- Không có con người hạnh phúc sẽ không thể có quốc gia hạnh phúc; không có quốc gia  hạnh phúc sẽ không thể có quốc tế hạnh phúc. 

Hạnh phúc là gì? Câu hỏi này đã được nhiều người, nhà khoa học phân tích theo các khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, muốn lý giải cội nguồn, bản chất của hiện tượng hạnh phúc con người, cộng đồng, quốc gia, quốc tế, cần phải tìm ra “sự thật” của nó, tức hạnh phúc thật sự.

Hạnh phúc là khái niệm bao hàm các thuật ngữ “hạnh” và “phúc”. Theo Từ điển tiếng Việt [1], thì hạnh là muốn nói đến “nết tốt của người phụ nữ”, tức sự ước muốn điều tốt về “nết” của con người; phúc là muốn nói đến “điều may lớn, điều mang lại những sự tốt lành”, tức sự ước muốn đạt được điều tốt lành của con người; còn hạnh phúc là “trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện”, tức cả sự ước muốn điều tốt lành và nết tốt của con người đều đạt được ý nguyện. 

{keywords}
Con người hạnh phúc mới có quốc gia hạnh phúc. Ảnh minh họa

Tuy nhiên,trong đời sống thực tế, không phải mọi ước muốn của con người đều hoàn toàn đạt được ý nguyện. Hạnh phúc thật sự chỉ có thể đạt được cả ở lời nói ước muốn, việc làm, vừa lời nói, vừa việc làm thật sự của con người, hay đạt được cả về mục tiêu ước muốn, phương pháp thực hiện (thực hành) hay hành động, và nguyên tắc cân đối, cân bằng giữa chúng.

Theo đó, hạnh phúc thật sự có thể được nhìn nhận tương tự như con đường dài vô tận. Trong đó, mục tiêu ước muốn biểu hiện ở hình thức “độc lập” nhân quả (trước-sau), phương pháp thực hiện mục tiêu biểu hiện ở tính chất “đối lập” song hành (phải - trái), còn nguyên tắc đạt được mục tiêu biểu hiện ở hình thức, tính chất độc lập, đối lập cân bằng (ở giữa), hay sự thật của con đường hạnh phúc.

Tức là, trong con đường hạnh phúc, thì hình thức độc lập nhân quả là đề cập tới nguyên nhân và kết quả đạt được cân đối với nhau; tính chất đối lập song hành là đề cập tới hành động và lời nói ước muốn đạt được cân bằng với nhau. Còn độc lập nhân quả, đối lập song hành là vừa đề cập tới lời nói ước muốn, vừa đề cập tới hành động đạt được thật sự, tức nói thật, làm thật, vừa nói thật vừa làm thật. Con người nói (hứa) thật nhưng hành động (làm) không thật, hoặc hành động thật nhưng nói không thật vẫn bị coi là con người giả dối, tức lời nói, hành động, sự ước muốn vẫn không trở thành hiện thực, hay hạnh phúc đạt được không thật sự.

Nhìn nhận, so sánh thể trạng con người sống trong tự nhiên cho thấy rằng, con người hạnh phúc tương tự con người tồn tại ở 37℃. Theo đó, trong con người hạnh phúc, thì hiện tượng hạnh có thể được coi như phần “thân” - lạnh (30℃); hiện tượng phúc được coi như phần “đầu” - nóng (70℃); còn hạnh phúc được coi như phần “cổ” - cân bằng giữa lạnh và nóng(37℃). Tức con người tồn tại hạnh phúc thật sự khi được bảo đảm cân đối, cân bằng, hài hòa về môi trường sống trong tự nhiên.

Nhìn nhận, so sánh thực trạng cộng đồng người sống trong xã hội cho thấy rằng, cộng đồng người hạnh phúc tương tự cộng đồng tồn tại ở Trái Đất quay vòng. Theo đó, trong cộng đồng người hạnh phúc, thì hiện tượng “hạnh” có thể được coi như cộng đồng lao động, tức Trái Đất quay vòng và chuyển động cân bằng; hiện tượng “phúc” được coi như cộng đồng hưởng thụ, tức Trái Đất quay vòng và bất động cân đối; còn hạnh phúc của cộng đồng được coi như cộng đồng cân đối, cân bằng về lao động và hưởng thụ, tức Trái Đất quay vòng vừa bất động cân đối, vừa chuyển động cân bằng ở giữa Mặt Trời và các hành tinh, vệ tinh, thiên thạch trong Vũ Trụ.

Như vậy, bảo đảm sự cân đối, cân bằng, hài hòa về môi trường sống trong tự nhiên, sự công bằng, bình đẳng thật sự về lao động và hưởng thụ phúc lợi trong quốc gia được coi là cội nguồn hạnh phúc thật sự của cộng đồng con người.

Hạnh phúc thật sự của quốc gia (quốc gia hạnh phúc), hay thước đo chỉ số Tổng hạnh phúc quốc gia là phụ thuộc vào cộng đồng người được bảo đảm cân đối, cân bằng, hài hòa về môi trường sống trong tự nhiên, sự công bằng, bình đẳng thật sự về lao động và hưởng thụ phúc lợi trong quốc gia. Điều này cũng đúng khi mở rộng ra trên phạm vi quốc tế, toàn cầu. Quốc tế hạnh phúc hay thước đo chỉ số Tổng hạnh phúc toàn cầu là phụ thuộc vào hạnh phúc thật sự của mỗi con người, cộng đồng, quốc gia và toàn cầu.

Những điều phân tích nêu trên cũng cho thấy rằng, không có con người hạnh phúc sẽ không thể có quốc gia hạnh phúc; không có quốc gia  hạnh phúc sẽ không thể có quốc tế hạnh phúc. Nói cách khác, người hạnh phúc nhất là người làm cho nhiều người khác được hạnh phúc; quốc gia hạnh phúc nhất là quốc gia làm cho nhiều quốc gia khác được hạnh phúc; quốc tế hạnh phúc nhất là cộng đồng các quốc gia cùng nhau hợp tác, đoàn kết làm cho loài người và muôn loài vật khác được tồn tại cân đối, cân bằng, công bằng, bình đẳng thật sự trong Trái Đất này.

Nguyễn Hữu Đổng, Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

------ 

[1] Viện Ngôn ngữ học (Nhà xuất bản Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học) xuất bản năm 2005