"Ông Chiêm, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ ông Nguyễn Thanh Chấn lúc đó đã xử theo những gì hiện lên trên hồ sơ. Việc xử lúc đó chủ yếu căn cứ theo hồ sơ rồi tuyên án".
Xin chào quý vị độc giả, tôi là Thu Hà, BTV của Tuần Việt Nam báo VietnamNet. Tiếp tục đóng góp ý kiến cho Bộ Luật tố tụng hình sự sửa đổi và các dự án luật tổ chức Tòa án, Viện kiểm sát sửa đổi trình QH kỳ này, khách mời hôm nay của chúng tôi là: TS. Đặng Quang Phương, Nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, và TS. Dương Thanh Biểu, Nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Xem phần 1: Ai cũng làm đúng luật thì rất khó sai sót
Nhà báo Thu Hà: Việc ông Chấn bị oan sai là cảnh báo về những trình tự vi phạm pháp luật từ khâu điều tra, tranh tụng từ đó dẫn tới tòa phán quyết sai có đúng không ạ?
TS. Đặng Quang Phương: Thường thường, năng lực yếu kém sẽ dẫn đến những hành xử kém.
Tôi nguyên là lãnh đạo của Tòa án nhân dân tối cao, tôi nghĩ đây là một trong những nỗi đau của các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và cơ quan tòa án nói riêng.Tôi rất chia sẻ với ông Chấn và gia đình ông Chấn vì ông ấy đã bị kết án oan.
Cũng giống như một cốc nước bị đổ đi rồi thì làm sao vớt lại được. Bây giờ theo cá nhân tôi, nhà nước cũng phải xem xét đầy đủ các khía cạnh khác nhau để làm thế nào bồi thường cho người ta, đáp ứng một phần những tổn thất mà ông Chấn và gia đình ông phải gánh chịu do oan sai một cách có lý, có tình mà không vì pháp lý đơn thuần.
Nhìn lại quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ ông Chấn, nếu nói cho công bằng, thì “không nên lấy đại bác bắn vào quá khứ”.
Tại sao tôi nói như vậy. Là vì, chúng ta không nên lấy bối cảnh hiện nay để đánh giá quá khứ. Giờ đây chúng ta đã có nhiều thay đổi, khi mà quyền con người đề cao, hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, cụ thể, chi tiết hơn trước, khi cơ chế thông thoáng hơn, nhận thức và năng lực cũng như trách nhiệm của cán bộ tư pháp được nâng cao, khác 10 – 13 năm trước rất nhiều.
Ông Chiêm (chủ tọa phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ ông Chấn.PV) lúc đó đã xử theo những gì hiện lên trên hồ sơ. Việc xử lúc đó chủ yếu căn cứ theo hồ sơ rồi tuyên án, có tranh tụng gì đâu. Nếu nhìn lại sẽ thấy trong quá trình điều tra, lời khai nhận tội của ông Chấn có rồi, phù hợp với các tình tiết khác. Lúc đó, trong bốn bức tường, một cái bàn, một điều tra viên lấy lời khai thì ai biết họ làm gì trong đó?
Cho nên sau đó chúng ta đã đặt vấn đề tranh tụng nhiều hơn. Bộ Chính trị cũng ban hành nghị quyết và xác định tòa án là trung tâm trong các cơ quan tư pháp.
TS. Dương Thanh Biểu: Vụ án ông Chấn là nỗi đau không chỉ riêng của cơ quan nào mà là nỗi đau chung của hệ thống tư pháp.
Từ vụ án này thiết nghĩ chúng ta phải rà soát các quy định về trình tự, thủ tục tố tụng để sửa đổi, bổ sung Bộ Luật tố tụng hình sự một cách chặt chẽ, khoa học nhằm góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm có hiệu quả nhưng cũng đồng thời bảo vệ các quyền hợp pháp của công dân. Đồng thời các cơ quan tiến hành tố tụng phải đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động, rà soát lại đội ngũ cán bộ Tư pháp, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về bản lĩnh, kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng ngày càng cao của công cuộc cải cách tư pháp.
Hiện nay Quốc hội đang xem xét phê chuẩn Công ước chống tra tấn của LHQ. Việc sửa đổi Bộ luật hình sự cũng như Bộ Luật Tố tụng hình sự sửa đổi sắp tới cũng cần quán triệt các quy định trên đây cho phù hợp với điều kiện cụ thể nước ta.
Nhà báo Thu Hà: Thưa ông Dương Thanh Biểu, làm sao để có thể kiểm tra được có hay không việc bức cung, mớm cung, nhục hình đối với nghi can, bị can ?
