Việc đăng ký dùng các ứng dụng mới bằng tài khoản mạng xã hội cá nhân tương đối tiện lợi. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến nghị người dùng nên tránh thói quen này vì "lợi bất cập hại".
Hầu hết các ứng dụng hiện nay đều đòi hỏi người dùng phải đăng ký và cung cấp thông tin cá nhân của họ, ví dụ như độ tuổi, ngày tháng năm sinh, địa chỉ email và số điệnt hoại. Người dùng có thể nhập các thông tin này một cách thủ công hoặc họ có thể cho phép ứng dụng dùng những dữ liệu cá nhân đã có sẵn trên các mạng xã hội như Google, Facebook hoặc Twitter.
Những người dùng smartphone rất chuộng việc đăng ký dùng các ứng dụng mới bằng tài khoản mạng xã hội cá nhân. Lí do vì quá trình này tiết kiệm thời gian, tránh cho họ phải tạo lập tài khoản thủ công và ghi nhớ mật khẩu cho tài khoản đó.
Tuy nhiên, sự tiện lợi cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Theo các chuyên gia, tình trạng các ứng dụng theo dõi người dùng đang gia tăng trong vài năm trở lại đây. Các nhà phát triển ứng dụng đang cố gắng giành quyền tiếp cận vào các ứng dụng khác theo những cách thức mới mà người dùng không hề hay biết.
Một nghiên cứu gần đây của Viện Bác khoa Virginia (Mỹ) phát hiện, hàng ngàn ứng dụng trên các cửa hàng trực tuyến, vốn được phép tiếp cận các thông tin nhạy cảm cá nhân đang chia sẻ nó với các ứng dụng khác, vốn bị người dùng từ chối cho phép những dữ liệu đó. Dùng tài khoản mạng xã hội cá nhân để đăng ký các ứng dụng mới sẽ giúp quá trình này diễn ra dễ dàng hơn.
Nhằm đảm bảo các dữ liệu người dùng không bị nhà phát triển ứng dụng dùng sai mục đích, một số nền tảng mạng xã hội như Facebook và Google Plus đã cho phép người dùng xem các ứng dụng nào đang truy cập vào tài khoản xã hội của họ. Facebook và Google Plus thậm chí còn cho phép người dùng ngắt kết nối với ứng dụng từ mạng xã hội bất kỳ khi nào họ muốn. Để dùng tính năng này ở Facebook, bạn hãy vào Menu > Account settings > Apps. Tương tự, ở Google Plus, bạn vào Menu > Account > Apps.
Hiếu Trọng - Kim Duyên - Phạm Văn Thường (Theo LiveMint)