- Quyền lợi của người dân ở chính quyền đô thị được thể hiện qua người đại diện rất rõ, "kỳ này tôi bầu cho ông nhưng không được hưởng lợi gì thì năm sau tôi không bầu cho ông nữa”.
“Tôi chưa nhìn thấy người dân được lợi gì trong đề án, mà chỉ mới thấy những ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân”, ĐB Lâm Thiếu Quân băn khoăn trong hội nghị nghe báo cáo đề án thí điểm xây dựng chính quyền đô thị TP.HCM do HĐND TP tổ chức sáng 10/8.
Cán bộ không còn đóng cửa đi họp
Dù đồng tình với đề án thí điểm chính quyền đô thị ở TP.HCM sẽ được trình Chính phủ tháng 10 tới, nhưng các đại biểu HĐND tỏ ra băn khoăn và đề nghị làm rõ nhiều vấn đề, trong đó nổi bật lên là quyền lợi của người dân nếu đề án được thực thi.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm |
ĐB Lâm Thiếu Quân cho rằng, xét ở khía cạnh người dân được lợi gì thì chưa nhìn rõ mà chỉ mới thấy những ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân như địa chỉ nhà, chứng minh nhân dân, bằng lái xe… cũng phải thay đổi. “Có phải đề án không quan tâm đến lợi ích người dân?”, ông Quân đặt vấn đề.
Vị đại biểu này nhìn nhận, đề án chính quyền đô thị TP.HCM quá tham vọng khi muốn thay đổi toàn bộ hệ thống cơ cấu và mô hình tổ chức. “Tôi nhìn thấy rất phức tạp, không chỉ làm tăng chi phí phát sinh như xây dựng thêm 4 thành phố mới mà còn làm tăng nhân sự. Đề án mới chỉ đưa ra mục tiêu, chưa có con số chứng minh cụ thể về tính hiệu quả của nó”, ĐB Quân băn khoăn.
ĐB Thi Thị Tuyết Nhung cũng đề nghị làm rõ khi áp dụng mô hình này người dân sẽ được lợi gì trong việc cải cách hành chính, phúc lợi công cộng và trong việc chính quyền tạo điều kiện cho người dân làm ăn phát triển kinh tế.
ĐB Trịnh Xuân Thiều đề nghị đề án cần làm rõ hiệu quả kinh tế - xã hội khi áp dụng mô hình chính quyền mới: “Cái quan trọng nhất là chính quyền mới có phục vụ dân tốt hơn không”.
Trả lời câu hỏi dân được lợi gì, với tư cách là thành viên Ban soạn thảo đề án, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch cho biết, đề án hướng tới nền hành chính lấy phục vụ dân làm trọng tâm, chứ không còn “hành là chính”.
Chính quyền mới cũng tập trung lo phúc lợi cho người dân bằng tự chủ ngân sách. “Tương lai, thành phố nào làm nhiều, tốt hơn thì dân hưởng lợi nhiều hơn.Thành phố được quyền quyết cho phúc lợi của mình. Phúc lợi do HĐND các nơi đó quyết định”, ông Lịch nói.
Cái được lớn nhất của người dân, theo ông Lịch là quyền của họ được thể hiện qua đại diện của họ rất rõ và phục vụ cho lợi ích của họ một cách trực tiếp. “Tương lai người dân thấy rằng, kỳ này tôi bầu cho ông này nhưng không được hưởng lợi gì hết thì năm sau tôi không bầu cho ông đó nữa”, ông Lịch lý giải.
Hiệu quả công vụ của đề án này là phục vụ dân, ông Lịch khẳng định. “Không có chuyện dân tới phường mà không biết việc của mình cán bộ nào phụ trách, không có chuyện cán bộ đóng cửa đi họp”, ông Lịch nói thêm.
Không xáo trộn
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng khẳng định, sở dĩ TP cần phải thực hiện đề án thí điểm chính quyền đô thị này vì xuất phát từ thực tế mô hình hiện nay đang ngày càng bất cập so với yêu cầu quản lý và phát triển đô thị.
“TP cần có cơ chế phù hợp để phát triển. Nhưng sự phát triển của TP không phải phục vụ riêng cho TP mà còn đóng góp chung cho cả nước”, bà Tâm lý giải.
Bà cũng khẳng định quan điểm của TP là không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của TP và chất lượng cuộc sống của người dân.
Với truyền thống năng động, sáng tạo và luôn tìm tòi cái mới của TP, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho hay, TP sẽ quyết tâm làm thí điểm đạt được kết quả cao nhất, không có tư tưởng “làm thí điểm không đạt thì quay lại”.
Nếu được Trung ương và Quốc hội thông qua nghị quyết làm thí điểm, TP với quyết tâm chính trị cao nhất sẽ bắt tay vào làm chặt chẽ, có bước đi phù hợp, không nóng vội, chủ quan, duy ý chí - Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh.
Tá Lâm