TS. Dương Thanh Biểu: Để loại bỏ tình trạng nói trên cần phải có nhiều biện pháp đồng bộ. Nguyên nhân căn bản dẫn đến những hành vi trên đây là chúng ta chưa kiểm soát được quá trình lấy lời khai người bị bắt, giam. Có ý kiến đề xuất lắp camera tại phòng hỏi cung. Đây cũng là biện pháp tốt. Kinh nghiệm công tác tư pháp của nhiều nước cho thấy, để chống mớm cung, bức cung và nhục hình, pháp luật quy định: Một bản cung được coi là hợp pháp và có căn cứ khi bản cung đó phải có hai điều kiện, có xác nhận nhận của luật sư và thứ hai là kèm theo băng ghi âm gửi cho Viện công tố.
Đối với nước ta, để loại bỏ tình trạng đó, thiết nghĩ những kinh nghiệm trên đây cần được nghiên cứu, cân nhắc vận dụng cho hợp lý.
Với các loại tội phạm tội không quả tang… thì các bản cung phải được sự tham gia của luật sư và Kiểm sát viên. Nhất là với các trường hợp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo kêu oan do bị mớm cung, bức cung, nhục hình thì Kiểm sát viên cần phải xác minh thật kỹ về lý do, thời gian, địa điểm xảy ra để xem xét.
Nhà báo Thu Hà: Từ thực tế kinh nghiệm trong ngành tòa án, ông có nghĩ rằng dứt khoát luật sư nên tham dự ngay từ khâu điều tra không ạ?
TS. Đặng Quang Phương: Tôi lấy hình ảnh thế này, nếu một cô giáo, một thày giáo giảng bài, bình thường thì họ hay giảng theo ý của mình (cả dàn bài, nội dung bài giảng, cách giảng…). Cũng là họ, mà hôm đó có người dự giờ thì chắc chắn bài giảng sẽ được chuẩn bị tốt hơn, chắc chắn truyền đạt sẽ hấp dẫn hơn… mặc dù chúng ta đều biết có thể đó là hình thức, nhưng như vậy, cũng là thể hiện một cái gì đó tốt hơn.
Và giải quyết án cũng vậy, nếu có luật sư ngay từ đầu thì quá tốt, nhưng kẹt nỗi chúng ta đang rất thiếu luật sư. Theo tôi được biết có những tỉnh hiện nay chỉ có hai đến ba luật sư mà thôi. Bên cạnh đó cũng có không ít trường hợp người bị bắt,bị tạm giữ, tam giam, bị can, bị cáo đều rất muốn có luật sư để bảo vệ cho mình nhưng vì điều kiện hoặc vì hoàn cảnh kinh tế mà họ không thể mời luật sư được.
Tôi thấy trong Bộ Luật tố tụng hình sự của Nga vừa mới đưa vào qui định, lời khai nhận tội của bị can trong quá trình điều tra các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là tòa án không được lấy làm chứng cứ, nếu như tại phiên tòa họ không thừa nhận lời khai đó. Không cần phải có luật sư ngay từ đầu. Họ có thể tự khai trước, nhưng khi ra trước tòa nếu họ bị mớm cung, bức cung thì họ có thể phản đối và nếu họ phản đối thì không được sử dụng lời khai đó.
Còn ở ta bây giờ, ra trước tòa, ta vẫn sử dụng lời khai trước đó, cho dù sau này, ra tòa bị can không thừa nhận. Họ bảo buộc phải nhận do bị ép cung và Tòa án lại hỏi Viện Kiểm sát chứng minh, Viện thì lại bảo, trong này đã khai thế rồi, không có việc ép cung, tôi đã kiểm sát rồi… Thế rồi, Tòa lại kết luận: “mặc dù tại phiên tòa hôm nay bị cáo chối tội, tuy nhiên những lời nhận tội của bị can tại quá trình điều tra, lời khai của các nhân chứng khác phù hợp với các tài liệu, vật chứng khác trong vụ án… vì vậy có đủ căn cứ kết tội”. Nếu chỉ nhìn như thế thì thấy tất cả đều hoàn hảo, đẹp như tranh vẽ.
Chúng ta đã có những lúc xét xử như thế đấy!
Nhà báo Thu Hà: Nhưng chúng ta chưa cho phép luật sư điều tra độc lập. Nếu chỉ sao chép lại báo cáo của cơ quan điều tra thì làm sao học ó đủ chất liệu để tranh tụng trước tòa được?
TS. Dương Thanh Biểu: Theo quy định của pháp Bộ Luật tố tụng hình sự hiện hành, quá trình điều tra, các cơ quan tư pháp chỉ tập trung thu thập các chứng cứ buộc tội, còn chứng cứ gỡ tội ít được chú ý.
