- Tháng 4 vừa rồi, khi đang lưu thông trên đường bằng xe gắn máy phân khối lớn, phía sau chở một người bạn thì bất ngờ, tôi bị một người đàn ông chạy ngược chiều đâm phải. Hậu quả, tôi và bạn bị ngã khỏi xe, tay chân xây xước nhẹ, còn người đâm phải chúng tôi bị thương nặng hơn, phải nhập viện điều trị.

Sau khi điều tra, cơ quan công an kết luận chúng tôi đi đúng làn đường và tốc độ quy định, còn người đàn ông kia do nồng độ cồn trong máu cao, không làm chủ được tay lái nên đã lấn sang phần đường ngược chiều. Lỗi hoàn toàn thuộc về phía người đó.

Mặc dù không có lỗi, tôi vẫn chủ động gửi một ít tiền và hoa quả đến thăm hỏi sức khỏe người kia. Nhưng phía bên gia đình họ lại cho rằng chúng tôi có trách nhiệm hoàn toàn trong việc chi trả viện phí và sửa xe máy cho người nhà họ. Vì vậy, họ đưa đơn lên công an, buộc giữ xe máy và giấy tờ của tôi.

Hiện tại, dù đã được xác định là không có lỗi, nhưng tính đến nay, đã gần 4 tháng tôi bị giữ giấy tờ và phương tiện xe, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Xin hỏi luật sư, nếu tôi đúng luật, thì khi nào công an mới trả xe lại cho tôi? Tôi phải làm thế nào để đòi lại quyền lợi cho mình?

{keywords}
Tôi bị giữ xe 4 tháng nay gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống (Ảnh minh họa)

Trả lời:

Căn cứ vào Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, cụ thể: Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Theo Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao thì ngay cả khi không có lỗi nhưng chủ sở hữu xe vẫn phải bồi thường thiệt do đây là phương tiện giao thông vận tải cơ giới cũng là nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

Khoản 3 Điều 623 Bộ luật dân sự quy định “Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Hai bên có thể thỏa thuận với nhau về việc bồi thường thiệt hại về sức khoẻ, về tổn thất tinh thần trên cơ sở các chi phí quy định tại Điều 609 BLDS 2005. Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.

Do xe của bạn là phương tiện trong vụ tai nạn giao thông nên việc cơ quan công an tạm giữ xe để khám nghiệm, điều tra là phù hợp với quy định của pháp luật. Thời gian giữ xe phụ thuộc vào quá trình điều tra, xác minh của cơ quan công an. 

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc