Ở Quảng Ngãi từ lâu đã xuất hiện những vụ “người rừng” ly kỳ. Người thì sợ “con ma đồ độc” đã trốn biệt tích vào rừng sâu thành người rừng suốt 9 năm. Người thì hoảng loạn trước thảm cảnh chiến tranh đã ôm con trốn vào rừng sâu suốt 40 năm… Tất cả họ phải chống chọi với sự khắc nghiệt nơi rừng thiêng nước độc. 

{keywords}

Ông Đinh Tà Với bên người vợ


20 năm ăn sống nuốt tươi

Thời kỳ chống Mỹ, cũng như nhiều thanh niên dân tộc Hre, ông Đinh Văn En (hiện 72 tuổi, ở xã Ba Cung, huyện Ba Tơ) bị chế độ cũ bắt lính. Ông đi lính bảo an, ở đồn Ba Vì, huyện Ba Tơ.

Sau giải phóng ông En bị đưa đi cải tạo tại trại Kim Sơn, huyện An Lão, Bình Định. Chỉ vì nghe bạn tù hù doạ ông sẽ bị ở tù suốt đời, ông En đã bỏ trốn vào rừng sâu.

Ông En mang theo 20 viên đá lửa làm hành trang cùng chiếc xoong nhỏ trốn vào rừng thẳng hướng Quảng Ngãi. Hơn một tháng sau ông đến vùng núi huyện Sơn Hà. Có lần lén về nhà thì nghe tin vợ đã đi lấy chồng khác, ông tiếp tục chọn cánh rừng Sơn Nham của huyện Sơn Hà để “định cư”.

Hàng ngày, En mò ra các rẫy lúa của đồng bào Hre để trộm cắp, lúc thì trái bắp, khi thì quả bí, quả bầu. Tối lại, ông chui vào các hang đá qua đêm, nếu mùa mưa, ông chọn những thân cây to, có ba chạc để “ngủ úp” trên đó nhằm tránh thú dữ.

Chỉ qua một mùa mưa, bộ quần áo tù mà En mang theo đã rách tả tơi. Ông lại ra rẫy đồng bào, lấy áo rách của “bù nhìn” mà dân dùng để đuổi chim để mặc. 20 viên đá lửa ông mang theo, sau 1 năm là hết nhẵn.

Có một dạo, dân Sơn Nham đồn ầm lên về việc xuất hiện “người rừng”, đồng bào đi rẫy tận mắt nhìn thấy có một người tóc rất dài, trên người không một mảnh vải…

Chỉ cần nghe tiếng động là “người rừng” ấy biến rất nhanh. Năm 1998 trong lúc lực lượng kiểm lâm huyện Sơn Hà truy quét lâm tặc thì phát hiện đuổi theo bao vây bắt được “người rừng” Đinh Văn En.

Sau gần 20 năm ông dường như quên tiếng Kinh và H’re. Điều kỳ lạ là từng ấy năm ăn sống nuốt tươi nhưng ông En chưa một lần bị ốm!

Thành “người rừng” vì hủ tục


Vượt qua chặn đường gần 100 km từ TP Quảng Ngãi lên thôn Tà Cơm, xã Sơn Thuỷ, huyện Sơn Hà để gặp ông Đinh Tà Với, 53 tuổi. Ông Với từng có quãng thời gian 9 năm là “người rừng”.

Trong căn nhà sàn khá ấm cúng, ông Với và vợ Đinh Thị Rỗi quanh quẩn chăm sóc nhau khi con cái đều lập gia đình sống riêng. Thấy người lạ, ông Với cặm cụi đút củi vào bếp lửa.

Bà Đinh Thị Rỗi cho biết ông Với rất siêng năng làm việc, giúp bà con trong làng. Chuyện vui chơi, ăn nhậu, ông Với đều không thích và lảng tránh mỗi khi trong làng tổ chức lễ.

"Sau khi bắt ông Với từ trên rừng về, tôi và các con phải chỉ dẫn, tập cho ông nhớ lại từng tiếng H're, tập cách vệ sinh, sinh hoạt gia đình… Sau 4 năm trở lại người bình thường, ông Với vẫn nhớ rừng núi. Vợ chồng tôi làm một cái rẫy trên núi Tà Cơm. Hàng ngày ông Với lên trên đó làm rẫy nuôi trâu, có đêm ngủ lại trên rẫy canh thú rừng” bà Rỗi kể.

Cũng vì hủ tục nghi kỵ cầm đồ thuốc độc mà cách 14 năm xảy ra biến cố với ông Với. Năm 1999, một lần ông Đinh Tà Với phát hiện trâu của mình bị trúng bẫy thú rừng.

Chủ nhân của cái bẫy trên là một người dân tộc H’re sống trong làng. Nhiều người xầm xì cho rằng chủ nhân cái bẫy giết con trâu đang có "đồ độc" và tìm hại ông Với. Cũng từ đó, mỗi lần gặp mặt người này ông Với rất sợ. Sợ đến mức ông phải bỏ nhà đi biệt tăm.

5 tháng sau, ông được người chị ruột tìm thấy dẫn về nhà. Được vài hôm, gia đình ông tổ chức lễ khánh thành về nhà mới, cũng tại đây gặp người đàn ông nghi có đồ độc, ông Với sợ sệt, hoảng loạn.

Vài ngày sau, vào đêm khuya, khi mọi người trong làng đều yên giấc ông Với lại bỏ nhà ra đi biệt tăm. Cả trăm người ở làng Tà Cơm đi tìm ông ròng rã gần 6 tháng trời, nhưng tất cả đều vô vọng. Cả làng xem như ông Đinh Tà Với đã bị núi rừng bắt đi.

Năm 2008, một số người ở xã Sơn Thuỷ, Sơn Kỳ và Sơn Hải (huyện Sơn Hà) đi vào khu rừng phía sau đỉnh núi Tà Cơm, phát hiện có một "người rừng" râu tóc dài, không mảnh vải che thân.

"Người rừng" dùng dao, rựa tấn công lại nên ít ai dám tới khu rừng rậm này. Ngày 4-8-2008, nhiều thanh niên khoẻ mạnh trong làng đã khống chế người rừng khi đang ở trong một hang núi.

Lúc này nhìn kỹ mới nhận ra là ông Đinh Tà Với người mất tích 9 năm qua. Khi về lại nhà ông Với cứ gầm rú như một con thú, không nói được, không ăn uống, mặc quần áo vào là ông xé toang.

Trước tình hình đó, chính quyền địa phương dùng xe ôtô của Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà đưa thẳng ông Với xuống Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi điều trị. 

Nhờ sự chăm sóc tận tình của y, bác sĩ của bệnh viện và người thân trong gia đình, ông Đinh Tà Với đã bắt đầu phục hồi lại các bản năng tự nhiên của con người.

Vì những nguyên nhân khác nhau, những con người bình thường trở thành “người rừng”. Đến khi chúng ta đưa họ về cuộc sống hiện đại, họ lại phải đối diện muôn vàn lạ lẫm, khác biệt. 

Nhưng dù sao việc đưa họ về với cộng đồng là hợp lý. Có lẽ phải mất thời gian dài, họ mới quen dần, hoà nhập cuộc sống mới.

(Theo An ninh thủ đô)