– “Tết sếp” là đề tài nóng mỗi dịp Xuân về, nhưng lại “nhạy cảm” nên thường chỉ được bàn tán râm ran trong nội bộ nhân viên cơ quan. Nhiều người (chủ yếu là công chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước) đã chia sẻ về những câu chuyện “bi hài” xung quanh việc đi Tết sếp. Có người không đi Tết sếp bị cả cơ quan gán cho các cụm từ: “dở hơi, kỳ quặc, khinh người”.

 

Bị quy kết là người “kỳ quặc”


Đã từng làm việc trong một cơ quan tư nhân và nay đang làm việc cho một cơ quan “đặc Nhà nước”, chị Xuân mô tả một khác biệt điển hình giữa 2 cơ quan này nằm ở chuyện đi Tết sếp.

 

Cơ quan đầu (tư nhân) của chị Xuân được mô tả “có môi trường làm việc thoải mái, tự do nhưng vẫn hiệu quả, nhân viên không phải nịnh sếp trong công việc lẫn đời sống hàng ngày. Tết đến không phải lo quà cáp biếu xén, đầu xuân toàn bộ nhân viên còn được sếp lì xì”.

 

Nhưng khi vào Nhà nước, và đặc biệt là dịp Tết đến, sự khác biệt này thể hiện rất rõ ràng: “Mỗi dịp Tết đến xuân về, cả cơ quan nhộn nhịp bàn tán và chuẩn bị đi Tết sếp. Có người đi một lúc 2 đến 3 sếp, từ sếp bé đến sếp nhỡ rồi sếp to. Ai cũng chọn “quà độc” để muốn làm sếp ngạc nhiên, hài lòng.
 

Có người không đi tết sếp bị đồng nghiệp coi là dở hơi. Vì đi tết sếp (không thích vẫn đi) hình như đã trở thành một nét "văn hóa" của người Việt (Ảnh minh họa từ Internet)


Sau đó tất cả phải chầu chực để gọi điện hẹn đến nhà sếp, chưa kể phải “lấp ló” đứng ngoài cổng “rình” người bên trong đi ra rồi mới đến lượt mình. Vào nhà sếp rồi thì ngoài sếp ra còn phải nịnh tất cả những gì thuộc về sếp, từ bố mẹ, vợ con đến đồ đạc, thậm chí vật nuôi trong nhà”.

Điều “thú vị” là trong cùng một cơ quan (Nhà nước), tất cả cán bộ nhân viên đều hỏi han nhau chuyện tặng quà sếp để tránh “đụng hàng” hoặc để “biết người biết ta” mà chuẩn bị, nhưng theo chị Xuân, còn một nguyên nhân sâu xa khác: Mỗi người dù rất mệt mỏi với chuyện quà cáp cho sếp nhưng trong đó có một nhhóm vì những mục đích “lớn hơn” nên bao giờ cũng muốn quà của mình hoặc là phải lạ hơn, độc hơn, hoặc là phải “to” hơn quà của những người khác! Có như vậy mới “gây ấn tượng” được với sếp.

“Không biết thói quen này có từ đâu nhưng có làm trong Nhà nước mới thấy điều này rất đỗi là phổ biến”, chị Xuân nhận định.

Nghe chị Xuân kể chuyện riêng tư mà nhiều công chức cũng thấy hình ảnh của mình trong đó. Chị Xuân cho biết chị “chịu đựng” được cảm giác khó chịu, giả tạo này trong vòng 3 năm. Đến năm thứ 4 thì đành bỏ cuộc.

 

“Người trong cơ quan thấy tôi không đi tết sếp đều bảo tôi là kẻ “kỳ quặc, khinh người, dở hơi”. Tôi cũng chấp nhận hết. Tôi ghét cái cảm giác đau đầu không biết mua gì cho vừa túi tiền mà lại hợp ý sếp; ghét cảm giác đứng ngoài cửa rình đồng nghiệp ra để đến lượt mình vào; ghét cả cái cảm giác phải cười nói thớ lợ rồi nịnh bợ sếp dù sếp chẳng ra gì. Tôi đang tính bỏ Nhà nước, trong đó gánh nặng đi tết sếp là một trong những nguyên nhân khiến tôi quyết định như vậy”, chị Xuân nói.

 
Muốn lên chức to thì quà phải to
 

Nhiều người đi Tết sếp truyền tai nhau câu nói quen thuộc: "Muốn lên chức to thì quà phải to"

Trên các diễn đàn và các trang web giới thiệu hàng cao cấp dịp Tết, đã có không ít người thắc mắc: “Chồng mình đang ngấp nghé cái ghế trưởng phòng, năm nay chưa biết mua gì tặng sếp. Xin mọi người tư vấn”.

Như tìm được sự đồng cảm, có không ít ý kiến góp ý giúp đỡ thân chủ. Đại đa số ý kiến đều cho rằng chức trưởng phòng thì cũng phải “đầu tư kha khá”, nên chi “mạnh tay một chút”.

Theo đó, ngoài phong bì thì những thức quà nên được nhắm tới là bia ngoại (như chimay xanh, giá 2,5 triệu/thùng), rượu ngâm nhung hươu giá từ 3-10 triệu (tùy vào kích cỡ bình rượu). Ngoài ra có thể là linh chi, nhân sâm Hàn Quốc chính hiệu.

 

Những mặt hàng có nguồn gốc từ quê tuy quý nhưng hơi “bình dân” quá trong một dịp như Tết Nguyên đán nên hầu hết đều không được ưu tiên.

 

Đặc biệt, với những sếp “mê tín” thì những món đồ cũng cần lựa chọn rất kỹ càng. Nhiều gợi ý dẫn đến món quà là một đôi kỳ hươu bằng ngọc (giá trên 10 triệu/đôi). Với gợi ý của mình, các thành viên trên diễn đàn trực tuyến này đều hồ hởi chúc các ông xã “nhanh chóng lên sếp để bà xã được ngồi nhà nhận quà”.

 

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp cho rằng, khi tặng quà sếp thì sự chân thành phải đứng hàng đầu (ngay cả khi muốn thăng chức) vì sếp không thiếu tiền, không thiếu rượu. Vì thế, nếu là người Bắc thì tặng mai mà người Nam thì tặng đào hoặc bất kể cái gì là đặc sản của quê hương, gia đình mình cũng đều có thể chọn làm quà biếu.

 

  • Cẩm Quyên

(còn nữa)

>> Săn quà tặng "khủng" tặng sếp dịp Tết