiêu của việc dạy học. Việc ra đề thế nào để đảm bảo chất lượng dạy và học thì Bộ đã có chỉ đạo ngay từ đầu năm học, trong đó ghi rõ năm nay việc thi tốt nghiệp thì đề ít nhất phải có 50% số điểm thông hiểu và vận dụng kiến thức.
Sau đây chúng tôi sẽ có đánh giá lại chất lượng đề thi để có rút kinh nghiệm trong năm tới.
Nếu tỷ lệ giảm, Bộ cũng không có sức ép...
- Giả sử kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay giảm so với năm trước thì Bộ GD-ĐT có bị sức ép trước dư luận xã hội không khi mà 4 năm liền tỷ lệ tốt nghiệp luôn tăng? Nếu giảm dư luận lại đánh giá chất lượng dạy và học có vấn đề thì Thứ trưởng nghĩ sao?
Bộ GD-ĐT không có sức ép gì cả. Tôi chỉ có thể nói chung chung là tỷ lệ tốt nghiêp không phản ánh hết chất lượng giáo dục. Vì tốt nghiệp còn phụ thuộc vào đề dễ hay đề khó, thi cử có nghiêm túc hay không...
Mình chỉ cố gắng làm thể nào để học sinh đỗ tốt nghiệp cao, nhưng chất lượng phải thật và thi cử phải nghiêm túc.
- Thứ trưởng có nói "tỷ lệ tốt nghiêp không phản ánh hết chất lượng giáo dục...". Vậy để đánh giá chất lượng thì chắc phải có các cuộc khảo sát độc lập. Vậy với THPT thì Bộ có kế hoạch cụ thể như thế nào?
Bộ đang xây dựng Thông tư để có đánh giá định kỳ chất lượng giáo dục phổ thông bao gồm cả tiểu học, THCS và THPT. Nội dung này sẽ được triển khai trong năm học tới. Và tới đây nếu Thông tư chưa ban hành thì cũng sẽ có khảo sát đánh giá chất lượng học sinh lớp 11.
- Cũng có ý kiến cho rằng, bằng tốt nghiệp bây giờ không giá trị không được như tấm bằng ngày xưa. Và có nghi ngờ bằng tốt nghiệp bây giờ coi như bằng giả thì Thứ trưởng nhận định thế nào về vấn đề đặt ra?
Tùy người thôi chứ không phải tất cả đều có ý kiến như vậy đâu. Tôi nghĩ cũng chỉ có một số ít người nói thế.
Không có lộ đề
- Tin đồn lộ đề thi ở Thanh Hóa rộ mấy năm gầy đây đều xảy ra. Vậy Bộ đã có xác minh?
Năm nào cũng có thông tin lộ đề, nhưng thực tiễn những năm qua cho thấy quy trình làm đề cách ly và có 3 vòng. Từng vòng đều có các đồng chí lực lượng an ninh giám sát nên tôi tin không có chuyện lộ đề. Quy trình này giúp cho việc thực hiện quy chế được tốt hơn đảm bảo bí mật đề thi.
Còn môn Văn thì dễ có tin đồn vì có thể dựa vào vấn đề thời sự để đoán đề Văn - năm nào cũng có tin đồn thế.
Tôi khẳng định đến thời điểm này không có thông tin lộ đề. Nếu để lộ đề thi thì không phải mức độ vi phạm quy chế đơn thuần đâu. Để lộ đề thi là vi phạm pháp luật và xử lí theo pháp luật nên phải có cơ quan điều tra. Bộ GD-ĐT không điều tra được.
Nếu nơi nào có nhiều dấu hiệu rò rỉ đề thi thì sẽ chuyển cơ quan điều tra. Nhưng đến giờ chưa có những dấu hiệu về lộ đề thi.
- Như Thứ trưởng giải thích thì khi đề lộ ra rồi thì mới là vấn đề còn những nguy cơ như "truyền nhau tin nhắn" hoặc thực hiện không đúng quy trình in sao thì Bộ không bận tâm?
Có thể bạn đã nhầm, Bộ GD-ĐT trước thi đã có các đoàn đi kiểm tra để có phương án đề phòng nguy cơ xảy ra chứ không phải là không bận tâm.
Việc phối hợp giữa ngành Công an với ngành giáo dục thuộc trách nhiệm của địa phương. Khi có thông tin ở Hải Phòng bố trí cán bộ in sao đề thi không đúng quy định chúng tôi đã có làm việc và yêu cầu địa phương đứng ra kiểm điểm.
Cải tiến thi cử: Bộ đang tính
- Bộ có tính đến giải pháp giao cho các địa phương tự tổ chức thi theo cụm để tránh những tình trạng đáng tiếc xảy ra như thí sinh bị tai nạn giao thông...?
Việc có giao quyền cho địa phương tổ chức thi tốt nghiệp theo cụm hay không thì Bộ GD-ĐT cũng đang suy nghĩ chưa thể nói ngay được. Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu để có những đổi mới thi cử. Đổi mới thi cử phải đồng bộ với đổi mới phương pháp đánh giá dạy và học có kết hợp kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ, kiểm tra cuối năm học...
Do đó chưa thể nói được lúc nào đưa ra phương án thi mới.
- Có một nội dung liên quan đến quyền dự thi của thí sinh, nhưng dường như Bộ nói nhưng lại không quan tâm nhiều khi mùa thi năm nào cũng có gần trăm học sinh tai nạn giao thông không thể dự thi tốt nghiệp được nữa. Phải chăng Bộ quá chú trọng tới "quy trình bảo mật" hay "con số đẹp" mà quên có nhưng cải tiến thi cử phù hợp?
Vấn đề an toàn giao thông là vấn đề của toàn xã hội chứ không riêng gì ngành giáo dục. Không chỉ thi mới có tai nạn giao thông vì không thi tốt nghiệp vẫn có tai nạn giao thông.
- Nhưng có lý do đổ tại thi cụm nên nhiều thí sinh và giáo viên phai di chuyển một chặng đường xa nên rủi ro khó lường...
Đây cũng là vấn đề ngành giáo dục đang xem xét để có cải tiến thi cử phù hợp.
- Vậy mùa thi năm tới Bộ có hướng đến bỏ thi tốt nghiệp không thưa Thứ trưởng?
Đổi mới thi còn đang trong quá trình xem xét đề xuất, nhưng chắc không có bỏ thi. Vì thế giới không bỏ thi tốt nghiệp
Cảm ơn Thứ trưởng!
-
Kiều Oanh (Ghi)