Hầu hết các công việc tồn tại ngày nay có thể sẽ biến mất trong nhiều thập kỷ tới. Khi trí thông minh nhân tạo vượt trội hơn con người trong nhiều công việc, nó sẽ thay thế hoàn toàn con người. Nhiều ngành nghề mới có thể sẽ xuất hiện trong tương lại như người kiến tạo thế giới ảo.
Nhưng những nghề như thế đòi hỏi sự sáng tạo và tính linh hoạt cao, và không rõ một lái xe taxi 40 tuổi thất nghiệp hay một nhân viên bán bảo hiểm có thể làm mới bản thân mình để trở thành những nhà kiến tạo thế giới ảo hay không (hãy cố tưởng tượng ra một thế giới ảo được tạo nên bởi một nhân viên bảo hiểm!).
Và ngay cả khi cựu nhân viên bán bảo hiểm này bằng cách nào đó có thể trở thành một người kiến tạo thế giới ảo, thì với tốc độ phát triển và thay đổi như vậy sau một thập kỷ nữa, anh ta có thể lại phải làm mới mình một lần nữa.
Vấn đề cốt lõi không phải là tạo ra những công việc mới mà phải tạo ra những công việc con người sẽ làm tốt hơn các thuật toán. Do đó, vào năm 2050, một lớp người mới có thể xuất hiện – những người vô tích sự. Những người này không chỉ thất nghiệp mà còn không có khả năng làm gì.
Chính những công nghệ làm cho con người trở nên vô dụng này có thể sẽ hỗ trợ phần đông những người thất nghiệp đồ ăn, thức uống nhờ một số kế hoạch về thu nhập cơ bản trên toàn cầu . Vậy những người này sẽ làm gì trong cả một ngày?
Một câu trả lời cho câu hỏi này là trò chơi điện tử. Họ có thể dành nhiều thời gian hơn trong thế giới thực tế ảo. Điều này sẽ đem đến cho họ sự phấn khích và sự gắn bó về mặt cảm xúc hơn là thế giới thực bên ngoài. Trên thực tế, đây là một giải pháp rất cũ. Trong hàng nghìn năm nay, hàng tỷ người đã tìm thấy ý nghĩa khi chơi các trò chơi thực tế ảo. Trước kia, chúng ta gọi những trò chơi thực tế ảo này là “tôn giáo”.
Tôn giáo là gì nếu không phải là một trò chơi thực tế ảo được chơi bởi hàng triệu người cùng nhau? Những tôn giáo như Hồi giáo hay Ki-tô giáo đưa ra những luật chơi mang tính tưởng tượng như “không ăn thịt lợn”, “lặp lại lời cầu nguyện nhiều lần trong ngày”, “không quan hệ tình dục với những người cùng giới”…
Những luật này chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của con người. Không có đạo luật tự nhiên nào đòi hỏi sự lặp lại các công thức ma thuật, và không có đạo luật tự nhiên nào cấm tình dục đồng giới hoặc ăn thịt lợn. Người Hồi giáo hay Ki-tô giáo đều trải nghiệm cuộc đời bằng cách cố gắng giành điểm trong trò chơi thực tế ảo yêu thích của mình. Nếu bạn cầu nguyện mỗi ngày, bạn sẽ giành điểm. Nếu bạn quên cầu nguyện, bạn sẽ mất điểm. Nếu đến cuối cuộc đời, bạn đạt đủ điểm thì sau khi chết, bạn sẽ lên đến một cấp độ tiếp theo của trò chơi (hay còn gọi là thiên đường).
Tôn giáo - một trò chơi thực tế trong đó chúng ta cầu nguyện để ghi điểm. Ảnh: Getty |
Giống như tôn giáo đã cho chúng ta thấy, thực tế ảo không cần phải bọc trong một chiếc hộp cô lập. Thay vào đó, nó có thể được chồng lên trên thực tế. Trong quá khứ, việc này được thực hiện bằng trí tưởng tượng của con người và bằng những cuốn sách thần thánh, còn trong thế kỷ 21, nó có thể được thực hiện bằng “smartphone”.
