- Trong một thế giới cạnh tranh, nếu như doanh nghiệp CNTT Việt Nam không thể cạnh tranh được với các công ty đa quốc gia thì không thể đề cập đến chuyện thành công hay không. GS Michael Dukakis bàn về khả năng thành công của các doanh nghiệp CNTT Việt Nam khi tiến ra sân chơi quốc tế.

{keywords}
Giáo sư Michael Dukakis.

Chia sẻ tại cuộc gặp gỡ nhân chủ đề "Để CNTT Việt Nam vươn ra thế giới" chiều 8/4 tại Hà Nội, Giáo sư Michael Dukakis của Đại học Harvard (Mỹ) cho biết, Massachussette hiện là tiểu bang nhận được nguồn ngân sách nghiên cứu và phát triển (R&D) từ Chính phủ Mỹ nhiều hơn bất cứ bang nào khác là nhờ sự hiện diện của những ngôi trường danh tiếng như Harvard, MIT...

Các trường Đại học đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thu hút và giữ chân các tài năng, cũng như thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài, Giáo sư khẳng định. Ông tin rằng Việt Nam cũng có cơ hội tương tự để xây dựng một nền giáo dục đại học tiên tiến. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó thì trước hết, Chính phủ cần có trách nhiệm đầu tư một hệ thống hạ tầng hàng đầu bao gồm đường xá, tàu điện ngầm, các trường học mới, các cơ sở nghiên cứu hiện đại. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần xây dựng những chương trình đào tạo "theo kịp thời đại".

Đối với nguy cơ chảy máu chất xám mà nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, gặp phải, Giáo sư cho rằng Chính phủ Việt Nam cần tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam đến Mỹ học tập có cơ hội quay trở về và tham gia vào những ngành nghề chủ chốt, những lĩnh vực cần nhiều chất xám, trình độ cao và có mức thu nhập tương xứng. Ông đề xuất một giải pháp là xây dựng những dự án nghiên cứu, hợp tác chung giữa Việt Nam và Mỹ, chẳng hạn như dự án Đại học Quốc gia TP.HCM hợp tác cùng Đại học ULCA về công nghệ nano và khoa học vật liệu, một chương trình thí điểm mà Giáo sư đánh giá là "tương đối thành công".

Những dự án song phương này sẽ thu hút được sinh viên Việt Nam quay trở về nước và cần được nhân rộng mô hình hơn nữa, Giáo sư nhấn mạnh, nhất là khi chúng có thể mang lại lợi ích cho cả hai nước. Thậm chí, nếu như Việt Nam ngày càng mạnh hơn về khoa học, giáo dục thì không gì có thể ngăn cản Việt Nam thu hút sinh viên từ các nước khác trong châu Á đến học tập, nghiên cứu.

"Chảy máu chất xám là một bài toán đòi hỏi những chính sách giải quyết không hề đơn giản", Giáo sư chia sẻ. Ở Mỹ, khi phải cấp học bổng cho một sinh viên thì nhà trường hoặc Chính phủ sẽ yêu cầu sinh viên đó phải phục vụ trong một lĩnh vực xã hội, thiện chí trong thời hạn 5 năm. Nói cách khác, phải có những chính sách ràng buộc cụ thể đi kèm với quyền lợi. Tất nhiên, sự ràng buộc cũng phải thận trọng, vì yêu cầu các tài năng xuất sắc nhất quay trở về nước làm việc là không dễ, khi mà họ có thể tìm được các công việc với thu nhập rất cao ngay trên đất Mỹ.

Bàn về khả năng thành công của các doanh nghiệp CNTT Việt Nam khi tiến ra sân chơi quốc tế, Giáo sư cho rằng, trong một thế giới cạnh tranh, nếu như doanh nghiệp VN không thể cạnh tranh được với các công ty đa quốc gia thì không thể đề cập đến chuyện thành công hay không. Trên thực tế, không một quốc gia nào cố tình dựng lên các rào cản để ngăn không cho doanh nghiệp này, doanh nghiệp khác vào kinh doanh. Vấn đề chính nằm ở năng lực cạnh tranh của bản thân công ty đó mà thôi.

Giáo sư Michael Stanley Dukakis sinh ngày 3/11/1933. Ông là người gốc Hy Lạp, từng làm Thống đốc bang Massachusetts 2 nhiệm kỳ trong khoảng thời gian 1975-1979 và 1983-1991. Ông là vị thống đốc tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử tiểu bang này và là vị thống đốc gốc Hy Lạp thứ hai trong lịch sử nước Mỹ, sau Thống đốc Spiro Agnew. Năm 1988, ông từng là ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ nhưng thất bại trong cuộc tranh cử trước ứng viên George H.W. Bush của đảng Cộng Hòa. Ông hiện là Giáo sư của Đại học Harvard danh tiếng của Mỹ.

Y Lam