Là phụ huynh hai trẻ 6 và 10 tuổi, anh Trần Vụ, ngụ quận 7, TP.HCM thường xuyên phải để mắt đến hoạt động của con. "Vì tính chất công việc của vợ, tôi là người đảm đương chính trong việc quản lý gia đình. Các con đi đâu, làm gì cũng phải có sự đồng ý của tôi, kể cả những gì cháu muốn xem hoặc tìm hiểu", anh Vụ chia sẻ với Zing.
Bất lực trước nội dung độc hại
Tuy nhiên, anh thừa nhận dù cố gắng đến mấy cũng khó có thể tìm hiểu cặn kẽ mọi thứ. "Một ngày, tôi phát hiện các con đang xem TikTok. Trong màn hình, một cậu bé đánh lừa người xem bằng cách khoe bộ phận gần giống cơ quan sinh dục. Tôi phải nhanh chóng giành lấy chiếc smartphone và xóa ứng dụng", anh chia sẻ.
"Đáng ngạc nhiên là bọn trẻ xem những nội dung này mà không cần tạo tài khoản đăng nhập", anh nói thêm.
Ngay trên TikTok, một đoạn clip cho thấy trẻ em đang làm theo những gì xuất hiện trên mạng xã hội này. |
Cũng trải qua tình huống tương tự với TikTok, chị Thảo Sương, ngụ Bến Tre đưa ra quyết định cực đoan hơn. Bà mẹ này tịch thu tất cả thiết bị, đồng thời cấm cô con gái 12 tuổi sử dụng Internet.
Thảo Sương thừa nhận vì không có khả năng kiểm soát, cấm dùng là biện pháp cuối cùng cô chọn.
Nêu trong chính sách sử dụng về việc chỉ người dùng trên 13 tuổi mới được phép tạo tài khoản, Tiktok cho thấy mạng xã hội này không chào đón người dùng dưới tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, nhóm tuổi này vẫn có thể dễ dàng tiếp cận các nội dung trên nền tảng.
"Điều này có nghĩa TikTok không có cơ chế gắn nhãn nội dung theo lứa tuổi. Vì không gắn nhãn nên họ đồng thời cũng không chặn truy cập hay buộc đăng nhập để xem nội dung dành cho người lớn. Cần nhớ rằng từ 13-16 vẫn là độ tuổi chưa vị thành niên và chưa hoàn thiện nhận thức", Văn Khải, chuyên gia truyền thông từ Seaevent chia sẻ.
Cụ thể, với những video độc hại hướng tới người dùng trẻ em, TikTok không yêu cầu đăng nhập vẫn có thể xem. Bất cứ ai có liên kết đến video đều tiếp cận được.
Cách làm này khác hoàn toàn với cơ chế gắn nhãn độ tuổi của YouTube đang áp dụng. Theo đó, những video có nội dung người lớn trên YouTube buộc người dùng đăng nhập mới có thể xem.
"Hãy trò chuyện cùng con"
Cũng là phụ huynh, bà Đặng Thị Kim Chi, chuyên gia truyền thông, giảng viên đại học chia sẻ với Zing bà đồng cảm với những áp lực các bậc cha mẹ đang phải đối mặt trước làn sóng nội dung không chọn lọc xuất hiện hàng ngày trên Internet.
Để giải quyết vấn đề, bà Chi cho rằng phụ huynh nên cho con trẻ xem những nội dung được trả tiền và các kênh dành riêng cho trẻ em. "Tôi khóa YouTube, chỉ cho con xem YouTube Kids trên chiếc TV gia đình. Những nội dung bọn trẻ có thể tiếp cận buộc phải có bản quyền hoặc được tôi biết rõ về công ty đăng tải", bà Chi nói.
Không cần tài khoản giới hạn độ tuổi, người xem vẫn có thể tiếp cận những nội dung nhạy cảm trên TikTok. (Ảnh: Chụp màn hình). |
"Bố mẹ cũng nên thường xuyên kiểm tra các phản hồi trên những video và nền tảng con cái đang xem, khóa các tài khoản đăng nội dung độc hại. Đặc biệt, nếu có thể, hãy dành thời gian xem cùng con, chủ động trò chuyện về những nội dung trên mạng", bà Chi chia sẻ.
