Các nhà lãnh đạo Khu vực đồng Euro (Eurozone) đưa ra những điều khoản “tồi tệ” hơn cho Hy Lạp, nếu như nước này muốn được nhận gói cứu trợ mới.

Các bộ trưởng tài chính Eurozone yêu cầu Hy Lạp cam kết mạnh hơn trong việc tự do hóa thị trường, luật lao động, cổ phần hóa, cải cách hành chính nhà nước, cắt giảm chi tiêu quốc phòng, và thông qua nhiều luật chủ chốt vào tuần tới.

{keywords}
Kế hoạch giải cứu Hy Lạp đang gây chia rẽ ở châu Âu. (Ảnh: Reuters)

Theo dự thảo tuyên bố cuối cùng của hội nghị, “hiện chưa đủ điều kiện để bắt đầu đàm phán gói cứu trợ mới”. Việc xúc tiến đàm phán về gói cứu trợ thứ ba sẽ chỉ được thực hiện, một khi Athens gắn với những cải cách như đã yêu cầu.

Chính phủ Hy Lạp cho biết, các điều kiện “rất tồi tệ”, song với việc các ngân hàng sắp cạn tiền mặt, Athens đang cố gắng tìm ra giải pháp. “Các đề xuất đó để trừng phạt. Đó là một hình thức trả đũa”, nghị sĩ Hy Lạp Dimitri Sevastakis nói.

Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính Hy Lạp cần khoảng 82 tới 86 tỷ Euro trong vòng ba năm tới, theo một tài liệu dự thảo của các quan chức tài chính. Kể từ năm 2010, các chủ nợ quốc tế đã cho Hy Lạp vay khoảng 233 tỷ Euro.

Riêng trong ngắn hạn, để giải quyết các nhu cầu tài chính hiện tại, theo nhận định của Khu vực đồng tiền chung châu Âu, Hy Lạp đang cần khoảng 19 tỷ Euro. Cụ thể, Hy Lạp cần có 7 tỷ Euro trong tháng 7 này và 12 tỷ Euro trong tháng 8.

Trước đó, phát biểu trước khi bước vào cuộc họp thượng đỉnh lần thứ 3 của lãnh đạo 19 nước thành viên Eurozone, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tuyên bố rằng sẽ không chấp nhận "về mọi giá", nhằm đạt được thỏa thuận với Hy Lạp.

Bà Merkel cũng nói tới việc mất lòng tin với chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras và cảnh báo về những điều kiện mạnh mẽ hơn. Đức là nước đầu tiên đã đề xuất Hy Lạp tạm rời Eurozone trong 5 năm nếu như không cải cách hơn nữa.

Mặc dù đề xuất của Đức không được đưa ra thảo luận chính thức, nhưng đã được bàn luận sôi nổi bên lề. Kế hoạch này hiện đã nhận được sự ủng hộ của một số nước, trong đó có Hà Lan, Phần Lan, Estonia, Litva, Slovakia và Slovenia.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande vẫn kiên quyết không để Hy Lạp rời khối này. Pháp “sẽ làm tất cả những gì có thể để đạt được thỏa thuận nhằm giữ Hy Lạp ở lại Eurozone”, ông Hollande phát biểu ngay sau khi tới Brussels.

Giới chức Hy Lạp cho rằng, những đòi hỏi mới khó khăn hơn của Đức mang tính xúc phạm, cố tình “làm bẽ mặt” Athens và nhằm mục đích hạ bệ chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras.

Trên thực tế, Hy Lạp đã mất khả năng thanh toán từ hôm 30/6, sau khi không trả được khoản nợ 1,6 tỷ Euro của IMF. Nếu không nhận được gói cứu trợ mới, Hy Lạp buộc phải tuyên bố vỡ nợ, đồng nghĩa với việc sẽ rút khỏi Eurozone.

Trong một diễn biến khác có liên quan tới Hy Lạp, hôm 12/7, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak tuyên bố rằng, Moscow đang xem xét việc cung cấp nhiên liệu trực tiếp cho Athens, giúp quốc gia này khôi phục nền kinh tế.

Ông nói Nga muốn giúp khôi phục kinh tế Hy Lạp thông qua mở rộng hợp tác năng lượng. Hiện Nga đang tiến hành nghiên cứu khả thi về một tuyến đường ống vận chuyển năng lượng trực tiếp cho Hy Lạp và dự án sẽ sớm được khởi công.

Mối quan hệ giữa Moscow và Athens đã cải thiện nhiều sau hi đảng Syriza lên nắm quyền ở Hy Lạp. Dù là thành viên của EU, nhưng Hy Lạp vẫn phản đối việc khối này áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga liên quan tới khủng hoảng Ukraina.

Từ tháng 4 tới nay, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã hai lần thăm Nga. Trong các chuyến công du này, Thủ tướng Hy Lạp đã cùng các nhà chức trách Nga thúc đẩy thỏa thuận “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” trị giá 2 tỷ Euro (2,18 tỷ USD).

Thanh Vân