Sáng 4/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã đề nghị không đưa Game online vào diện chịu loại thuế này vì làm như vậy sẽ triệt tiêu sự phát triển của ngành công nghiệp có khả năng mang lại nguồn thu lớn…

{keywords}

Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son.

Phát biểu tại đoàn Hà Nội, đại biểu Nguyễn Quốc Bình đánh giá, hiện nay, game online chủ yếu là nhập lậu, trong khi đó, quan điểm của thế giới về sản xuất trò chơi trực tuyến là khuyến khích phát triển phần mềm công nghệ thông tin. “Nếu Chính phủ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với game online là ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Phần mềm trò chơi không những chơi trong nước mà còn xuất khẩu ngay, nếu tính thuế đặc biệt là sai." - đại biểu Nguyễn Quốc Bình khẳng định.

Trong khi đó, phân tích sâu về lĩnh vực này, đại biểu Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, Game online có thể gây nghiện ví dụ như ở Hàn Quốc có người mải chơi game, không quan tâm đến con dẫn đến một trẻ bị tử vong. Hay như ở Việt Nam , nhiều học sinh mê chơi game, có gia đình bố chơi game, mẹ cũng chơi game...

“Nhưng không phải vì thế mà chúng ta cấm game và đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.” - đại biểu Nguyễn Bắc Son khẳng định.

Đại biểu Nguyễn Bắc Son dẫn chứng, cách đây hơn 10 năm, Trung Quốc cũng nhập khẩu game từ nước ngoài vào, nhưng khi thấy nhu cầu chơi game của người Trung quốc và trên thế giới rất cao, họ đã xản xuất và có chính sách để phát triển game. Năm 2013, game của Trung Quốc có thu nhập 13,5 tỷ đô la, trở thành lĩnh vực kinh tế rất quan trọng ở Trung Quốc hiện nay.

Theo chính sách của Trung Quốc, năm 2003, game được đưa vào chương trình nghiên cứu phát triển công nghệ cao. Năm 2004, dự án phát triển 100 game trực tuyến trong 5 năm được hưởng thuế ưu đãi, vốn...

Tiếp đó, năm 2005, Trung Quốc xây dựng chính sách phát triển game trực tuyến với một số dự án như: thành lập 4 cơ sở quốc gia phát triển game trực tuyến và một doanh nghiệp game cốt lõi; thành lập học viện game và phát triển 100 trương trình đào tạo game trực tuyến ở các trường phổ thông và đại học. Đến năm 2009Trung Quốc đã hình thành công nghiệp game phát triển mạnh mẽ.

Đồng thời với chính sách phát triển game trong nước thì Trung Quốc cũng hạn chế game nước ngoài bằng cách quy định rất chặt chẽ. Game nước ngoài muốn vào Trung Quốc hoạt động thì phải liên kết với một công ty trong nước với điều kiện không được quá 50% và như vậy, công ty game trong nước vẫn làm chủ các công ty game này. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đưa ra lộ trình cấp phép game nước ngoài ít nhất kéo dài 4 tháng trở lên để giảm lợi nhuận cho game nước ngoài.

Đại biểu Nguyễn Bắc Son cũng cho biết, hiện nay các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Lào… chưa có nước nào đưa game online vào chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, thậm chí còn hỗ trợ phát triển. Riêng Lào chỉ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào máy chơi game.

Còn ở Việt Nam, game bắt đầu xuất hiện từ năm 2005 và phát triển rất mạnh mẽ, nhưng công nghiệp trong nước lại phát triển rất hạn chế. Chúng ta chỉ mới có game flapy bird gần đây là một sự đột phá, trong khi nhiều nước đào tạo hàng nghìn người để sản xuất game.” – đại biểu Nguyễn Bắc Son nói và cho biết thêm, dù game đã vào Việt Nam từ năm 2005 nhưng chưa được sản xuất nhiều, chủ yếu vẫn là game nước ngoài. Tính đến tháng 8/2004 vừa qua, chúng ta đã cấp phép cho 126 game nhưng hiện có 60 game thị trường đã không dùng nữa.

“Hiện nay chúng ta có Nghị định 72 chế tài. Chúng ta cũng đang xây dựng thông tư để cấp phép trong thời gian tới, làm sao game đáp ứng nhu cầu giải trí của nhân dân nhưng đồng thời phải tuân thủ theo quy định của pháp luật để tránh tình trạng game bạo lực, chơi game quá thời gian ảnh hưởng đến sức khỏe, nghiện game... bị xã hội lên án.” - Đại biểu Nguyễn Bắc Son cho biết.

Theo đại biểu Nguyễn Bắc Son, ngoài việc tìm biện pháp tránh tác hại của game thì các cơ quan quản lý cũng đang hướng tới phát triển game dần trở thành ngành kinh tế góp phần tuyên truyền giáo dục về lịch sử truyền thống.

“Trước đây có ý kiến đưa game vào là một yếu tố gây nghiện cũng giống như thuốc lá, rượu, bia nhưng sau này phân tích cụ thể ra, so sánh với thế giới vàhiện nay ở Việt Nam thì thấy rằng, không chỉ vì mặt trái mà cấm hoạt động game. Game cũng là một nhu cầu giải trí và chúng ta dùng chế tài để hạn chế mặt tiêu cực, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển phục vụ nhu cầu giải trí, nếu tốt thì còn góp phần tuyên truyền nâng cao truyền thống văn hóa, đạo lý con người Việt Nam qua hoạt động game.” - đại biểu Nguyễn Bắc Son phân tích.

Dẫn chứng từ nước láng giềng, đại biểu Nguyễn Bắc Son cho biết, nhà nước Trung Quốc cũng đưa ra yêu cầu tất cả game của Trung Quốc phải sản xuất theo thuần phong mỹ tục của Trung Quốc và để tuyên truyền lịch sử của Trung Quốc. Cho nên, họ khuyến khích game Trung Quốc phát triển ra nước ngoài với điều kiện tất cả những game này phải đảm bảo các yếu tố đó, đưa văn hóa của Trung Quốc ra nước ngoài.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, năm 2012, doanh thu từ game ở Việt Nam là khoảng 5.000 tỷ, năm 2013 xuống còn 4.000 tỷ, tạo việc làm cho khoảng 7.500 người. Mới đây, Chính phủ cũng ban hành một Nghị định, trong đó đưa game vào là một trong những dịch vụ nội dung số để khuyến khích góp phần phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam.

Theo VnMedia