- Không tự ti mặc cảm với bản thân bị khuyết tật, không chịu an phận, không để gia đình và xã hội phải lo cho mình, luôn tìm tòi học hỏi, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn… Giờ đây, chị đã là người phụ nữ làm kinh tế giỏi với thu nhập trung bình khoảng gần chục triệu đồng/tháng.
Đó là chị Nguyễn Thị Mai Hoa, sinh năm 1962, ở khối 14, phường Hà Huy Tập (TP Vinh, tỉnh Nghệ An), một trong 203 cá nhân xuất sắc, điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi giai đoạn 2002 – 2013 được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam vinh danh.
Chặng dài vượt khó khởi nghiệp
Theo lời chị Mai Hoa, khi được sinh ra, cũng như bao đứa trẻ khác, Mai Hoa rất xinh xắn khỏe. Nhưng khi lên 2 tuổi, sau 1 trận sốt cao, Mai Hoa đã bị liệt nửa người bên trái, khiến đôi chân không thể vận động được bình thường. Dù mới 2 tuổi nhưng cô bé đã sớm nhận biết được sự khác biệt giữa mình và bạn bè cùng trang lứa, luôn cảm thấy tự ti vì bị bạn bè trêu chọc.
Đến khi vào học cấp I, bạn bè đã hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh của cô bé, yêu thương và giúp đỡ Mai Hoa vì thấy ở em có một nghị lực phi thường. Thế là, hàng ngày bạn bè thay nhau cõng Mai Hoa đến trường.
Lên cấp II, Hoa bắt đầu tập đi, nhưng điều đó quả thực không đơn giản, đôi chân co quắp, căng cứng không chịu làm theo những suy nghĩ của em, cứ đi được vài bước em lại ngã. Nhiều lúc định bỏ cuộc nhưng nghĩ đến người thân, bạn bè và những ước mơ của chính bản thân mình em đã nén đau bước tiếp. Sau một thời gian dài khổ luyện Mai Hoa đã tự đi được trên đôi chân của mình dù là tập tễnh.
Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng cô bé khuyết tật vẫn luôn nỗ lực, cố gắng hết mình trong học tập và đạt được thành tích cao, nhất là với các môn học tự nhiên. Sau khi học xong lớp 12, Mai Hoa thi đỗ vào Khoa Sinh Trường Đại học Tổng hợp Huế. Sau nhiều thăng trầm, với những nỗ lực và cố gắng vượt bậc, Hoa đã hoàn thành hết chương trình học.
Năm 1988, cầm tấm bằng đại học trong tay, Mai Hoa lại phải đối mặt với những thách thức mới, đi xin việc ở nhiều nơi nhưng chẳng cơ quan nào chấp nhận một người tàn tật vào làm việc. “Lúc đó bao niềm tin và hy vọng như sụp đổ dưới chân tôi” – chị Mai Hoa tâm sự.
Năm 1990, chị rời xứ Huế ra thành Vinh bắt đầu một cuộc sống tự lập. Chị làm đủ nghề để kiếm sống, khi đã tích lũy được chút vốn, với những kiến thức về vi sinh chị quyết định mày mò, nghiên cứu làm ra loại nước giải khát lên men, lấy tên là nước giải khát Hương Lúa.
Chị Mai Hoa với sản phẩm nước rửa chén của mình |
Đây là thời điểm chị gặp rất nhiều khó khăn, bởi một mình chị vừa làm công việc vận chuyển nguyên liệu từ Huế ra Nghệ An để làm thành phẩm và lại tự tìm mối giao dịch bán hàng. Thế nhưng, ý chí và niềm tin vào cuộc sống đã giúp chị vượt qua tất cả và những nỗ lực của chị thực sự được đền đáp khi sản phẩm nước giải khát lên men Hương Lúa được người tiêu dùng đón nhận.
Khi việc kinh doanh ổn định, tích lũy được vốn và có chút để dành, chị Hoa đã ra Hà Nội phẫu thuật lại đôi chân để việc đi lại được thuận tiện hơn.
Giúp mình - giúp đời
Chị Mai Hoa tự nhủ, bản thân mình tuy tàn tật nhưng không vì thế mà an phận, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Không thể lao động nặng, chị chọn cho mình con đường kinh doanh để lập nghiệp kiếm sống.
“Thấy chị em phụ nữ luôn vất vả vì công việc bếp núc, nội trợ. Sau mỗi bữa cơm gia đình lại phải hì hụi rửa sạch cả đống bát đĩa, xoong nồi, trong khi nhiều sản phẩm nước rửa chén trên thị trường không rõ nguồn gốc hoặc chứa nhiều hóa chất có hại cho sức khỏe cũng như da tay của chị em. Từ suy nghĩ đó, tôi đã chia sẻ với chồng và được anh ủng hộ, năm 2006, hai vợ chồng quyết định sản xuất nước rửa chén”, chị Mai Hoa cho hay.
Để thành công, chị Mai Hoa cùng chồng mua tài liệu về nghiên cứu, học tập, tìm tòi kinh nghiệm của người đi trước, lắng nghe ý kiến các hộ kinh doanh, người tiêu dùng về mong muốn của họ đối với sản phẩm nước rửa chén. Rồi anh chị tìm mua nguyên liệu sản xuất của các cơ sở có uy tín, thiết kế kiểu dáng, bao bì, làm các thủ tục đăng ký sản xuất…
Sản phẩm nước rửa chén hương chanh Mỹ Hoa ra đời cùng bao hy vọng, công sức say mê nghiên cứu, tìm tòi của chị. Chị cho biết: “Mới đầu, sản phẩm nước rửa chén của tôi ít được mọi người chấp nhận do nghi ngại về chất lượng nhưng khoảng 1 năm sau, sản phẩm nước rửa chén của chị đã có thị phần đáng kể ở địa bàn thành phố Vinh, sau đó lan rộng ra các huyện nông thôn, miền núi trong tỉnh và một số tỉnh lân cận”.
Hiện nay, trung bình mỗi tháng, xưởng sản xuất của chị Hoa sản xuất được khoảng 6.000 lít nước rửa chén, trừ mọi chi phí cho lãi hàng chục triệu đồng. Người lao động ở xưởng sản xuất của anh chị đa số là các bạn sinh viên, làm việc theo ca, tranh thủ ngoài giờ học và tiền công được trả theo sản phẩm.
Giờ đây, công việc sản xuất, kinh doanh ổn định, phá triển tốt của chị Mai Hoa không chỉ góp phần xây dựng kinh tế gia đình mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế chung ở địa phương.
Với những nỗ lực của bản thân, chị Mai Hoa đã vươn lên, “tàn mà không phế”, không chỉ khẳng định bản thân, lo cho kinh tế gia đình mà còn góp sức giúp cho nhiều người khác có việc làm và thu nhập.
Bảo Hân