Tham nhũng tiếp tục là chủ đề nóng với hàng loạt vụ việc lớn nhỏ xuất hiện gần đây. Trong mỗi vụ việc, thường người dân và DN thường là nạn nhân. Chính vì thế, mỗi khi có cơ hội bày tỏ, các nạn nhân luôn kêu ca về tệ nạn sách niễu, tham nhũng.

Bức xúc là vậy nhưng nhiều khi chính DN và người dân lại tự biến mình thành thủ phạm vì luôn tự cảm thấy, không đưa phong bì, không bôi trơn, không hối lộ là không xong việc. Làm việc không có phong bì là không yên tâm.

Có tới 50% vụ tham nhũng xảy ra ở các doanh nghiệp (DN), những vụ còn lại tuy không xảy ra ở DN nhưng hầu hết cũng liên quan đến DN” một thông tin gây chú ý mới được công bố tại một buổi tọa đàm về chủ đề “minh bạch” mới được tổ chức mới đây ở Hà Nội...

Tuy nhiên, theo nhiều người đây lại là một thông tin không… mới. Trên thực tế, hầu hết các vụ tham nhũng gần đây đều có “yếu tố DN”, lãnh đạo DN trực tiếp tham nhũng, biển thủ công quĩ để tiêu xài đã đành, còn rất nhiều vụ tham nhũng có liên quan đến quan chức và công quyền cũng đều dính đến “yếu tố DN”.

{keywords}

Trong khảo sát mới đây của thanh tra Chính phủ với Ngân hàng Thế giới, trước câu hỏi “DN hành động gì khi gặp vướng mắc với cơ quan nhà nước” thì có tới hơn một nửa trả lời là dùng mối quan hệ để tác động - kèm theo đó là phong bì, quà cáp để “giải quyết cho được việc”.

Đáng chú ý đến 2/3 tổng số DN cho rằng họ đã “chủ động” bởi không có những “yếu tố” này thì việc sẽ hỏng! Rõ ràng, trong những trường hợp này DN đã kiêm luôn cả 2 vai: nạn nhân và thủ phạm của tham nhũng.

Thực tế, bên cạnh việc cố tình hối lộ để vụ lợi hay bị ép buộc đưa hối lộ mà ở đó các DN là nạn nhân thì không ít các DN đã tự biến mình thành thủ phạm bởi luôn bị ám ảnh, không phong bì bôi trơn, không hối lộ thì không yên tâm, không được việc. Nỗi ám ảnh đã biến thành một thói quen, một phản xạ có điều kiện… Thói quen này giờ trở thành một chuyện bình thường, thậm chí nó trở thành một khái niệm toàn dân mà nói đến hai từ “phong bì” là ai cũng hiểu và phải làm thế nào.

Vì thế, cho dù không ít cơ quan công quyền đã có qui định và viết biển hiệu hẳn hoi tại các trụ sở giao dịch ngăn cấm chuyện “bồi dưỡng”, thậm chí có những ngành nhạy cảm ra hẳn tuyên ngôn, chính sách và lời thề thì chuyện bồi dường, phong bì vẫn cứ diễn ra ngay dưới mỗi câu khẩu hiệu, bảng chính sách hay lời cam kết được đề ra.

Thậm chí, đôi khi vỡ chuyện, người ta còn biện ra một lý do là xong việc được cảm ơn thì không nỡ từ chối và khi dân đã tự nguyện đưa thì không thể xem đó là vi phạm, là tội.

Nói thế cũng chỉ là nói lấy được, để che dấu cho hành vi sai trái, đáng xấu hổ vì chưa ai trả lời rằng, tại sao nhiều doanh nghiệp và người dân vẫn bị ám ảnh bởi chuyện này và luôn cảm thấy bất an, “có lỗi” nếu không có phong bì để giải quyết công việc. Vậy mới hiểu, tại sao bao nhiêu khẩu hiệu, chính sách… đề ra, bao nhiêu hình thức kiểm tra, ngăn ngừa cũng trở nên vô hiệu vì đưa phong bì đã được biến thành một phản xạ, một thói quen.

Ngẫm ra, để hình thành nên được thói quen đó trong DN và người dân quả là một kỳ công và qua bao nhiêu thời gian và tất nhiên khi đã rất kỳ công mà bỏ đi thì cũng khó, ai cũng tiếc.

Tâm Thời