Theo thống kê của Wallaroo Media, 60% trong tổng số 800 triệu người dùng của TikTok ở độ tuổi 16-24. Con số này dĩ nhiên chưa tính đến những người dùng có thể xem "lậu" nói trên. Do đó, khả năng lan truyền của nội dung độc hại là khó có thể đong đếm.
Theo Trung tâm Quốc gia về Trẻ em Mất tích và Bóc lột của Mỹ (NCMEC), hơn 70 triệu hình ảnh, video ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý trẻ em được tổ chức này phát hiện trong năm 2020. Con số này tăng 50% so với 2019. Trước đó 6 năm, số lượng nội dung bị phát hiện chỉ là 350.000.
Số lượng cùng độ phong phú của loại nội dung này ngày càng tăng buộc NCMEC phải lên tiếng: "Chúng ta có nguy cơ thua cuộc trong cuộc chiến toàn cầu vì sự an toàn của trẻ em".
Các chuyên gia cho biết trẻ em dưới 8 tuổi dành đến 65% thời gian trên Internet. Những nội dung về tình dục, âm thanh kinh dị, tấn công sức khỏe tâm lý thường hướng đến đối tượng người xem vốn chưa hoàn chỉnh về nhận thức này.
Ngay cả các ứng dụng dành cho trẻ em như YouTube Kids đôi khi cũng xuất hiện hình ảnh không phù hợp.
Nhiều đề xuất công nghệ được đưa ra để bảo vệ an toàn trực tuyến cho trẻ em. Có thể kể đến các nghiên cứu của nhóm nhà khoa học từ Đại học Taibar, UAE, dùng công nghệ học máy để khai thác, phân tích nội dung, tổng hợp, đánh giá lượt xem, yêu thích và nhận xét của người dùng.
Trước câu hỏi của Zing về biện pháp để ngăn nội dung không phù hợp trên nền tảng, có thể tiếp cận với nhóm người xem không cần tài khoản, đại diện TikTok chưa đưa ra được câu trả lời cụ thể.
"Chúng tôi cam kết phát triển một môi trường sáng tạo an toàn và thân thiện với tất cả người dùng. Sự an toàn của người dùng luôn là ưu tiên hàng đầu của TikTok. Chúng tôi vẫn đang nỗ lực loại bỏ các nội dung vi phạm và sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ để có những giải pháp xử lý kịp thời”, đại diện nền tảng này cho biết.
Trong 2 ngày 25 và 27/2, TikToker Thơ Nguyễn đăng 2 clip nội dung về búp bê kumanthong. Ở clip đăng ngày 27/2, Thơ Nguyễn cho biết do "nhận được nhiều yêu cầu của các em nhỏ" nên quay video dùng búp bê để "xin vía học giỏi". Các clip này sau đó tiếp tục được đăng tải trên kênh YouTube của Thơ Nguyễn và vấp phải nhiều phản ứng.
Ngáy 11/3, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) chỉ đạo Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Bình Dương xử lý trường hợp này. Sở TT&TT Bình Dương gửi thư mời nhưng Thơ Nguyễn đang bị "sốc", không bình tĩnh nên xin dời lại lịch làm việc sang 15/3.
Đối tượng khán giả kênh Thơ Nguyễn hướng đến là trẻ em. Vụ việc cũng cho thấy một kẽ hở khác trong chính sách của TikTok. Mạng xã hội này quy định cấm người dùng dưới 16 tuổi, song không cần đăng nhập, người dùng dưới mức tuổi cho phép vẫn có thể xem được các nội dung trên kênh Thơ Nguyễn.
(Theo Zing)
Thơ Nguyễn và những YouTuber càng thị phi càng nổi tiếng
Không phải lần đầu tiên khi Thơ Nguyễn cùng nhiều YouTuber khác vẫn sống khỏe nhờ scandal dù họ đều từng bị phản ứng dữ dội.