Xây dựng NTM là một cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức và mục tiêu

Thực hiện đường lối đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt nhiều thành tựu to lớn. Tuy nhiên, nhiều thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Kết cấu hạ tầng nông thôn như: điện, đường, trường, trạm, chợ, thủy lợi còn nhiều yếu kém; sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng nông sản còn thấp, bảo quản chế biến chưa gắn với thị trường tiêu thụ; chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với cơ cấu lao động, ứng dụng khoa học công nghệ còn chậm. Thu nhập của nông dân thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; kinh tế hộ, kinh tế trang trại, hợp tác xã còn nhiều yếu kém; đời sống tinh thần của nhân dân còn hạn chế, nhiều nét văn hoá truyền thống đang có nguy cơ mai một; môi trường và an ninh nông thôn còn nhiều vấn đề bức xúc...

Cốt lõi của nông nghiệp, nông dân, nông thôn chính là sự phát triển của giai cấp nông dân. Bất kỳ chủ trương, đường lối, chính sách nào có liên quan đến nông dân, nông thôn, nông nghiệp đều phải vì người nông dân, từ người nông dân. Xây dựng nông thôn mới cũng không nằm ngoài tinh thần này.

Nước ta đang phấn đấu trở thành nước công nghiệp, một nước công nghiệp không thể để nông nghiệp, nông thôn lạc hậu, nông dân nghèo khó. Xây dựng nông thôn mới là cuộc cách mạng và cuộc vận động lớn để cộng đồng dân cư nông thôn đồng lòng xây dựng thôn, xã khang trang, sạch đẹp; phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ một cách toàn diện; có nếp sống văn hoá, môi trường và an ninh nông thôn được đảm bảo; thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Vì vậy, phải tiến hành xây dựng xã nông thôn mới.

Đạt được bước tiến dài cả về chất và lượng

Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết:

Năm 2021, cả nước huy động được khoảng 602.603 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện Chương trình.

Năm 2022, theo số liệu báo cáo của các địa phương, đến tháng 12/2022, cả nước huy động được khoảng 744.723 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện Chương trình (tăng 24% so với năm 2021).

Năm 2023, theo số liệu báo cáo của các địa phương, tính đến tháng 6/2023, cả nước huy động được khoảng 404.618 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện Chương trình.

nongthon.png

Như vậy, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2023 (tính đến thời điểm báo cáo) khoảng 1,752 triệu tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương đóng vai trò “vốn mồi”, hỗ trực trực tiếp thực hiện Chương trình chiếm khoảng 1,2%, ngân sách địa phương các cấp khoảng 9,9%, vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác thực hiện trên địa bàn nông thôn khoảng 8,1%, vốn tín dụng khoảng 74,1%, vốn doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khoảng 4,0%, người dân và cộng đồng đóng góp tự nguyện khoảng 2,8%.

“Đến nay, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách Trung ương cao nhất trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia”, ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho hay.

Bên cạnh kết quả đạt được, hiện hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình ở cấp trung ương chậm được ban hành, nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phân bổ kế hoạch, giao vốn ngân sách Trung ương.

Tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2022 (bao gồm cả kế hoạch vốn năm 2021 chuyển sang thực hiện năm 2022) và giai đoạn 2021-2025 còn chậm. Nhiều địa phương chưa thực hiện việc giải ngân ngay sau khi hoàn thành công tác giao kế hoạch vốn.

Chương trình đặt ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; phấn đấu cả nước có khoảng từ 17-19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; phấn đấu 60% số thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nông thôn mới do UBND cấp tỉnh quy định.

4 nhóm giải pháp phát triển ngành nông nghiệp

Năm ngoái, sau chất vấn và trả lời chất vấn người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chốt lại các vấn đề của ngành nông nghiệp như sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nông nghiệp sinh thái bền vững, hiệu quả cao gắn với xây dựng nông thôn mới, lấy người nông dân là chủ thể và trung tâm xây dựng chương trình hành động với các chiến lược, kế hoạch, đề án, giải pháp cụ thể để triển khai có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa 13 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; cũng như các Kết luận, Nghị quyết công tác giám sát chuyên đề của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, gắn an ninh lương tự với an ninh nguồn nước, bảo vệ và làm giàu đất đai, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất kinh doanh nông nghiệp, chế biến, bảo quản nông sản, đáp ứng nhu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu sớm đưa Việt Nam thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu của ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Thứ hai, xây dựng và quyết liệt triển khai chương trình hành động thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa 13 về phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã. Tham mưu cho Chính phủ tổng kết và đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã năm 2013. Thường xuyên quan tâm đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là các hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp. Chú trọng phát triển quy mô hợp tác xã và tăng nhanh tỷ trọng hợp tác xã hoạt động có hiệu quả.

Phấn đấu đến hết năm 2025 có 25.000 hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp. Khuyến khích hình thành các tổ hợp tác trang trại liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ, coi đây là một trong những bước đột phá để phát triển sản xuất quy mô lớn, thay thế sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.

Tổ chức sản xuất, liên kết thị trường theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, giữa nông dân với nông dân; giữa nông nghiệp với doanh nghiệp. Củng cố tổ chức lại hệ thống phân phối nông sản, tăng cường ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử. Nâng cao năng lực dự báo, xác định nhu cầu thị trường, thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất hàng hóa theo nhóm trục sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh và nhóm sản phẩm OCOP.

Đến năm 2025 phấn đấu có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Xây dựng và triển khai đề án chuyển dần từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Thực hiện các giải pháp đột phá để gia tăng giá trị kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh xây dựng các trung tâm logistic nông sản, hệ thống kho lạnh, gắn với vùng xuất khẩu nông sản, gắn với vùng nguyên liệu, nâng cao năng lực chế biến, bảo quản nông sản. Xây dựng và triển khai các đề án đẩy mạnh xuất khẩu nông sản ra thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản…

Thứ ba, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương đánh giá bối cảnh tình hình trong nước và thế giới, nhu cầu trong nước, điều tiết xuất nhập khẩu, vật tư nông nghiệp đầu vào, tăng cường kiểm minh bạch về giá, chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi. Khắc phục tình trạng thiếu giống, thiếu chủ động về giống, vật tư nông nghiệp; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ sinh học, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tăng cường sử dụng sản phẩm nông nghiệp trong nước, phụ phẩm chế biến để sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, phân bón hữu cơ giảm phụ thuộc một phần nguồn nhập khẩu.

Thứ tư, triển khai nhanh chóng, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tác xã, hộ kinh doanh phục hồi sau đại dịch COVID-19. Rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Bố trí, cân đối nguồn lực để thực hiện các chính sách đã được quyết định.

Tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa mạnh mẽ thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Cắt giảm loại hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành, rút ngắn thời gian kiểm tra, tăng cường quản lý rủi ro, không để xảy ra nhũng nhiễu doanh nghiệp trong các khâu cấp phép kiểm dịch thực vật và động vật. Phấn đấu cắt giảm đơn giản ít nhất 20% quy định, 20% chi phí tuân thủ. Xây dựng nhanh chóng hệ thống dữ liệu ngành nông nghiệp, khuyến khích số háa, tích hợp các quy trình sản xuất, nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận công nghệ số và sản xuất, thương mại nông sản cho nông dân.

Tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thúc đẩy nghiên cứu, làm chủ và phát triển ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích đầu tư ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Hoàn thiện chính sách xây dựng và triển khai các đề án thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ươm tạo và chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Văn Thường và nhóm PV, BTV