Vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông là một thực tế mà chúng ta không cần né tránh vì nó xảy ra trong khu vực Đông Nam Á và tranh chấp là giữa các nước ASEAN với nhau và giữa một số nước ASEAN với quốc gia ở ngoài ASEAN, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh phát biểu tại ADMM-6.

Ngày 29/5, hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 6 (ADMM-6) đã kết thúc tại Campuchia, với việc thông qua hai văn bản quan trọng. Đó là Tài liệu Khái niệm xem xét tần suất tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và Tuyên bố chung về Tăng cường tính thống nhất của ASEAN vì một cộng đồng hài hòa và an ninh.

Dẫn đàon đoàn Việt Nam, Bộ trưởng, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã nêu rõ đánh giá và quan điểm của Việt Nam về các vấn đề quốc phòng - an ninh ở khu vực và trên thế giới.

Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh. Ảnh: VOV

Theo Đại tướng Phùng Quang Thanh, xu thế chính của thế giới hiện nay là hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Tuy nhiên, những sự kiện gần đây như cuộc xung đột ở Trung Đông - Bắc Phi, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế cũng đặt ra nhiều điều để những người đứng đầu Bộ Quốc phòng các nước cần suy nghĩ.

Về tình hình Đông Nam Á, ông cho rằng khu vực nhìn chung vẫn duy trì được môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, song cũng tiềm ẩn những nguy cơ, thách thức an ninh bao gồm cả phi truyền thống và truyền thống.

Theo ông, tình hình tranh chấp biên giới lãnh thổ ở khu vực và chủ quyền trên Biển Đông đang diễn biến khá phức tạp và có thể gây ra xung đột quân sự nếu các bên không nỗ lực kiềm chế.

Đại tướng Phùng Quang Thanh phát biểu: “Vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông là một thực tế mà chúng ta không cần né tránh vì nó xảy ra trong khu vực Đông Nam Á và tranh chấp là giữa các nước ASEAN với nhau và giữa một số nước ASEAN với quốc gia ở ngoài ASEAN”.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam khẳng định các nước ASEAN phải quyết tâm duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, để xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh vào năm 2015.

Nhằm thực hiện mục tiêu này, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho rằng các bên phải bình tĩnh, hết sức kiềm chế, tiến hành đàm phán hòa bình để giải quyết các tranh chấp trên biển bằng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

Trước mắt, các bên cần thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ký giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Đại tướng Phùng Quang Thanh nói: “Trong quá trình đàm phán hòa bình, quan điểm của Việt Nam là những tranh chấp song phương thì hai nước đàm phán với nhau để giải quyết. Còn những tranh chấp đa phương, giữa nhiều nước, nhiều bên, phải giải quyết đa phương, nỗ lực tìm kiếm giải pháp mà các bên có thể chấp nhận được”.

Bên cạnh đó, các nước cần xây dựng lòng tin, phòng ngừa xung đột bằng cách tăng cường hợp tác quốc phòng song phương cũng như đa phương trong cơ chế ADMM và ADMM+. Tuy nhiên, khi tăng cường hợp tác với các đối tác ngoài khu vực, ASEAN phải giữ được vai trò chủ đạo.

Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng chia sẻ với Hội nghị kinh nghiệm của Việt Nam là dù xảy ra tình huống trên biển phức tạp đến đâu thì cũng phải giữ được quan hệ quốc phòng - quân sự tốt.

Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết: "Giữa Việt Nam và Trung Quốc có những lúc có tranh chấp trên biển khá phức tạp nhưng hợp tác, giao lưu quốc phòng - quân sự giữa hai nước, quan hệ giữa hai Bộ Quốc phòng, giữa hai Bộ Tổng Tham mưu, giữa Quân chủng Hải quân, Biên phòng hai bên rất tốt. Việt Nam cử tàu hải quân sang Trung Quốc giao lưu. Lãnh đạo quân đội hai nước gặp nhau trao đổi thẳng thắn, chân tình và thống nhất quân đội hai nước phải kiềm chế không để xảy ra xung đột quân sự trên biển. Vấn đề tranh chấp trên biển do lịch sử để lại còn phải giải quyết lâu dài thông qua biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế”.

“Có thể nói quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay là quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và giữ vững ổn định chính trị-xã hội của mỗi nước. Tranh chấp trên biển là vấn đề duy nhất còn tồn tại trong quan hệ Việt-Trung hiện nay” - ông nói.

Tuyên bố chung của hội nghị tái khẳng định cam kết của các nước thành viên ASEAN về việc thực hiện đầy đủ và hiệu qủa DOC, hướng tới việc thông qua COC và nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải ở Biển Đông theo đúng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

Theo Vietnam+