- Do không làm giúp bài thi học kỳ môn toán cho bạn, một học sinh lớp 9 đã bị chặn đường, đánh tới tấp bằng nón bảo hiểm phải nhập viện.

Ngày 20/12, Bác sĩ Lê Thanh Diễm, Phó Khoa Chấn thương sọ não, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết đang điều trị một học sinh, nạn nhân của bạo lực học đường.

{keywords}

D. đang nằm điều trị tại khoa Chấn thương sọ não BV Chợ Rẫy. (Ảnh: Thanh Huyền).

Bệnh nhân tên là Phạm Khương D., sinh năm 1998, học sinh lớp 9 của trường Nguyễn Thành Nam, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An.

D. được bố đưa tới Bệnh viện Chợ Rẫy vào 16h chiều ngày 19/12 trong tình trạng đầu, đau nhức dữ dội.

Sau khi kiểm tra, chụp CT, bác sĩ phát hiện vùng đỉnh đầu trái bệnh nhân bị sưng, có máu tụ màng cứng đỉnh bên trái.

Bệnh nhân đã được cho uống thuốc giảm đau và theo dõi sát. Rất may, lần chụp CT thứ 2 vào sáng nay, hiện tượng chảy máu trong không gia tăng thêm.

Theo chị Nguyễn Thị P., 45 tuổi, mẹ của D., vừa đi làm về thấy hai bạn của con trai chạy vào nhà báo tin, nói D. bị đánh đang co giật, được chuyển vào trạm xá cấp cứu.

“Hớt hải ra tới nơi, tôi thấy cháu nằm trên xe cứu thương. Lúc đó cháu đã tỉnh nhưng ôm đầu đau đớn. Người dân gần đó nói cháu bị một học sinh và 2 thanh niên vây đánh. Ban đầu cháu bị đánh bằng cây, khi ngã xuống đất lại tiếp tục bị đánh tới tấp vào đầu bằng nón bảo hiểm.”, chị P. kể.

Trong kỳ thi môn toán buổi sáng, D. được bạn nhờ giải bài giúp. Bị cô giáo phát hiện, D. đã thôi không hỗ trợ bạn nữa.

Ấm ức vì không làm được bài, cậu bạn đã rủ thêm hai người, phục sẵn giờ tan trường, chặn đánh D.

“Con tôi là học sinh giỏi, cháu rất ngoan, chưa bao giờ đánh lộn với ai. Nghe tin con tôi phải lên TP.HCM nhập viện, mẹ của cậu học sinh đánh con tôi đã tới gặp, dặn đừng nói cháu bị đánh mà bảo té ngã khi đùa giỡn, bao nhiêu tiền thuốc thang chị ta sẽ lo hết.”, chị P. ấm ức.

Theo bác sĩ Diễm, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận rất nhiều ca chấn thương sọ não, nhưng học sinh đánh nhau bằng nón bảo hiểm tới mức này thì hiếm gặp.

Chuyện xảy ra cho thấy sự giáo dục, răn đe của nhà trường và gia đình là rất cần thiết, để giúp các em học sinh biết kiềm chế và hành xử trong các tình huống tương tự, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Thanh Huyền