Dù cả hai Thành phố lớn đều mong muốn được lùi thời điểm tắt sóng analog hoàn toàn sang năm 2016 cho "trùng khớp" với các vùng lân cận nhưng Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng, lộ trình này đã được phê duyệt trong Quyết định của Thủ tướng và đã được tính toán phù hợp với thực tế.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp lần 5 của Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo Đề án số hóa. Ảnh: Vũ Hương

Quan điểm của Bộ TT&TT là trong quá trình triển khai, nếu hai địa phương này "tắc, vướng ở đâu" thì Nhà nước sẽ hỗ trợ đến đó. Nếu vấn đề nằm ở đầu thu Set-top box thì sẽ đẩy mạnh hỗ trợ đầu thu, còn nếu hạ tầng kỹ thuật của doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng chưa sẵn sàng thì VTV sẵn sàng hậu thuẫn.

"Các địa phương cần quyết tâm thực hiện đúng Quyết định của Thủ tướng. Nếu cách thời điểm tắt sóng dự kiến (ngày 31/12/2015) mà mọi việc vẫn còn ngổn ngang thì dựa trên khảo sát thực tế của Bộ và địa phương, chúng ta mới có cơ sở để xin lùi thời hạn. Còn bây giờ lại xin lùi khi một năm nữa mới đến hạn chót thì không thể nói là đã cố gắng được", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo như phương án được Tiểu ban giúp việc của Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình thống nhất sáng nay, 16/12, để trình lên Ban chỉ đạo thì 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Hải phòng, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng sẽ tiến hành tắt sóng truyền hình tương tự theo vùng phủ.

Phương án này sẽ thực hiện tắt sóng đối với các khu vực nằm trong vùng phủ sóng analog của các thành phố nhóm I. Khi đó, theo vùng phủ sóng truyền hình số, sẽ có một phần địa bàn các tỉnh nhóm II cũng phải thực hiện chuyển đổi từ thu truyền hình analog sang thu truyền hình số cùng với các thành phố nhóm I. Thực hiện theo phương án này, vấn đề phải thiết lập hệ thống bù sóng truyền hình tương tự tại các khu vực lân cận sẽ hết. Nhà cung cấp dịch vụ phải xác định và công bố vùng phủ sóng truyền hình số theo quy chuẩn.

Ưu điểm của phương án này là không phải đầu tư thêm hệ thống các đài phát lại truyền hình tương tự tại khu vực lân cận 5 thành phố lớn, đồng thời đảm bảo tắt sóng analog đúng theo lộ trình số hóa đã vạch ra. Đồng thời, nhu cầu trang bị đầu thu truyền hình số (Set-top box) trong giai đoạn đầu sẽ tăng cao, thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tham gia thị trường STB, tạo nguồn cung phục vụ cho quá trình số hóa truyền hình.

Tuy nhiên, nhược điểm của nó là việc tính toán vùng hỗ trợ sẽ phải chi tiết hơn so với phương án tắt sóng theo địa giới hành chính.

Theo ước tính của Cục Tần số, số hộ nghèo, cận nghèo chịu ảnh hưởng khi tắt sóng truyền hình tương tự tại các thành phố lớn theo phương án này và cần được hỗ trợ là 212.134 hộ, tổng số hộ cận nghèo thuộc diện hỗ trợ: 233.462 hộ.

Chi phí hỗ trợ STB cho giai đoạn 1 của phương án được Cục Tần số Vô tuyến điện rơi vào khoảng 260 - 268 tỷ đồng (Với mức hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, hộ cận nghèo lần lượt là 100%, 100% và 80%).

Nhiều ý kiến cho rằng, việc lùi thời điểm tắt sóng analog tại Hà Nội và TP.HCM là không cần thiết vì đây là 2 thành phố lớn, số lượng hộ nghèo theo chuẩn quốc gia không có hoặc hầu như rất ít, kinh phí phải dùng để hỗ trợ đầu thu STB cho các hộ nghèo, cận nghèo là không nhiều. Bên cạnh đó, theo thống kê, 95% số hộ gia đình ở TP.HCM đã dùng truyền hình cáp nên việc tắt sóng analog cũng không mấy ảnh hưởng, xáo trộn đến người dân. Hơn nữa, việc phát sóng số trong giai đoạn thử nghiệm đã lên tới 60km, đồng nghĩa với việc phủ tràn diện tích thành phố.

T.C