- Công sở vốn được coi là nơi làm việc của những người “nhiều chữ”, tuy nhiên, ở
môi trường này vẫn luôn xuất hiện những cách hành xử không hề... chuẩn mực.
Không phải cứ có học là cư xử có văn hóa
Bác Nguyễn Tiến Thành, nhân viên bảo vệ ở một cơ quan hành chính nhà nước (địa
chỉ được giấu theo yêu cầu của nhân vật) cho biết: “Tôi làm bảo vệ đến nay đã
ngót nghét 20 năm, nên đã gặp qua rất nhiều người. Có những người, ăn mặc rất
lịch sự, mới nhìn qua ai cũng đoán là người tri thức đầy mình, thế nhưng cách
hành xử thì lại... không bằng những người ít học như chúng tôi. Anh ta đi đến
cổng cơ quan, và nhìn thấy rất rõ tấm bảng “Dừng xe, tắt máy, xuất trình giấy
tờ” nhưng lại làm ngơ như chốn không người, cứ phóng thẳng xe vào trong.
Chúng tôi chạy đến yêu cầu anh ta dừng lại thì anh ta lại trợn mắt bảo: “Tôi vào
làm việc với sếp của các anh”.
Trong trường hợp đó, dù anh ta có nói là gặp sếp to cỡ nào thì chúng tôi cũng
vẫn yêu cầu anh ta ra khỏi cơ quan.
Nhưng cũng có người, tuổi còn cao hơn chúng tôi rất nhiều, nhưng khi đến làm
việc họ đều tuân thủ quy định của cơ quan, xuống xe, tắt máy, xuất trình giấy tờ
và xin vào gặp anh A, chị B một cách rất lịch sự. Đối với những người như vậy,
chúng tôi đều rất niềm nở và tận tình chỉ cho họ từ chỗ để xe đến nơi có người
mà họ cần gặp".
|
“Thế mới nói, không phải cứ người có học là cư xử có văn hóa đâu” - bác Thành thở dài.
Trên đây chỉ là một câu chuyện rất nhỏ nơi công sở, mà chuyện ứng xử sao cho được việc mình mà không làm phiền lòng người khác có thể nói là trong tầm nay của bất cứ ai. Tuy nhiên nhiều người lại bỏ qua.
Còn khi đã vào đến công sở rồi thì vô vàn là chuyện, từ chuyện buôn dưa lê, bán dưa chuột về vấn đề thăng chức của người này, hay chuyện riêng tư của người kia... Mà ai cũng hiểu rằng, một vấn đề dù là rất nhỏ nhưng khi đã được mang ra để “buôn bán” thì câu chuyện bao giờ cũng được thêm thắt để cho ly kỳ, hấp dẫn, đến mức một con kiến cũng có khi biến thành một con voi.
Bên cạnh đó, ở môi trường công sở người ta cũng dễ dàng bắt gặp những cảnh, đồng nghiệp với nhau nhưng “bằng mặt mà không bằng lòng”. Khi công việc còn ảnh hưởng đến nhau thì xun xoe, đến khi không còn cần đến nhau nữa thì nhìn thấy nhau có khi cũng làm ngơ.
Thế mới có chuyện, một vị thủ trưởng đã về về hưu nói vui mà chua chát rằng: “Khi còn đương chức thì gặp ai người ta cũng lễ phép chào hỏi với vẻ tôn kính, đi đến đâu là có cấp dưới xun xoe đến đó. Thế mà vừa nhận quyết định về hưu, gặp nhân viên cũ có khi họ còn tránh mặt để đỡ tốn một câu chào...”.
Ứng xử là chiếc chìa khóa vạn năng
Theo TS Nguyễn Quang Hòa, ở bất cứ môi trường nào thì ứng xử cũng luôn là chiếc chìa khóa vạn năng để mở cánh cửa hiểm hóc của lòng người.
Để có thể trở thành một người ứng xử giỏi, cần phải nắm được những nguyên tắc cơ bản như: được việc mình, nhưng không mất lòng người; luôn nhận biết được đúng tư cách của mình; phải biết tôn trọng người khác và tự trọng; và phải biết chấp nhận.
“Những ngôi sao bóng đá biết rời sân cỏ đúng lúc, những minh tinh sân khấu và điện ảnh biết chấm dứt sự xuất hiện khi cần thiết chính là những người biết chấp nhận quy luật: tài năng không thể kéo dài.
Họ lui về hậu trường làm huấn luyện viên, làm thầy hoặc chỉ là cổ động viên cho thế hệ sau kế tiếp, tìm thấy hạnh phúc trước những thành công của lớp hậu sinh. Đó là ứng xử đẹp vậy” - TS Nguyễn Quang Hòa nói.
Theo ThS. Trần Mai Ước, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng văn hóa ứng xử nơi công sở chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn và còn tồn tại nhiều yếu kém, nhưng cơ bản là do tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí... Bên cạnh đó, vẫn còn những tác động từ dư âm của nền văn hóa tiểu nông, từ thói quen cơ chế bao cấp, từ những mặt trái của kinh tế thị trường, công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục chưa thực hiện thường xuyên, công tác kiểm tra của các ngành các cấp chưa thành nề nếp; cơ sở vật chất, phương tiện làm việc còn thiếu thốn... |
Vũ Lụa