- Ông Thơm cho rằng, từ những lời khai nhận của các nhân chứng, đối tượng gây án, có đủ cơ sở chứng minh là BS Tường đã thực hiện hành vi phạm tội giết người...

Ngày 25/10, trao đổi với VietNamNet, Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng: Việc cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ hút mỡ bụng, nâng ngực không được Nhà nước cho phép.

Hoạt động hút mỡ bụng, nâng nực thẩm mỹ là nguy hiểm đến tính mạng con người nên chỉ được phép thực hiện trong các bệnh viện và cơ sở y tế của Nhà nước nên Sở Y tế Hà Nội không cấp phép hoạt động này cho Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường.

{keywords}
BS chỉ nơi ném xác nạn nhân

BS Tường làm trong ngành y tế phải biết được tính nguy hiểm của việc hút mỡ bụng và nâng ngực thẩm mỹ là nguy hiểm đến tính mạng, vì trong quá trình của việc phẫu thuật thẩm mỹ có việc phải sử dụng phương pháp gây mê, gây tê.

Trong khi đó, Nguyễn Mạnh Tường chỉ là BS khoa ngoại của Khoa chấn thương chỉnh hình (ví dụ như: nối đứt xương chân, tay, lắp chân tay giả,…) không có chuyên môn về lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ và gây mê.

Mặc dù không được Nhà nước cho phép hoạt động lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực, hút mỡ bụng nhưng BS Tường vẫn thực hiện nhiều ca phẫu thuật, trong đó có ca phẫu thuật vào ngày 19/10/2013 đối với chị Lê Thị Thanh Huyền. Hậu quả làm chị Huyền bị tử vong ngay tại trung tâm.

Khi thấy chị Huyền bị lâm vào tình trạng hôn mê sau phẫu thuật, BS Tường chỉ cấp cứu qua loa rồi bỏ đi nơi khác, không có mặt bên nạn nhân.

Khi chị Huyền bị chết, ông ta đã tổ chức đem nạn nhân vứt xuống sông Hồng phi tang chứng cứ nhằm che giấu hành vi phạm tội của mình.

Bác sĩ thú nhận vứt xác bệnh nhân xuống sông

Đến giữa cầu, BS Tường và nhân viên Khánh dừng lại, cùng khiêng xác chị Huyền ném xuống sông Hồng.

Xâu chuỗi lại các hành vi, thấy BS Tường thể hiện sự coi thường tính mạng của nạn nhân. Hành vi của BS Tường có giấu hiệu phạm tội "Giết người" với lỗi cố ý gián tiếp (biết hành vi của mình là nguy hiểm đến tính mạng của người khác nhưng vẫn làm vì đồng tiền và bỏ mặc hậu quả xảy ra thì theo qui định của pháp luật thì hậu quả đến đâu phải xử lý đến đó). Hậu quả của vụ án này là chị Huyền đã chết.

Cũng theo ông Thơm, nếu việc Cơ quan điều tra tổ chức truy tìm xác nạn nhân không có kết quả, việc này không ảnh hưởng đến việc xác định tội danh và đưa ra truy tố, xét xử đối với BS Tường.

Việc tìm thấy xác nạn nhân cũng chỉ là một chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội mà thôi. Bởi ê kíp ca phẫu thuật đều thừa nhận có việc thực hiện ca phẫu thuật thẩm mỹ cho chị Huyền vào ngày 19/10/2013 tại Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường và có sự việc nạn nhân bị tử vong vào buổi chiều cùng ngày.

Bản thân BS Tường và nhân viên bảo vệ thừa nhận có việc chị Huyền chết và sau đó hai đối tượng này mang xác chị Huyền vứt xuống sông Hồng và còn có các chứng cứ khác chứng minh như các phương tiện, dụng cụ phạm tội, hóa đơn thu tiền của chị Huyền, các mẫu máu thu tại hiện trường,…

Ông Thơm cho rằng, từ những lời khai nhận của các nhân chứng, đối tượng gây án, có đủ cơ sở chứng minh là BS Tường đã thực hiện hành vi phạm tội giết người như nêu trên.

Điều 9. Cố ý phạm tội

Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:

1. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;
2. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Theo quy định tại Điều 9 BLHS thì cố ý gián tiếp là trường hợp "Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra".

Từ quy định chung trên có thể thấy cố ý gián tiếp trong tội giết người là trường hợp người có hành vi phạm tội thấy rõ hành vi của mình có khả năng làm chết người khác, mặc dù họ không mong muốn cho hậu quả xảy ra nhưng vẫn thực hiện hành vi đó và để mặc cho hậu quả xảy ra.

Điều đó có nghĩa là trong ý thức chủ quan của mình, người phạm tội hoàn toàn không có ý định tước đoạt tính mạng của người khác, mà họ chỉ thực hiện hành vi phạm tội với thái độ bỏ mặc cho hậu quả muốn đến đâu thì đến. Vậy thì hậu quả xảy ra đến đâu thì họ chỉ phải chịu trách nhiệm đến đó thôi.

Điều 93. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

T.Nhung