Trước đây, tôi đã từng cùng cháu trai 6 tuổi tên Matan đi săn Pokémon. Khi chúng tôi bước xuống phố, Matan vẫn nhìn vào chiếc điện thoại thông minh của mình để phát hiện ra Pokémon xung quanh. Trong khi tôi không thấy bất kỳ con Pokémon nào cả, bởi vì tôi không mang theo điện thoại thông minh.
Sau đó, chúng tôi nhìn thấy hai đứa trẻ khác đang săn cùng một con Pokémon trên phố, và chúng tôi gần như đã đánh nhau với chúng. Nó khiến tôi liên tưởng đến tình hình xung đột giữa người Do thái và người Hồi giáo về thành cổ Jerusalem. Khi nhìn vào thực tế khách quan của Jerusalem, tất cả những gì bạn nhìn thấy đều là đá và các tòa nhà, không có sự thiêng liêng nào cả. Nhưng khi bạn nhìn qua Kinh Thánh hay Qur’an, bạn sẽ thấy thiên thần ở khắp mọi nơi.
Ý tưởng đi tìm ý nghĩa cuộc sống bằng cách chơi những trò chơi thực tế ảo tất nhiên là phổ biến không chỉ với các tôn giáo, mà còn với các ý thức hệ và lối sống trần tục. Chủ nghĩa khách hàng cũng là một trò chơi thực tế ảo. Bạn giành điểm bằng cách mua xe mới, mua những sản phẩm có thương hiệu đắt tiền, đi du lịch nước ngoài, và nếu bạn giành được nhiều điểm hơn người khác, bạn tự nói với bản thân rằng bạn là người chiến thắng cuộc chơi.
Bạn có thể phản biện rằng mọi người thực sự thích xe hơi và những kỳ nghỉ. Tất nhiên điều đó đúng. Nhưng những người theo tôn giáo cũng thực sự thích cầu nguyện và tham gia các buổi lễ, giống như cháu tôi rất thích bắt Pokemon.
Cuối cùng thì hành động thực sự luôn diễn ra bên trong bộ não con người. Liệu việc các tế bào thần kinh bị kích thích khi quan sát những điểm ảnh trên màn hình máy tính, khi nhìn ra ngoài cửa sổ một khu nghỉ dưỡng ở bãi biển Caribbean, hay nhìn thấy thiên đường trong con mắt của tâm trí chúng ta, có quan trọng hay không?
Trong mọi trường hợp, ý nghĩa mà chúng ta gán cho những gì mà chúng ta nhìn thấy là do tâm trí của chúng ta tạo ra. Nó không thực sự “ở ngoài kia”. Theo kiến thức khoa học, cuộc sống của con người không có ý nghĩa gì cả. Ý nghĩa của cuộc sống luôn là một câu chuyện giả tưởng được tạo ra bởi chính chúng ta – con người.
Trong bài luận chấn động của nhà nhân chủng học Clifford Geertz có tên “Deep Play: Notes on the Balinese Cockfight (1973)”, ông đã miêu tả cách mà con người dành quá nhiều thời gian và tiền bạc đánh cược vào những cuộc chọi gà trên hòn đảo Bali. Sự đánh cược và những cuộc chọi gà này liên quan đến những nghi thức phức tạp, và kết quả của nó có tác động đáng kể đến vị thế chính trị, kinh tế và xã hội của cả người chơi và khán giả.
Những cuộc chọi gà rất quan trọng với những người Bali. Khi chính phủ Indonesia tuyên bố đó là hoạt động bất hợp pháp, người dân lờ đi và bất chấp việc có thể bị bắt và phạt nặng. Đối với người Bali, chọi gà là một thứ “deep play” – một trò chơi được đầu tư với quá nhiều ý nghĩa và những ý nghĩa đó có thể trở thành hiện thực. Một nhà nhân chủng học người Bali có thể viết những bài luận tương tự về bóng đá ở Argentina hay đạo Do Thái ở Israel.
Những người đàn ông Afghan xem chọi gà ở Kabul. Ảnh: Getty |
Thật vậy, một bộ phận đặc biệt thú vị trong xã hội Israel cung cấp một phòng thí nghiệm độc đáo về cách sống một cuộc sống mãn nguyện trong một thế giới không có công việc.
