Sau khi một đoạn clip xuất hiện trên các trang mạng về việc bé Nhật Nam - nhiều ý kiến cho rằng Nhật Nam tự kiêu, chảnh... và không có tuổi thơ. Theo thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Khoa Tâm lý, ĐH Sư phạm TP.HCM) cần phải có cái nhìn toàn diện hơn về bé Nhật Nam, không nên "ném đá" em.
Các tin liên quan |
- Thầy đánh giá thế nào về đoạn clip bé Nam trả lời báo chí?
Sự việc nào cũng có hai mặt, nếu nhìn thấy cái chưa được thì cũng cần nhìn thấy cái được của vấn đề để phản ánh toàn diện. Phần trả lời của Nam cái được nhiều hơn hẳn, chỉ có chút xíu về mặt phong cách cần điều chỉnh: chẳng hạn cách nói và giọng nói cần giữ sự tự tin nhưng nên nhẹ lại một chút, đầu không nên ngước cao khi trò chuyện (mặc dù đôi lúc em phải ngước cao mới nhìn thấy người đối diện, vì em còn nhỏ mà). Một số câu nói cần lý giải rõ ràng để không bị người đọc hiểu phiến diện.
Thầy giáo "hotboy" Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu |
- Còn về câu nói của Nhật Nam “truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn”?
Quan điểm “truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn” là quan điểm của mẹ cậu, muốn rõ hàm ý của câu này thì ta nên hỏi bác ấy. Ngoài ra, người ta cố tình quên đi cụm từ “đọc truyện tranh thì đôi lúc cũng có tác dụng” mà cậu đã nói. Cậu cũng thừa nhận nó có tác dụng tốt, và cũng thừa nhận tác dụng chưa tốt. Biết đâu hàm ý của cậu là nói về việc nghiện truyện tranh, hoặc những bộ truyện tranh ít lành mạnh đang tràn lan là con sâu đục khoét tâm hồn thật sự?.
Phải đặt mình vào vị trí của cậu và mẹ cậu, xỏ chân vào giày họ để hiểu hàm ý của họ, ý tốt của họ. Nếu không, chúng ta là người nhận định phiến diện chứ không phải là cậu bé và mẹ cậu.
- Thầy nghĩ sao khi nhiều cư dân mạng "ném đá" cho rằng bé Nhật Nam tự kiêu, chảnh và "ông cụ non", đánh mất tuổi thơ..?
Phong cách của bé hơi tự tin so với chuẩn mực thường thấy của trẻ em phương Đông. Tuy nhiên, điều đó không đáng để bị "ném đá" dữ dội trên các mạng xã hội.
Thật ra sự việc đang bị nghiêm trọng hóa. Với những gì Nam đã làm được, cậu có quyền tự hào. Những thành tích cậu kể là thành tích thật, nhiều người lớn chúng ta còn chưa làm được những điều cậu đã làm từ lúc 5-6 tuổi. Đó là sự thật, ta nên tôn trọng. Cậu kể ra một phần để làm minh chứng cho quyển sách mới ra mắt về phương pháp học tiếng Anh của mình nữa mà.
Việc tuổi thơ cậu có bị đánh mất hay không thì chỉ có cậu biết. Biết đâu học tiếng Anh là niềm vui tuổi thơ của cậu (cậu cũng nói học tiếng Anh là đam mê)?. Biết đâu dịch sách và viết sách là thú vị tuổi thơ của cậu?. Biết đâu làm diễn giả và MC cho một số chương trình truyền hình là trải nghiệm ấn tượng của cậu?. Mỗi người có một niềm vui tuổi thơ khác nhau, giống như người thì thích hoa hồng nhưng người khác lại thích hoa sen, người thì thích hoa phượng. Đâu nhất thiết phải thả diều, bắt dế, đọc truyện tranh thì mới gọi là có tuổi thơ.
Người ta "ném đá" mà quên rằng cậu mới 11 tuổi. Người lớn còn dễ bị tổn thương huống hồ gì là một cậu bé.
Tôi lo sợ rằng sau chuyện này, em ấy sẽ trở nên e dè khi tiếp xúc với công chúng. Biết đâu chúng ta đang giết chết sự tự tin của cậu ấy – cái đã giúp cậu ấy làm được rất nhiều việc phi thường.
Bé Nhật Nam trong đoạn clip trả lời phỏng vấn |
- Thầy nghĩ phản ứng của bé Nam và bố mẹ bé ra sao khi biết phản ứng của cư dân mạng về bé như thế?
Tôi nghĩ, bé Nhật Nam đang sốc. Tôi cũng đang trông chờ xem bố mẹ bé sẽ nói gì. Nhưng tôi nghĩ, tốt nhất là các bác nên dành thời gian để đả thông tư tưởng cho cậu bé, bên cạnh cậu bé, vì đây là lúc cậu bé đang cần hai bác ấy nhất.
- Thầy có cho rằng bố mẹ Nhật Nam đã dạy em ấy đúng cách?
Tôi chưa biết rõ cách dạy của bố mẹ Nhật Nam nên chưa thể nhận định được. Còn câu nói “truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn” thì phải đặt vào hoàn cảnh lúc nói của hai mẹ con thì mới biết được dụng ý của nó.
- Thầy muốn nói gì với Nhật Nam lúc này?
Tôi cũng muốn nói với Nam: Qua chuyện này, em cũng đừng buồn phiền nhiều, đại đa số mọi người thông cảm vẫn ủng hộ em.
- Cảm ơn thầy!
Thành tích mà Nhật Nam đã đạt: - Đạt điểm tuyệt đối trong các kì thi của trường Đại học Cambridge: Starter, Mover, Flyers (15/15). Thi TOEIC đạt 940/990 điểm. Thi TOEFLT itp đạt 617 điểm. Thi TOEFLT ibt đạt 99 điểm. Thi IELTS đạt 6.5 ( lần 1); đạt 8.0 lần 2 với điểm reading đạt tuyệt đối: 9.0. - Đạt giải Thí sinh tài năng trong kì thi viết bài luận của trường Đại học St Andrew. Đạt giải Nhất kì thi tiếng Anh do Sở giáo dục và Trung tâm Việt Anh tổ chức. Được nhận học bổng Học sinh tài năng của quỹ khuyến học Đạt giải Thí sinh nhỏ tuổi nhất, thí sinh tài năng và giải Nhất chung cuộc trong kì thi Hùng biện tiếng Anh Wordstorm. Trong kì thi viết bài luận Chasing your dream dành cho học sinh, sinh viên từ 15 đến 20 tuổi, đạt giải Bài viết ấn tượng nhất. Đạt giải Tiềm năng trong cuộc thi viết bài luận Nhà lãnh đạo trẻ (dành cho học sinh lớp 10,11). Đạt giải Khuyến khích trong cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc (với phần mềm). Đạt giải Nhất kì thi Olimpic tiếng Anh toàn Thành phố Hà Nội. Một trong những học sinh tiêu biểu của thủ đô Hà Nội năm học 2011-2012 và được Giám đốc Sở tặng Bằng khen. - Dịch sách. Sách đã xuất bản: Mặt trời mọc, mặt trời lặn; Nạp điện. Sách chuẩn bị xuất bản: Cách tư duy của những người thành đạt. - Tham gia dịch phim cho VTV3. |
Theo Minh Hằng (Pháp luật Việt Nam)