Ví dụ Điều 163 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định: “Bản kết luận điều tra trình bày diễn biến hành vi phạm tội, nêu rõ các chứng cứ chứng minh tội phạm…”. Trong lúc đó, luật sư với chức năng gỡ tội nhưng quá trình thu thập chứng cứ gỡ tội cũng không được quy định chặt chẽ. Điều 58 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định luật sư có quyền tham gia quá trình hỏi cung. Nhưng tại khoản 2 Điều 58 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định, khi luật sư muốn hỏi người bị tạm giữ phải được sự đồng ý của Điều tra viên. Hay nói cách khác, khi không được Điều tra viên đồng ý thì luật sư không thể hỏi về những tình tiết gỡ tội cho người bị tạm giữ.
Còn trong quá trình thu thập tài liệu để thực hiện chức năng bào chữa, luật sư chỉ được thu thập tài liệu đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa mà không đề cập đến việc luật sư được thu thập chứng cứ gỡ tội (điểm d, khoản 2 Điều 58 Bộ Luật tố tụng hình sự).
Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung Bộ Luật tố tụng hình sự sửa đổi sắp tới thiết nghĩ nên mở rộng thẩm quyền cho luật sư trong việc thu thập các chứng cứ gỡ tội. Đây là nội dung quan trọng nhằm góp phần chống oan, bảo vệ quyền con người trong điều kiện mới.
Dư luận hiện nay cũng cho rằng, các luật sư đang gặp khó khăn khi tiến hành bảo vệ thân chủ. Đó là những khó khăn khi xin thủ tục cấp giấy chứngnhận bào chữa. Cho nên, Bộ Luật tố tụng hình sự sửa đổi sắp tới nên có quy định về cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính tư pháp trong việc đơn giản hóa cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư và rút ngắn thời hạn cấp giấy chững nhận bào chữa. Có như vậy mới góp phần thực hiện việc chống oan chống lọt một cách triệt để.
TS. Đặng Quang Phương: Đúng như TS Biểu nói, hiện nay các bên vẫn phải đi sao chép những gì của cơ quan điều tra thu thập được để phản lại những gì chưa đúng và chưa hợp lý mà thôi.
Bộ Luật Tố tụng hình sự hiện hành có qui định, Luật sư có quyền thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa…., nhưng chưa qui định cơ chế cho họ thực hiện quyền đó như thế nào? Quyền đó có làmphát sinh nghĩa vụ, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan tổ chức nào không? Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng được thu thập chứng cứ, còn luật sư và người khác chỉ có thể được thu thập những thứ là đồ vật, tài liệu mà không biết có phải là chứng cứ? Đồ vật, tài liệu đó lại phải đưa đến nộp cho cơ quan tiến hành tố tụng. Hồ sơ giai đoạn nào nộp cho giai đoạn đó. Luật cũng không qui định LS nộp rồi thì cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải làm gì? Chấp nhận là chứng cư phải làm gì? Không chấp nhận là chứng cứ phải làm gì?
Trong thực tế có LS thu thập được tài liệu, đồ vật, lẽ ra phải nộp về cho cơ quan tố tụng, nhưng LS lại muốn giữ để đến trước toà rồi mới đưa ra (ví dụ muốn đánh bóng tên tuổi hay lấy tiếng vang với thân chủ thì lại là thủ trong người mình). Như vậy cũng không được vì ra toàn rồi anh mới đưa ra, thì làm sao cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét được trong cảq uá trình trước đó?
Do đó tôi nghĩ chúng ta sửa đổi, bổ sung Bộ Luật tố tụng hình sự qui định cơ chế để LS được thu thập các đồ vật, tài liệu… Phải tạm gọi đó như những nguồn chứng cứ và phải qui định làm sao việc xác định định chứng cứ từ nguồn chứng cứ. Nếu cơ quan tiến hành tố tụng xác định đó là chứng cứ thì sẽ được đưa vào còn nếu cơ quan trả lời là không thì phải nói rõ vì sao đồ vật, tài liệu đó không được xem là chứng cứ... Như thế thì mới bảo đảm được sự công bằng cho các bên trong xét xử.
Không nên tư duy "bắt nhầm" còn hơn "bỏ lọt"
Còn tiếp..
Tuần Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng
Mời xem các bài trong chuyên đề góp ý vào Bộ Luật Tố tụng hình sự sửa đổi: ‘Lẽ ra đã có cơ hội ngăn những án oan vừa qua’ Khi qui định quyền thì rất hay nhưng lại không thiết kế một bộ quy chế, thủ tục để đưa quyền đó vào những hành vi cụ thể. Giống như mua cái xe nhưng nhà nước lại không làm đường cho xe chạy. Không thể tư duy “bắt nhầm” còn hơn “bỏ lọt” Trong tố tụng hình sự luôn có hai nhiệm vụ quan trọng là bên cạnh yêu cầu phát hiện, xử lý tội phạm còn nhiệm vụ quan trọng khác là minh oan cho người lương thiện. |