Ở Israel, có một tỷ lệ đáng kể những người đàn ông Do Thái được xã hội cực kỳ trọng vọng nhưng không bao giờ làm việc. Họ dành cả cuộc đời để nghiên cứu thánh thư và thực hiện các nghi lễ tôn giáo. Tuy nhiên, họ và gia đình họ không chết đói một phần vì người vợ thường làm việc, một phần vì Chính phủ hỗ trợ cho họ những khoản trợ cấp hào phóng. Mặc dù họ thường phải sống trong cảnh đói nghèo, nhưng Chính phủ giúp họ không bao giờ thiếu thốn những nhu cầu cơ bản của cuộc sống.
Mặc dù nghèo và không bao giờ làm việc, nhưng trong nhiều cuộc khảo sát, mức độ hài lòng về cuộc sống của những người đàn ông này cao hơn bất kỳ thành phần nào khác trong xã hội Israel. Trong những cuộc khảo sát trên toàn cầu về mức độ hài lòng trong cuộc sống, Israel gần như luôn luôn ở vị trí hàng đầu trên thế giới, một phần là do sự đóng góp của những người Do Thái không làm việc này.
Bạn không nhất thiết phải đi đến Israel để “mục sở thị” lối sống này. Nếu con bạn đang trong độ tuổi “teen” và thích chơi “game”, bạn có thể thực hiện một cuộc thử nghiệm.
Hãy cung cấp cho chúng một “khoản trợ cấp tối thiểu” là coca và pizza, sau đó ngừng việc giám sát chúng. Rất có thể chúng sẽ ở lại phòng trong nhiều ngày, dán mắt vào màn hình. Con bạn sẽ không làm bài tập về nhà hay làm việc nhà, sẽ bỏ học, bỏ bữa và thậm chí bỏ tắm và ngủ.
Tuy nhiên, nhiều khả năng chúng sẽ không cảm thấy chán nản hay thấy cuộc sống thiếu mục đích, ít nhất là trong một thời gian ngắn.
Vì thế, thực tế ảo có thể là chìa khóa mang lại ý nghĩa cho lớp người vô ích của thế giới không có công việc này. Có thể những thực tế ảo này sẽ được tạo ra bên trong những chiếc máy tính. Có thể chúng sẽ được tạo ra bên ngoài những chiếc máy tính, trong hình hài của những tôn giáo và hệ tư tưởng mới. Có thể chúng sẽ là sự kết hợp của cả hai. Những khả năng này là vô hạn, và không ai biết chắc rằng thứ “deep play” nào sẽ đến với chúng ta trong năm 2050.
Trong bất cứ trường hợp nào, việc không còn công việc cũng sẽ không nhất thiết là không còn ý nghĩa cuộc sống, bởi vì ý nghĩa được tạo ra bởi sự tưởng tượng hơn là bởi làm việc. Công việc cần có ý nghĩa chỉ theo một số ý thức hệ và lối sống.
Những điền chủ người Anh thế kỷ 18, những người Do Thái được trọng vọng ngày nay và những đứa trẻ ở mọi nền văn hóa và thời đại đều tìm thấy mối quan tâm và ý nghĩa cuộc sống ngay cả khi không làm việc. Rất có thể vào năm 2050, con người sẽ chơi các trò chơi thực tế ảo sâu hơn và xây dựng nên những thế giới ảo phức tạp hơn bất cứ thời kỳ lịch sử nào.
Nhưng còn sự thật thì sao? Còn thực tế thì sao? Liệu chúng ta có thực sự muốn sống trong một thế giới mà ở đó hàng tỷ người đang đắm mình trong ảo tưởng, theo đuổi các mục tiêu mang tính niềm tin và tuân theo những luật chơi tưởng tượng? Dù thích hay không thì đó cũng là thế giới chúng ta đã sống hàng ngàn năm nay.
Bài viết của tác giả Yuval Noah Harari - hiện đang giảng dạy tại Đại học Hebrew ở Jerusalem. Ông là tác giả cuốn Sapiens: A Brief History of Humankind và cuốn Homo Deus: A Brief History of Tomorrow.
- Nguyễn Thảo - Thúy Nga (Theo Guardian)