- Trao đổi bên hành lang QH sáng nay, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm cho biết ông không chờ đợi những lời hứa "chỉ nhăm nhăm để hứa" mà mong các bộ trưởng nhận định vấn đề sáng rõ và đưa ra giải pháp khả thi.
>> Sao Bộ lại để các trường lừa như vậy?'
>> Không cho nước ngoài thuê thêm rừng
>> Bộ trưởng Thăng không thể nói bao giờ hết tắc đường
Là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời là thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, ông Cao Sĩ Kiêm chia sẻ nhận định sau khi theo dõi một ngày rưỡi chất vấn tại QH.
Không quy trách nhiệm mà phải tìm giải pháp
- Ông thấy các bộ trưởng mới nhậm chức thể hiện thế nào trong các phiên chất vấn?
Quyết tâm thực hiện nhiệm vụ của họ là có, và cũng đã nêu được một số giải pháp mà cử tri cần cũng như Quốc hội mong đợi. Nhưng nhìn chung, do lần đầu tiên trả lời chất vấn nên những vấn đề cử tri cần giải thích, giải đáp ngay lại bị họ nói lòng vòng, không rõ ý.
Câu hỏi là tình hình như vậy, nhận định ra sao, giải pháp thế nào thì họ chưa đi được vào vấn đề. Từ đó làm người nghe không thoải mái, mất thì giờ của diễn đàn.
Ông Cao Sĩ Kiêm: Mong Bộ trưởng Huệ, Thống đốc Bình giải đáp được bức xúc của đại biểu và cử tri. Ảnh: Minh Thăng |
- Khi trả lời chất vấn, họ đã thể hiện được cá tính của mình như khi phát biểu bên ngoài hội trường chưa, theo ông?
Cũng chỉ một phần thôi. Có người điều hành giỏi, kiên quyết, dứt khoát nhưng khi khái quát vấn đề lại lúng túng trong cách diễn đạt.
- So với phiên chất vấn của Bộ trưởng Cao Đức Phát, một người rất giàu kinh nghiệm, thì sao?Bộ trưởng Phát là người đi đến cùng những giải pháp và những vấn đề lớn của tam nông như giữ đất lúa, bảo vệ rừng, đưa giống mới, tiến bộ kỹ thuật vào nông nghiệp... Ông có khả năng khái quát vì nắm vấn đề nhuần nhuyễn, trả lời nhiều lần, nên đi vào vấn đề một cách cơ bản, dù lĩnh vực rất rộng lớn. Cách diễn đạt thì rủ rỉ, thận trọng, chắt lọc.
Nắm không vững sẽ hỏi không trúng
- Là chuyên gia tài chính, ngân hàng và kinh tế, ông mong đợi gì ở phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ và Thống đốc Ngân hàng Ngân hàng Nguyễn Văn Bình?
Đây là hai lĩnh vực nóng bỏng, kể cả việc thực hiện cơ chế kinh tế và quản lý kinh tế. Hai vị đều là những người có nghề, công tác lâu năm, nắm vấn đề có hệ thống, rất mong họ giải đáp được những bức xúc của ĐB và cử tri.
- Ông có định chất vấn trực tiếp hai vị này?
Tôi đã trao đổi trực tiếp, dài hơi, chi tiết và mang tính chuyên môn hơn, họ cũng dễ tiếp thu và thuận lợi hơn khi trình bày, tranh luận lại. Trao đổi tại hội trường thường không sâu cho cả người hỏi và người trả lời, chỉ có thể mang tính chắt lọc. Đây là chuyên ngành sâu mà nếu người hỏi không nắm vấn đề sẽ hỏi không trúng, khó cho người trả lời.
- Cách điều hành của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, trong đó có những lúc liên tục ngắt lời ĐB để chỉnh đốn cách hỏi, theo ông có hợp lý?
Điều hành như vậy thì tập trung hơn, hướng nghị trường vào những vấn đề chính, sát chủ đề, nội dung, nhưng lạm dụng quá sẽ làm mất tính chủ động, đối chất của người hỏi và người trả lời.
- Cách đặt câu hỏi của ĐB thì sao?
Nhiều ĐB đặt câu hỏi còn dài dòng, giải thích, dẫn dắt nhiều, vừa mất thì giờ, vừa không rõ nghĩa. Muốn hỏi câu gì nên hỏi thẳng, không cần giải thích tại sao hỏi. Nhiều người hỏi, hỏi liên tục, mà ai cũng hỏi như vậy người trả lời sẽ không thể khái quát các vấn đề cần trả lời. Bộ trưởng Cao Đức Phát có nói ghi được 3 trang câu hỏi, nhưng các câu hỏi lặp lại, chỉ xoay quanh một vài vấn đề.
- Nhiều ĐB cũng mong nghe được lời hứa từ các bộ trưởng, còn ông?
Tôi không chờ đợi những lời hứa "chỉ nhăm nhăm để hứa", quan trọng là họ nhận định vấn đề có sáng rõ không, đưa ra giải pháp có khả thi không. Còn hứa nhiều mà không có giải pháp thực thi thì không có tác dụng gì.
Thủy Chung