Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), hóa chất Trifluralin thuộc loại bị cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản (theo Thông tư số 20/2010/TT- BNNPTNT, ngày 2/4/2010 của Bộ NN&PTNT).
Đồng thời với việc triển khai các hoạt động kiểm soát của các đơn vị chức năng của Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế cũng đã có những chỉ đạo các địa phương và các đơn vị kiểm nghiệm tiến hành lấy mẫu cá để kiểm tra dư lượng chất Trifluralin.
Không phát hiện thêm chất cấm trong 30 mẫu cá nuôi bán tại chợ Bình Điền và một số điểm bán lẻ thuộc TP.HCM (Ảnh: VietNamNet) |
Kết quả cho thấy tất cả 30 mẫu cá nuôi (bao gồm 16 mẫu cá diêu hồng và 14 mẫu cá rô) lấy tại các cửa hàng, chợ cá, chợ đầu mối Bình Điền và một số điểm bán lẻ thuộc TP.HCM đều không phát hiện tồn dư chất Trifluralin.
Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát các sản phẩm thực phẩm có nguy cơ cao một cách thường xuyên để phát hiện sớm những mối nguy ô nhiễm thực phẩm, xử lý kịp thời khi phát hiện các mối nguy và cảnh báo cho cộng đồng.
Cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đã chủ trì buổi làm việc liên ngành Bộ Y tế - Bộ NN&PTNT - Bộ Công thương về phối hợp quản lý chất lượng ATVSTP.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu thì nên tiến tới quản lý thực phẩm theo chuỗi sản phẩm từ sản xuất, chế biến, kinh doanh đến tiêu thụ, đồng thời cần tăng cường tập huấn kiến thức về ATVSTP cũng như điều chỉnh mức xử phạt để đảm bảo được tính răn đe đối với các vi phạm về vấn đề này. Điều này cần sự phối hợp rất chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành có liên quan.
Trước đó, vào ngày 16/5, trong báo cáo chi tiết gửi Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Bộ NN&PTNT thừa nhận: “Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vừa qua là có thật, có nơi ở mức nghiêm trọng”.
Báo cáo này cũng khẳng định tình hình sử dụng chất cấm nhóm beta - agonist trong chăn nuôi (như chất tạo nạc) hiện nay “đã tạm thời được kiểm soát”, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát trở lại.
Ngọc Anh