- "Khi xác định an toàn người dân là ưu tiên số 1 thì phải tính tới cả phương án phá bỏ đập vì không có chi phí nào lớn hơn tính mạng của người dân", Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, công nghệ và môi trường QH Lê Bộ Lĩnh nói về sự cố ở Thủy điện Sông Tranh 2.


Ngay sau các tuyên bố khẳng định đập thủy điện Sông Tranh vẫn an toàn thì vừa qua lại liên tiếp xảy ra các trận động đất cường độ lớn khiến người dân bất an. Theo ông, nên ứng phó vấn đề này thế nào?

- Việc cần làm sớm của Nhà nước hiện nay là phải đưa ra được phương án cụ thể ứng phó với tình hình động đất, nhất là phải giải thích một cách đơn giản, dễ hiểu để trấn an người dân. Đó là, với mức động đất dưới 5 độ richter và với tần suất như hiện nay thì vẫn trong tầm kiểm soát.

Cơ quan chức năng phải cam kết nếu như kết quả đánh giá có động đất lớn hơn mức cho phép thì phải có phương án di dời dân.

Việc di dời đến đâu phải có sự thống nhất giữa chủ đầu tư, chính quyền địa phương và người dân, chứ không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc huấn luyện bà con phòng tránh động đất.

Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, công nghệ và môi trường QH Lê Bộ Lĩnh. Ảnh: Lê Anh Dũng

Thưa ông, nhưng đập thủy điện tại đây không có cửa xả đáy nên để khắc phục sẽ khó, vậy nên tính tới phương án nào để đảm bảo an toàn cho dân?

- Việc đập thủy điện Sông Tranh 2 không có cửa xả đáy nên lúc nào cũng có mực nước 140m và vì thế động đất kích thích có thể không chấm dứt và người dân không thể “sống trong sợ hãi” từ đời này sang đời khác.

Phương án xử lý trong tình huống này chỉ có thể là tính tới phá bỏ đập thủy điện hoặc di dời toàn bộ người dân trong vùng chịu ảnh hưởng.

Việc di dời toàn bộ người dân là điều rất khó thực hiện vì cần diện tích tái định cư lớn, tiền hỗ trợ người dân khổng lồ, tìm việc làm mới và còn phát sinh vô vàn vấn đề khác nữa.

Phương án thứ hai là đập bỏ đập thủy điện Sông Tranh 2. Biết là "của đau con xót” khi mất trắng 5.100 tỷ đồng. Nhưng đau một lần để không kéo dài sự lo lắng dai dẳng của người dân.

Theo ông nên chọn cách nào?

- Quan điểm của QH, Chính phủ cũng như chính quyền địa phương là đặt an toàn của người dân lên trên hết. Đây là mục tiêu số 1.

Mục tiêu phát điện chỉ đứng thứ hai. Khi chúng ta đã xác định an toàn người dân là số 1 thì phương án nào là tốt nhất thì chúng ta sẽ chọn, kể cả trong trường hợp phải phá bỏ đập vì không có chi phí nào lớn hơn tính mạng của người dân.

Vấn đề hiện nay là các cơ quan chức năng, cơ quan khoa học tập trung công sức, nhân lực, phương tiện để sớm có kết luận về sự an toàn của đập.

Đồng thời cần sớm đưa ra phương án tối ưu như dừng hoạt động thủy điện trong một thời gian để nghiên cứu, đánh giá đầy đủ.

Hiện nay cho dù không tích nước nhưng do không có cửa xả đáy nên vẫn còn lượng nước rất lớn trong lòng hồ?

- Chính vì thế phải tính tới việc bổ sung cửa xả đáy và đưa ra phương án ứng phó là sự cố xấu nhất, không để xảy ra đột ngột.

Tuy nhiên, không đơn giản vì ảnh hưởng thiết kế tổng thể và cần có một hội đồng khoa học hàng đầu nước ngoài đánh giá.

Trong trường hợp động đất không vượt ngưỡng cho phép nhưng liên tục kéo dài, không dừng lại thì giải quyết ra sao, thưa ông?

 Chính phủ đang yêu cầu bộ ngành chức năng mời các nhà khoa học hàng đầu nước ngoài đánh giá, xác minh rõ. Vì chưa hẳn chỉ là động đất kích thích mà phải làm rõ thêm có tác động thêm từ động đất kiến tạo. Bằng mọi cách phải làm rõ một cách khoa học, đặt lên bàn mọi tình huống.

 Cá nhân ông có thấy yên tâm với tuyên bố của Bộ trưởng Xây dựng là người dân cứ yên tâm, không phải đi đâu cả?

- Không thể nói yên tâm là xong mà phải có giải thích một cách cặn kẽ, dễ hiểu và đưa ra các phương án, cam kết cụ thể. Nếu không thì việc người dân băn khoăn, lo lắng là xác đáng.

Ngọc Lê (ghi)